Mặc dù đại dịch Covid-19 đã đi qua, TP.HCM đã trở lại cuộc sống bình thường gần 2 năm nay. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đeo bám dai dẳng tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, tuyến đường trung tâm TP. Điều này được minh chứng bằng những mặt bằng cho thuê dán thông báo cho thuê hết tháng này qua năm nọ…
Mặt bằng đường Nguyễn Huệ (Q.1) bỏ trống vì chưa có người thuê
Mặt bằng “vàng” “đỏ mắt” chờ khách thuê
Đi dọc tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai từ Q.3 sang Q.1 chưa đầy 1km, chúng tôi ghi nhận có hàng chục mặt bằng lớn nhỏ “cửa đóng then cài”, phía trước dán thông báo cho thuê.
Tại ngã tư Cao Thắng giao Nguyễn Thị Minh Khai (P.5, Q.3), mặt bằng số 450 Nguyễn Thị Minh Khai rộng khoảng 70m2 để trống từ năm ngoái đến nay vẫn chưa có người thuê. Ông Tuấn – người dân sinh sống gần đấy – cho biết: “Trước đại dịch Covid-19, mặt bằng này cho thuê kinh doanh cà phê, khách nườm nượp cả ngày lẫn đêm. Dịch xảy ra, quán đóng cửa trả mặt bằng. Sau dịch, có một bác sĩ thuê mở phòng khám nhưng nhanh chóng trả lại mặt bằng dù chưa hết hợp đồng chỉ vì vắng khách”.
“Hiện chủ căn hộ rao giá thuê khoảng 80 triệu đồng/tháng. Với giá này, cộng thêm tiền điện, nước, thuê nhân công thì mỗi tháng người thuê phải bỏ ra ít nhất 100 triệu đồng. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, buôn bán ế ẩm như hiện nay thì ít ai dám mạo hiểm xuống tiền để thuê”, ông Tuấn cho biết thêm.
Tương tự, các tuyến đường xưa kia mặt bằng cho thuê “đắt như tôm tươi” nay cũng rơi vào tình cảnh ế nhệ. Đi dọc các tuyến đường Hai Bà Trưng (Q.3), Lý Tự Trọng (Q.1), Nguyễn Trãi (Q.1), Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), Nguyễn Huệ (Q.1)…, hình ảnh đập vào mắt mọi người là chi chít các bảng thông báo nền đỏ chữ vàng, nền trắng chữ đen với dòng chữ cho thuê nhà kèm theo số điện thoại liên hệ. Vợ chồng chị Thu Linh (Q.7) trước đây thuê mặt bằng đường Nguyễn Cư Trinh (Q.1) bán điện thoại. “Trước dịch khách rất đông, khách ta khách Tây có đủ. Thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách, cửa hàng đóng cửa. Khi TP mở cửa hoạt động lại, chúng tôi mở cửa bán hàng. Tuy nhiên khách rất ít. Có ngày không có khách nào. Tiền thuê mặt bằng, trước đây là 10 triệu đồng/tháng, thời gian nghỉ dịch, chủ nhà giảm 50%. Khi TP mở cửa, chủ nhà thấy tình hình buôn bán khó khăn nên cũng giảm tiền thuê 30% cho 6 tháng từ tháng 10-2021 đến tháng 3-2022. Song vì không có khách nên chúng tôi đành phải trả mặt bằng. Đến nay chúng tôi trả mặt bằng đã một năm rồi nhưng chủ nhà vẫn đang treo bảng cho thuê”, chị Thu Linh cho biết.
Trung tâm thương mại, chợ “vắng như chùa Bà Đanh”
Không chỉ tại các mặt bằng “vàng” giá cả đắt đỏ mới ế, không có người thuê; mà tình trạng này cũng “tràn vào” chợ truyền thống, trung tâm thương mại.
Ghi nhận của phóng viên tại các chợ truyền thống Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Hòa Hưng (Q.10)… cho thấy, người bán nhiều hơn người mua. Cái cảnh “một người bán, vạn người mua” đã là quá khứ.
Tại chợ Vườn Chuối (Q.3), nhiều ki-ốt đóng cửa, một số thì để lại số điện thoại tìm người sang nhượng.
An Đông Plaza (Q.5) từng nổi tiếng là khu mua sắm sầm uất khu vực Q.5, Q.6. Khách hàng từ nhiều quận, huyện của TP và cả các tỉnh, thành khác đổ về đây lấy hàng sỉ để bán lẻ. Tuy nhiên, sau đại dịch thì tình hình vô cùng ảm đạm. Thậm chí tới thời điểm hiện nay không khí giao thương vẫn còn khá đìu hiu. Tại tầng 1 và tầng 2, nhiều ki-ốt liền kề được tiểu thương trả lại và vẫn đang để trống.
Bà Phạm Thùy Anh – tiểu thương kinh doanh mặt hàng túi xách, mũ nón tại tầng 1 – than thở: “Tôi buôn bán ở đây từ năm 1999 nhưng chưa giai đoạn nào khó khăn như giai đoạn này. Cả ngày chỉ vài khách ghé xem, mua, không còn cảnh bán hàng quên ăn quên ngủ như trước. Những khách quen lấy hàng sỉ trước kia cứ chuẩn bị hết hàng đã điện thoại đến lấy, nay phải bán hết họ mới đến. Nếu cứ kéo dài thế này chắc tôi phải trả lại mặt bằng tìm hướng kinh doanh khác”.
Phí thuê mặt bằng cao, buôn bán ế ẩm nên nhiều ki-ốt tại An Đông Plaza (Q.5) đóng cửa
Theo bà Thùy Anh, tùy theo diện tích, vị trí mặt bằng ki-ốt mà giá thuê khác nhau. Tuy nhiên, 1 ki-ốt nhỏ nhất giá thuê cũng không dưới 10 triệu đồng/tháng, có ki-ốt lên đến 50 triệu đồng. Với giá thuê không rẻ, hàng bán ra không được nên việc tiểu thương trả lại mặt bằng là điều dễ hiểu.
“Có một số tiểu thương trả lại mặt bằng ở An Đông Plaza để sang Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông sát bên bởi giá thuê bên đó thấp hơn”, bà Thùy Anh cho biết.
Cũng theo bà Thùy Anh, trong tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay bắt buộc tiểu thương phải chủ động tìm hướng kinh doanh khác hoặc tìm mặt bằng khác để duy trì, cho dù nơi buôn bán cũ từng có nhiều khách quen.
Nguồn thu giảm nên người dân thắt chặt hầu bao
Về vấn đề này, ông Lê Đình Hiếu – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính – Tổng hợp Sở Công thương TP – chỉ ra nhiều nguyên nhân. Trong đó, tình hình chung kinh tế thế giới các nước đều gặp khó khăn, chiến sự Nga – Ukraine vẫn chưa có hồi kết… khiến giao thương giữa các nước có nhiều biến động, khó khăn. Việt Nam là nước hội nhập sâu, các doanh nghiệp không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có nhiều lao động suy giảm. Công nhân ít tăng ca, thu nhập giảm sút. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vi phạm dẫn đến chính sách điều hành tài chính, cụ thể là lãi suất vay ngân hàng khá cao, đặc biệt vay tiêu dùng, vay tín chấp. Những yếu tố này đã làm cho người dân phải thắt chặt chi tiêu, ưu tiên tiêu dùng những mặt hàng cơ bản, thiết yếu như thuốc men, thực phẩm. Còn các mặt hàng tiêu dùng khác như thời trang, mỹ phẩm bị cắt giảm nhiều…
“Ngoài ra, hiện nay vẫn là thời gian thấp điểm tiêu dùng của cả nước nói chung và TP nói riêng bởi người dân vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã mua sắm khá nhiều. Việc phát triển mạnh của các sàn thương mại điện tử cũng khiến người tiêu dùng chuyển qua mua hàng trực tuyến, do đó ảnh hưởng đến sức mua tại shop, trung tâm thương mại, chợ…”, ông Hiếu cho biết thêm.
Cát Linh
Bình luận (0)