Chợ hàng bông ở ấp 6, xã Khánh Bình, nằm bên bờ sông Bình Di (huyện An Phú, An Giang) là nơi xuất khẩu rau dưa củ quả lớn nhất miền Tây. Chợ có đặc điểm độc đáo: bạn hàng mua bán trao đổi với nhau chủ yếu bằng cái “alô”.
Chợ hàng bông, Khánh Bình trên bến dưới thuyền nhộn nhịp
|
Nhờ thông tin nhanh mà mỗi ngày chợ xuất đi 40 – 60 tấn hàng tươi ngon sang bên kia biên giới Campuchia. Tuy chỉ mua bán thông qua phương tiện điện thoại nhưng người dân hai nước vẫn bắt tay nhau làm ăn bằng… uy tín
“Alô” với nông dân
“Alô, bao nhiêu nữa, một hay mười tấn!”, chị Ý, chủ vựa hàng bông ở chợ hỏi dồn bạn hàng đối tác bên kia biên giới Campuchia, “rau dưa ngày rằm đang hút hàng, cần phải đặt trước vài ngày mới có”. Khi đã chốt số lượng được với một đối tác cần mua năm tấn rau củ ở Phnom Penh với khoảng 4 – 5 món hàng (cà rốt, cải xanh, bầu, hành tỏi), chị Ý liền alô cho cho nông dân vùng trồng màu ở cù lao các xã ven sông Hậu, An Giang để đặt mua hàng. Ý nói với tôi: “Chậm alô là bà con bán cho người khác, phải đưa xe tải xuống lấy hàng và thanh toán tiền gối đầu cho bà con sớm. Làm ăn có vay có chịu, nếu không uy tín với nông dân thì khó có thể có vài chục tấn rau dưa mỗi ngày cho xuất khẩu”.
Hiện chị Ý mỗi ngày “alô” lấy của nông dân ở các nơi trong khu vực ĐBSCL và cả bạn hàng từ Đà Lạt số lượng mấy chục tấn hàng, trị giá cả trăm triệu đồng tiền mặt.
Ở chợ hàng bông và bạn hàng người Việt, ai cũng có xe tải, xe ba gác và lúc nào trong túi cũng rủng rỉnh 2 – 3 chiếc di động. Nhìn cách họ giao dịch đặt hàng mối mang với bạn hàng nông dân ở các vùng trồng màu chẳng khác nào các nhà phân phối với đầy năng lực tài chính.
Tin tưởng nhau là chính
Còn với bạn hàng Campuchia? Chỉ tay vào chiếc ghe của A Thiệm và chị Mao đang gác mũi chờ lên hàng dưới sông Bình Di, Ý nói: “Mần ăn tin nhau là chính và đôi lúc phải chấp nhận nợ nần thôi”. Không riêng gì chị Ý, các chủ vựa rau củ ở chợ Khánh Bình cũng cho biết: “mỗi một hợp đồng alô qua điện thoại có giá trị vài chục triệu đồng là bình thường”. Giữa tháng 12, có ngày chủ vựa hàng bông ở Nam Vang alô cho chị Sơn, cô Nga đặt hàng tỉ đồng tiền rau củ quả. Mối mang quen biết thân tín nên hai bên bạn hàng cứ thế “alô” giao nhận hàng trước, mua bán xong mới thanh toán tiền.
Chị Sơn, biệt danh là “Sơn già” đóng nắp điện thoại giải thích: “Do đường sá lên Campuchia cách trở, nếu không tận dụng cái alô thì không thể kịp thời đáp ứng nhu cầu của các chợ, nhà hàng khi vào mùa cưới hỏi, tết lễ. Chỉ cần chậm alô thôi là hàng bông rũ héo và nếu trong ngày không tiêu thụ kịp coi như thất giá, phải đổ bỏ”. Có lẽ vì vậy mà ở chợ hàng bông ở Khánh Bình thường có câu cửa miệng qua điện thoại “nhớ uy tín nghe!”.
Khi vừa dứt chuyện với tôi, chị Sơn già liền bật nắp di dộng dí sát vào tai lớn tiếng “hết dưa leo, cải bắp, cà chua chỉ còn cải xanh, cải dưa mắm, cà rốt thôi, bao nhiêu nữa? Lấy chuyến này nhớ trả tiền mấy toa trước luôn nghe!”. Chị nói: “Hiện nay bạn hàng bên Campuchia alô mua thiếu chịu nhiều lắm, thiếu từ 3 – 5 toa mới chịu trả tiền. Bây giờ tui bị thiếu trên 700 triệu đồng rồi. Cách tốt nhất là chọn mặt gởi vàng, tìm người uy tín đàng hoàng còn bậy bạ nhất quyết không alô làm ăn với họ!”.
Mỗi khi có điện thoại reo hay gặp mặt nhau bạn hàng hai bên lại ghi chép thoả thuận với nhau bằng một toa hàng như vậy dễ nhớ và cũng để làm tờ cớ tham khảo rằng ngày giờ đó “ta có nợ nần nhau”.
Nhưng nhiều chủ vựa rau dưa ở hai bên biên giới không chấp nhận rủi ro cao trong làm ăn. Năm Tỷ, một bạn hàng Campuchia đưa ra chiêu thức cắt rủi ro gọn hơ “chọn mặt gởi vàng” và “mua đứt bán đoạn”. Tỷ cho biết, khi buôn hàng bông từ Việt Nam vào các chợ Campuchia, Tỷ thường bị hàng chục bạn hàng giật tiền hoài.
“Người ta nợ vài trăm ngàn đồng rồi đến vài triệu sau đó bỗng dưng nghỉ trả. Tui giận bỏ luôn! Từ năm 2000 đến nay tui bán hàng cho các chủ sạp rau dưa ở các chợ ở Phnom Penh đều phải lấy tiền liền. Ai không trả tiền dứt khoát không bán”. Nhờ vậy mà mỗi ngày hai vợ chồng trẻ Năm Tỷ có vốn lưu động để mua 10 tấn hàng rau dưa củ quả tươi ngon chất lượng, mua đến đâu bán hết đến đó.
Tỷ nói trong làng buôn hàng rau dưa xuyên biên giới Tây Nam mỗi ngày có khoảng 200 tấn rau dưa được nhập khẩu vào Campuchia và sẽ còn gia tăng do nhu cầu ngày càng cao. Riêng tại chợ biên giới Khánh Bình (An Phú, An Giang) hiện nay mỗi ngày lượng hàng đã tăng từ 40 lên 60 tấn rau dưa củ quả các loại. Những ai mua bán bất tín nhiệm quỵt nợ đều đã bị điểm mặt và loại dần ra khỏi cuộc chơi mua bán rau dưa xuyên biên giới bằng cái “alô” này.
Theo Bảo Long
Sài Gòn tiếp thi
Bình luận (0)