Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Buồn vui chuyện đào đóng kép

Tạp Chí Giáo Dục

Ngọc Giàu  (phải) đóng kép trong Lục Vân TiênChuyện về các cô đào giả trai trên sân khấu cải lương xưa nay không còn… hiếm nữa. Tuy nhiên, những chuyện phía sau chuyện hậu trường này  ít ai đề cập đến mặc dù nó cũng có 1.001 chuyện buồn vui…

“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay…”

NSND Phùng Há kể: “Ngày trước, gánh Phụng Hảo của tôi thiếu người đóng vai kép, thế là tôi mạnh dạn dấn thân vào. Bắt đầu từ vở Phụng Nghi Đình, tôi vào vai Lữ Bố. Nhiều khán giả đã từng xem tôi diễn đào thương đã không nhận ra tôi khi mặc bộ đồ võ vào thật uy nghi, hùng mạnh. Chỉ khi tôi cất tiếng hát thì họ mới nhận ra. Đóng giả trai lần đầu tôi phải gánh chịu nhiều khó khăn, vũ đạo của nam lúc nào cũng đòi hỏi dữ dội, dứt khoát, mạnh mẽ, mà phái nữ thì chân yếu tay mềm, những cảnh đấu kiếm, đi đầu gối… có khi làm cho tôi ê ẩm suốt mấy ngày liền bước đi không nổi”. Một học trò, đồng thời là “hậu duệ” của NSND Phùng Há – NSƯT Đỗ Quyên cũng đã nhiều lần vào vai kép, nhưng nhớ nhất là vai Lục Vân Tiên trong vở cải lương cùng tên. Chị cho biết: “Khi vào vai này, tôi đã phải thọ giáo má Bảy – người đã từng diễn rất thành công với vai này. Đóng kép… quả thật gian nan. Chuyện tạo cảm xúc giữa hai người nam nữ trên sân khấu cho một vở diễn là quan trọng, đằng này nữ với… nữ phải đóng cặp với nhau. Những cảnh mùi mẫn tuy không có sự gượng gạo nhưng cũng không có cảm xúc thật. Nói chung vào những dạng vai này, tôi cố gắng làm tròn vai và cũng để làm mới mình chứ … không thích lắm”.

Có một thời gian khán giả thành phố thật sự bất ngờ khi thấy NSƯT Ngọc Giàu xuất hiện trên sân khấu với gương mặt hóa trang thật già và một hàm râu dài, cái bụng bự ôm vào lòng nữ NS Phượng Liên trong vở Phụng Nghi Đình. Chị vào vai Đổng Trác thật tuyệt vời, gây xôn xao trong khán giả. Nét diễn của Ngọc Giàu rất điêu luyện qua từng bước đi, giọng nói. Chị bật mí: “Tôi đã mất hàng tháng trời tập luyện cho vai này, nhớ nhất là phải ăn nhiều cho mập ra, cả người tôi mỗi khi xuất hiện trên sân khấu phải độn nhiều lớp, mồ hôi lúc nào cũng ướt như tắm nhưng nhìn xuống khán giả, nhận được những tràng pháo tay vang dội vậy là mọi cực nhọc cho vai diễn gần như trôi mất. Thời gian sau này, tôi cũng có lần vào vai kép như: Lục Vân Tiên, Hoàng tử Rim… nhưng thú thật vai Đổng Trác vẫn ấn tượng sâu sắc với tôi nhất…”.

NS Kiều Hoa trước đây thành lập gánh Sao Ngàn Phương đi biểu  diễn ở khắp các tỉnh miền Tây, miền Trung… và cũng không ít lần chị thủ vai kép nếu như có “sự cố “ thiếu kép. Với thế mạnh về vũ đạo, chị đóng kép trong nhiều vở tuồng màu sắc như: Lệnh Hồ Xung (Vở cùng tên), Tần Lĩnh Sơn (Đêm lạnh chùa hoang)… khá dễ dàng và xem ra còn khá hợp nữa. “Một kỷ niệm đóng kép mà tôi không bao giờ quên là lần đóng vở Kiếm sĩ dơi, tôi thắt dây bay đánh kiếm, không may dây bị đứt khiến tôi bị té xuống sân khấu bầm tím cả mặt mày, tay chân” – chị kể thế. NSƯT Diệu Hiền cũng đã nhiều lần thử sức với vai kép trên sân khấu Kim Chung, Sài Gòn 2 trong các vở Độc thủ đại hiệp, Chiếc bóng và nỗi oan tình… Những vai này chị  đảm đương oai nghi, lẫm liệt không ai bằng. Nhưng cũng có lần đu dây bay bị té phải nằm viện cả tháng trời. Với vóc dáng mảnh mai và một gương mặt đẹp, nhưng nghệ sĩ trẻ Tú Sương đã gây bất ngờ cũng như tạo ấn tượng mạnh với khán giả khi vào vai Bao Công trong vở Bích Vân cung kỳ án. Tú Sương cho biết: “Vào vai diễn này, tôi phải dán keo đen cho gương mặt đen sì, trang phục kềnh càng và giọng nói ồ ồ. Diễn xong xuất nào gương mặt tôi cũng đỏ và đau rát, thêm bị tắt tiếng phải uống thuốc mới lấy lại thanh giọng. Nhưng bù lại, vai diễn này đã giúp tôi đoạt huy chương vàng triển vọng Trần Hữu Trang năm 1998…”.

Giả trai theo nội dung tuồng tích

Điều này thì rất nhiều, chiếm đa phần trong các vở tuồng lịch sử, màu sắc cổ tích. NSƯT Bạch Tuyết dẫn đầu với rất nhiều vở tuồng đòi hỏi phải giả trai, tuy nhiên ký ức không phai mờ trong chị đó là vai Hoa Mộc Lan trong vở cùng tên. Để được vào quân ngũ, Mộc Lan phải cải nam trang và sau đó thầm yêu Lý Quảng, Mộc Lan của Bạch Tuyết đã chinh phục khán giả qua từng cách ca, nét diễn. Chị luôn xem những vai diễn này như là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời đi hát của mình

NSƯT Lệ Thủy trong vở Đêm lạnh chùa hoang cũng “hớp hồn” khán giả trong vai Bảo Xuyên – Quận chúa Mông Cổ. Chị kể: “Khi diễn cảnh đấu kiếm, đoạn Bảo Xuyên giả trai trên sân khấu Kim Chung cách đây gần 30 năm, lưỡi kiếm của bạn diễn vô tình chém trúng tay tôi, để lại một vết sẹo dài cho tới bây giờ…”. Nhắc đến nghệ sĩ Tài Linh, khán giả thường nhắc đến vai Chúc Anh Đài trong vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài mà chị và NSƯT Vũ Linh đã làm nên tên tuổi lẫy lừng. Cũng trong vở này, nghệ sĩ Vân Hà cũng được chọn vào vai Băng Tâm – giả trai đi cùng Chúc Anh Đài. Vân Hà nhớ lại: “Nếu như trai giả gái khó thế nào thì gái giả trai cũng tương tự như thế. Tôi nhớ hoài vai diễn này vì trên sàn tập Nhà hát Trần Hữu Trang, tôi cứ quên những động tác của nam nên bị đạo diễn mắng te tua…”. Trên sân khấu kịch, gần đây nhất, diễn viên Lê Khánh vào vai cải nam trang để do thám tình hình người dân trong Thằng Bợm có cái đầu to cũng khá sắc sảo, Lê Khánh làm cho cả khán giả mới đầu cũng không nhận ra bởi  phong cách biểu diễn đến cách đi đứng rất đĩnh đạc…

Người nghệ sĩ luôn sáng tạo không ngừng, chấp nhận đóng kép cũng là một trong những sự sáng tạo đáng ghi nhận đó.

KHÔI NGUYÊN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)