Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Buôn Ma Thuột – điểm đến của cà phê thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk đạt 798 triệu USD; chiếm 53,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 380.000 tấn. Đây là năm tỉnh Đắk Lắk ghi nhận sản lượng cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.


Khách hàng tham quan các sản phẩm cà phê Đắk Lắk

Sáng 3-2, tại TP.HCM, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức công bố về chương trình lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8-2023.

Thông tin về lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, cà phê là nông sản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội, mang lại nguồn kinh tế lớn cho người dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung.

Sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức lễ hội cà phê với chủ đề Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới. Việc tổ chức lễ hội cà phê nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê của Buôn Ma Thuột nói riêng, cũng như phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.

Lễ hội cũng là dịp để tỉnh Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, thế mạnh, tiềm năng, du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.

“Buôn Ma Thuột được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê của tỉnh xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”, bà H’Yim Kđoh nói.

Tiếp tục làm đại sứ truyền thông cho lễ hội cà phê lần này, hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã theo cha mẹ lên rẫy để chăm sóc, thu hoạch cà phê. Mỗi lần lên rẫy tôi đều ước, cà phê nhiều trái để nhà tôi có thể trả nợ. Đến bây giờ tôi vẫn mong muốn chia sẻ và lan tỏa cà phê đến với mọi người. Món quà mà tôi hay gởi tặng bạn bè trong và ngoài nước luôn là cà phê. Đặc biệt, khi được mọi người khen cà phê ngon tôi rất vui và tự hào. Trong thâm tâm của tôi, rất mong Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới”.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, qua 7 lần tổ chức, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8-2023 diễn ra từ ngày 10 đến 14-3, sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn so với những lần trước, hình thức thể hiện theo xu hướng hội nhập quốc tế, với phong cách hiện đại làm nổi bật chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”.

Bên cạnh các nội dung chính, lễ hội lần 8 sẽ có một số hoạt động mới như: Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột với chủ đề: “Chuyện kể về cà phê Buôn Ma Thuột”; biểu diễn vở ca kịch Khát vọng Dam Săn; lễ hội ánh sáng; triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề: “Văn hóa cà phê Việt Nam – hành trình kiến tạo văn hóa thế giới” và “Lịch sử cà phê thế giới”; hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê…

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk đạt 798 triệu USD; chiếm 53,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 380.000 tấn (trong tổng số 550.000 tấn cà phê sản xuất ra của toàn tỉnh). Đây là năm tỉnh Đắk Lắk ghi nhận sản lượng cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.

Xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là cà phê nhân và cà phê hòa tan. Giá xuất khẩu cà phê nhân bình quân của các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk trong niên vụ cà phê 2021-2022 đạt 2.037 USD/tấn, tăng 363 USD/tấn so với niên vụ 2020-2021.

Trinh – Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)