Sự kiện giáo dụcTin tức

Buồn cho đồng lương giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Một giờ thí nghiệm của học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh. Ảnh: T.T.Q

Hàng chục năm qua, lương của đội ngũ thầy cô giáo dẫu có thay đổi nhưng so với thực tế, đồng lương đó khó để đảm bảo cuộc sống. Trong khi nhà trường và xã hội lại đòi hỏi ở họ quá nhiều. Nghịch lý này đeo bám hết năm học này qua năm học khác.
Tủi thân nhà giáo
Theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM: tiền thưởng tết năm Canh Dần (2010) cao nhất là 389 triệu đồng. Khi đọc tin này, hầu hết các thầy cô giáo mà chúng tôi tiếp xúc đều bày tỏ sự ngỡ ngàng trước số tiền thưởng tết quá lớn và rất buồn tủi khi nhìn lại “phận” nhà giáo. Bởi, đối với họ đó là số tiền lớn, có nằm mơ cũng không thể có. Một giáo viên dẫu có dạy liên tục hơn 30 năm hay suốt đời dành cho công việc “gõ đầu trẻ” cũng không thể dành dụm được 1/4 số tiền thưởng tết của một đơn vị nào đó vừa nêu ở trên? Nhớ lại tết năm Kỷ Sửu (2009), trong điều kiện còn khó khăn về ngân sách nhưng UBND TP.HCM vẫn nhanh chóng chỉ đạo lấy nguồn ngân sách để tặng cho các thầy cô giáo số tiền 500 ngàn đồng như một sự sẻ chia. Vậy mà có quận, Tết đã qua từ lâu nhưng các thầy cô vẫn chưa nhận được số tiền này?
Thầy Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết: “Nhìn chung, hầu hết các thầy cô giáo sống chủ yếu bằng đồng lương. Nhà trường vận dụng tìm nguồn thu căn tin hay bãi xe và chắt chiu cũng chỉ để tặng và thưởng cho thầy cô trong các dịp lễ, Tết, sơ kết và tổng kết năm học mà thôi. Bên cạnh đó, ban đại diện cha mẹ học sinh còn hỗ trợ thêm một chút. Tất cả chỉ mang tính tượng trưng”. Không riêng thầy Nguyễn Xuân Thảo, những thầy cô chúng tôi tiếp xúc đa số đều khẳng định sống dựa vào lương. Nếu cả hai vợ chồng đều dạy học thì cuộc sống khá chật vật. Cô Nguyễn Thị Lan H, giáo viên của một quận trung tâm nói: “Tôi dạy học được gần 20 năm, lương bậc 5 (mã số 15.113 – mã số lương của người có bằng đại học), mỗi tháng lãnh chưa tới 3 triệu đồng. Chồng tôi cũng là giáo viên. Anh ấy dạy gần 30 năm cũng chỉ lãnh hơn 3,7 triệu đồng. Cuộc sống gia đình tôi hoàn toàn dựa vào lương nên rất khó khăn. Tháng nào con cái ốm đau hay có nhu cầu mua thêm sách vở hay dụng cụ học tập là việc chi tiêu dành cho các tháng tiếp theo phải thay đổi kế hoạch (tiết kiệm). Trong một năm, chúng tôi sợ nhất hai thời điểm khai giảng năm học và Tết Nguyên đán”. Cô cho biết thêm: “Vấn đề nhà cửa may mắn cho chúng tôi là gia đình chồng cắt cho một tí diện tích để trú nếu không chẳng biết sẽ ra sao?” Đối với những giáo viên mới vào nghề được một vài năm lương còn thấp rất nhiều, cụ thể như thầy Nguyễn Đức Ngọc Triệu, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân lương bậc 1, mỗi tháng chỉ lãnh hơn 1,8 triệu đồng.
Nghịch lý
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, thầy Ngô Tương Đại cho biết: “Giáo viên chủ yếu sống bằng lương, số này chiếm tỉ lệ rất lớn. Những người này đòi hỏi phải tiết kiệm và chi tiêu dè xẻn mới có cuộc sống tạm yên ổn. Chỉ có một bộ phận giáo viên (số này rất ít) “chạy sô” dạy thêm ở một vài nơi, những người này phải có tuổi nghề cao và dạy những môn tự nhiên hay ngoại ngữ thì cuộc sống tương đối thoải mái một chút nhờ “khoản phụ” này. Tôi nhận thấy, điều nghịch lý là một người tốt nghiệp đại học, nhưng công tác ngành nghề khác lại có cuộc sống khá giả hơn (thậm chí có người mua được nhà và xe hơi; con cái còn được du học…) người chọn nghề dạy học – một nghề mà xã hội luôn đề cao thì cuộc sống lại khó khăn”. Ông Nguyễn T… , Giám đốc một Công ty tại TP.HCM nói: “Điều tôi lấy làm lạ và băn khoăn là tại sao đồng lương của giáo viên còn quá thấp. Giá cả trượt theo thời gian còn lương cứ thế này, nhà nước cần xem lại”. Hiện nay chưa có thống kê về số lượng giáo viên có nhà ở của riêng mình? Số lượng giáo viên đang sống nhờ nhà của cha mẹ hay anh chị em và số giáo viên phải sống trong các phòng trọ rẻ tiền? Sống dựa vào lương, đồng lương thì quá khiêm tốn trong mặt bằng giá cả tăng hàng ngày chắc chắn người thầy rất chật vật. Khi nhà trường vừa tổ chức ôn tập ngoài giờ (có thu phí hợp lý với đông đảo phụ huynh) để củng cố kiến thức học sinh yếu kém, đồng thời cải thiện một phần đời sống thầy cô giáo thì một vài người phản ứng, một vài cơ quan truyền thông “bùng nổ” tin bài về dạy thêm học thêm tràn lan làm tổn thương lòng tự trọng của người thầy. Họ lao động lương thiện ngay chính nghề nghiệp được đào tạo và lao động công khai hà cớ gì phải cấm? Cuộc sống của những người này thiếu thốn, ai sẽ chia sẻ với họ? Phải chăng chính từ cuộc sống của người thầy quá gian nan như vậy nên mới có câu truyền miệng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”? Dân tộc Việt Nam vốn coi trọng người thầy và luôn đặt họ ở vị trí trân trọng nhất, nhưng chỉ trân trọng thôi vẫn chưa đủ. Xã hội cần chung tay để người thầy không băn khoăn khi đứng trên bục giảng mà lòng còn nặng chuyện “cơm áo gạo tiền”. Xã hội cần có cái nhìn công bằng và nhanh chóng kéo giảm khoảng cách nghịch lý này để người thầy toàn tâm toàn ý tập trung cho nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ.
Trần Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)