Vừa rồi tôi có mua một bó hoa cúc vàng về nhà cúng Phật. Điều làm tôi thấy lạ là khi tháo những bao lưới ra thì những búp hoa không bung, không tươi, trông giả giả thế nào. Tôi đưa tay lần theo nụ hoa thì phát hiện người bán đã giở trò, dùng tăm xỉa răng để nối đầu hoa cúc vụn với thân cây một cách khéo léo đến độ người mua cứ tưởng hoa cúc đang nở búp tự nhiên. Quá tức giận, tôi vội mang bó hoa ra chợ định sẽ trả lại cho người bán thì gánh hàng hoa của họ đã dọn đi tự bao giờ. Dù bó hoa chỉ có giá 20 ngàn đồng nhưng trong lòng tôi cứ ấm ức mãi vì cách làm ăn mánh mung của người bán. Đặc biệt đây là đồ dùng để cúng chứ không phải trưng chơi.
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên tôi bị gian thương lừa. Nhiều lần đi mua rau, trông thấy chúng tươi xanh, non múp, vội chọn ngay mà không cần xem kỹ. Mà có muốn xem cho kỹ cũng không được vì người bán buộc rau bằng dây thun quá chặt, không cho người tiêu dùng soi mói, bung ra sẽ bị phàn nàn (thậm chí là chửi ngay). Khi về nhà tháo bó rau ra để nhặt lá thì than ôi, bên trong độn toàn là gốc già. Loại bỏ những thứ râu ria, mang đi cân thì bó rau mất khoảng 4/10. Người bán cố tình làm thế để nhằm tăng trọng lượng của món hàng, kiếm thêm tiền. Nhớ có lần vào dịp cuối năm, tôi mua bưởi, đu đủ về chưng trên bàn thờ gia tiên cũng bị người ta ghim tăm xỉa răng cho cuống với trái dính liền nhau. Cứ ngỡ hoa quả tươi xanh nên tôi không để ý, chỉ khi sau Tết mới phát hiện ra “cây tăm xỉa răng thần thánh”.
Đa phần những trường hợp như thế đều trong hoàn cảnh mua dọc đường hoặc ở những chợ “chồm hổm”, “chợ chạy”. Cho nên họ làm ăn rất chụp giật và thiếu đạo đức kinh doanh. Họ sẵn sàng chấp nhận không có mối quen, không mua lần thứ hai vì chiêu “phù phép” hàng dạt thành hàng xịn là quá lời. Và hơn hết là họ muốn né tránh phiền phức từ người mua. Nói như thế không có nghĩa là đánh đồng những người bán hàng trên xe đẩy đều là kẻ xấu. Cũng có rất nhiều người dù bán hàng rong, dọc đường nhưng vẫn làm ăn đàng hoàng. Tuy nhiên người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác khi đi mua hàng để tránh bị lừa (ngay cả chợ truyền thống).
Khi biết mình bị lừa, người mua hàng không nên dễ dãi cho qua chuyện mà cần làm rõ vấn đề để gian thương chấm dứt ngay tình trạng này. Dù số tiền nhỏ nhặt cũng cần phản ánh để triệt tiêu cái xấu. Nếu cần thiết, liên hệ với ban quản lý chợ hoặc cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề.
Vũ Thanh Thanh
Bình luận (0)