Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Buồn cho kiến thức lịch sử, văn học…

Tạp Chí Giáo Dục

Trong chương trình “Ai là triệu phú” trên kênh VTV3 (tối thứ ba, ngày 27-9-2016), một bạn dự thi (còn khá trẻ) khi gặp hai câu hỏi thuộc lĩnh vực về văn học đã tắc tị, không trả lời được, phải nhờ sự “trợ giúp”. Điều chắc chắn là người dự thi đã học xong chương trình phổ thông nhưng kiến thức sơ đẳng nhất vẫn không nhớ được! Không rõ các bạn học như thế nào; nhưng thế hệ chúng tôi cách đây 50 năm vẫn còn nhớ nằm lòng.

Về câu hỏi: Chữ “Cồ” trong quốc hiệu Đại Cồ Việt có nghĩa là gì? Đáp án: A. Thái bình; B. Lớn; C. Phía Nam; D. Độc lập. Người dự thi phân tích, lý giải: B. thì không đúng, vì có chữ “Đại” là lớn rồi. Sau đó, người dự thi phải “cầu cứu” sự trợ giúp! Khi hỏi tổ “tư vấn tại chỗ” thì có hai người chọn B. (Lớn) và một người chọn A. (Thái bình). Người dự thi vẫn không tự tin, tiếp tục chọn trợ giúp “gọi điện thoại cho người thân” nhưng người thân suốt 30 giây quy định vẫn không đưa ra được câu trả lời. Cuối cùng, người dự thi chọn đại theo số đông là đáp án B.

Về câu hỏi: Từ nào còn thiếu trong những câu thơ: “Lang thang tôi dạm bán thuyền. Có người trả… tiền lại thôi”. Đáp án: A. Một quan; B. Tám quan; C. Mấy quan; D. Chín quan. Đây là hai câu thơ quen thuộc trong bài thơ nổi tiếng của thi sĩ chân quê Nguyễn Bính. Vậy mà người dự thi đã trả lời sai (chọn đáp án C. (Mấy quan) vì thấy nó “vần hơn”).

Còn nhiều lắm những lỗ hổng kiến thức văn học, kiến thức lịch sử nước nhà mà thỉnh thoảng khán giả được dịp chứng kiến trong những cuộc thi trên truyền hình. Đành rằng không ai học giỏi toàn diện các môn học nhưng những kiến thức cơ bản thì phải nắm chắc; những áng thơ văn hay thì phải biết…

Qua đây mới biết các bạn trẻ chưa thực sự có nền tảng kiến thức vững vàng; còn học đối phó để thi chứ không phải học để biết, để hiểu… Mặt khác, việc khắc sâu kiến thức cơ bản thế nào mà khi ra trường, học sinh còn không nhớ nữa là điều trong nhà trường cũng cần xem lại.

Hoàng Sa Việt

Bình luận (0)