Thị trường điện máy ảm đạm từ tháng 3 tới nay. Nhiều siêu thị điện máy buộc phải đóng cửa và việc này – theo dự báo – sẽ còn tiếp diễn.
Ảnh: minh họa – Internet |
Quan sát tại các hệ thống kinh doanh hàng điện máy vào những giờ vàng: thứ bảy và chủ nhật, lượng khách hàng mua sắm khá ít nếu không muốn nói là chẳng có ai mua sắm.
Quá ế ẩm
Tại trung tâm điện máy Home One (Gò Vấp, TP.HCM), những ngày trong tuần rất vắng khách. Ngay cả những ngày cuối tuần, có nhiều thời điểm, theo quan sát của phóng viên, trong 30 phút trên tầng ba mới có một khách hàng thanh toán hoá đơn mua hàng với trị giá 400.000 đồng. Nhiều nhân viên bán hàng ở các gian hàng khác chia sẻ niềm vui với nhân viên vừa bán được hàng nói trên.
Các siêu thị Đ.H.H., H.C. trên đường Quang Trung (Gò Vấp), V.Q.T (Tân Bình) cũng trong tình trạng vắng khách, thường xuyên chỉ có nhân viên bảo vệ và vài nhân viên bán hàng.
Các siêu thị khác như chi nhánh T.H. (Quang Trung, Gò Vấp) cũng trong tình trạng ít khách đến. Dù là cùng là hệ thống mua sắm N.K nhưng chi nhánh trên đường Lý Thường Kiệt cũng trong tình trạng nhân viên đông hơn khách. Chi nhánh điện máy C.L trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, TP.HCM), ID (quận 3) cũng vậy.
Theo số liệu của tổng cục Thống kê, tính riêng tháng 5 nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện nhập khẩu là 471 triệu USD, tháng 6 giảm còn 440 triệu USD. Nhưng tính chung sáu tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này là 2,674 tỉ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu vẫn tăng, trong khi đó sức mua trên thị trường từ tháng 4 cho đến tháng 6 năm nay lại giảm. Theo ước tính của một số giám đốc kinh doanh nhóm hàng điện máy, công nghệ thông tin và kỹ thuật số, hiện nay, mức tiêu thụ so với tháng 3.2011 đã giảm mạnh, có nhóm hàng giảm đến 50%.
Ông Hồ Minh Trí, phụ trách ngành hàng công nghệ thông tin của nhà phân phối Petrosetco Ditributions (PSD) xác nhận: “Từ cuối tháng 4, sức mua nhóm hàng công nghệ thông tin đã bắt đầu giảm và kéo dài đến nay”.
Bà Võ Hoàng Quân, giám đốc FPT Trading nhận định: “Thị trường sẽ còn khó khăn thêm trong tháng 7. Hy vọng sang tháng 8, ngành hàng công nghệ thông tin sẽ phục hồi”. Vì bán hàng chậm, lãi suất ngân hàng lại cao, theo ông Nguyễn Cảnh Hiền (Bách Khoa Computer), trước đây nhập hàng theo tháng thì nay nhập hàng theo tuần, khi bán hết hàng sẽ nhập tiếp.
Nhiều nhà bán lẻ cho rằng họ sẽ còn phải chịu đựng tình trạng này đến tháng 9 đối với nhóm hàng máy tính, và tháng 11 với nhóm hàng điện máy nói chung.
Lần lượt đóng cửa
Những cánh cửa sắt của công ty TNHH điện máy – điện lạnh Hoàng Linh (190 Quang Trung, P.10, Gò Vấp, TP.HCM) đã đóng im ỉm từ khoảng hai tuần nay. Không có bất kỳ thông tin nhắn gởi nào của ban giám đốc công ty về lý do đóng cửa. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã liên lạc với công ty Hoàng Linh qua hai số điện thoại: 08 62890774 và 62890776 nhưng không được. Theo nhân viên tổng đài Viettel (hai thuê bao trên trực thuộc dịch vụ điện thoại cố định của Viettel Telecom), hai thuê bao trên đã bị ngưng hai chiều gọi đến và gọi đi theo yêu cầu của khách hàng đăng ký.
Nếu công ty Hoàng Linh đã bỏ của chạy lấy người như một số người đoán định, những người tiêu dùng đã từng mua hàng của siêu thị sẽ bị thiệt thòi vì không được hưởng các chính sách hậu mãi, bảo hành.
Một nguồn tin từ Samsung Vina cho biết, họ không bán hàng trực tiếp cho Hoàng Linh. Có thể Hoàng Linh lấy hàng thông qua các nhà phân phối khác vì chưa đủ tiêu chuẩn để mua hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất như các siêu thị khác.
Như vậy, hệ thống bán lẻ hàng điện máy ngưng hoạt động ngoài WonderBuy, có lẽ sắp đến sẽ là Hoàng Linh.
Giới kinh doanh hàng công nghệ thông tin tại TP.HCM còn cho biết, công ty phân phối Nhật Huy (TP.HCM) đã “rời cuộc chơi” với vai trò là nhà cung cấp máy tính trung gian (master dealer). Nhiều nhà phân phối đang là chủ nợ của Nhật Huy. Tuy nhiên theo một nguồn tin riêng, số tiền thua lỗ của công ty này chỉ khoảng 2 tỉ đồng.
Theo Gia Vinh
Sài Gòn Tiếp Thị
Sài Gòn Tiếp Thị
Bình luận (0)