Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Buồn vui nghề casting

Tạp Chí Giáo Dục

La cà ở các trường học, công viên, nơi công cộng, lân la làm quen với người lạ rồi mời mọc họ làm diễn viên, người mẫu… đó là công việc thường ngày của những người làm nghề casting.

Là cánh tay phải đắc lực của đạo diễn, người làm casting đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm và giới thiệu các gương mặt mới nổi bật cho các sự kiện quảng cáo, phim ảnh…
Buổi casting cho quảng cáo sản phẩm
Khi ngọc hãy còn nằm trong đá…
Có lẽ Tăng Thanh Hà, Huy Khánh, Kim Hiền, Bảo Hòa… sẽ vẫn còn là những viên ngọc bọc trong lớp đá xù xì nếu không có sự phát hiện, tuyển chọn của công ty Việt Cast. Chính nhân viên casting của công ty này đã tìm ra khi họ còn là "người thường", sau đó giới thiệu với các đạo diễn để bắt đầu quá trình "lăng xê".
Thông thường, casting phải tiến hành qua ba công đoạn: chụp hình, nói chuyện và thử vai. Biết bao vui buồn, thậm chí bi hài, đã xảy ra trong các công đoạn này. Từ việc chạy tháo thân khi người yêu của cô gái trong “tầm ngắm” rượt đuổi, đến tình cảnh dở khóc dở mếu khi người mẫu – em bé được chọn vài tháng trước – bỗng… sún răng, hay khi bị vợ phát hiện đang xúm xít bên một chị bầu ở bệnh viện trong lần casting cho quảng cáo sữa bột dành cho bà mẹ…
Nói về khó khăn của nghề này, chị Minh Sơn, quản lý sản xuất của công ty truyền thông VHQ Group, người thường xuyên làm việc với các nhân viên casting chia sẻ: “Cái khổ nhất của nghề casting là bị từ chối và phải từ chối”.
Dù đã rất khó để thuyết phục được một người "mới toe" tham gia casting, thế nhưng nhiệm vụ chưa hoàn thành ở đó, mà phải chờ cho đến khi đạo diễn gật đầu. Chuyện bị đạo diễn từ chối tới lui, phải tiếp tục giới thiệu cả chục người cho một lần casting là điều bình thường.
Cũng có lúc sau khi đã nói chuyện khá kỹ lưỡng với nhân vật, đạo diễn lại mời một người khác. Tình huống này thường khiến nhân viên casting rất "khó ăn khó nói" với người được mời. Vì vậy, theo chị Sơn, nghề casting rất thú vị, nhiều tính ngẫu hứng sáng tạo nhưng việc trụ lại với nghề phải tùy bản lĩnh của mỗi người.
Học nghề casting
Ở Việt Nam hiện nay, tạm có thể chia thành hai loại casting phổ biến: casting quảng cáo và casting điện ảnh.
Casting quảng cáo không cần phải qua trường lớp đào tạo chuyên biệt (hiện cũng chưa có nơi nào ở nước ta tổ chức bài bản khóa học nghề này). Vốn liếng tác nghiệp là con mắt nhìn và nhớ người, để trong trường hợp cần sẽ đề nghị được đúng gương mặt cho đạo diễn. Do đó, trong sổ tay chi chít các số điện thoại của họ luôn có ghi chú về những biểu hiện đặc trưng, thành tích nổi bật hay gu thẩm mỹ… của từng đối tượng để hỗ trợ cho bộ nhớ khi cần.
Với casting điện ảnh, mục tiêu rõ ràng cho những dự án cụ thể đòi hỏi người làm nghề ít nhiều phải có trình độ chuyên môn về điện ảnh như kịch bản, kỹ năng diễn xuất, quay phim, điều tiết âm thanh, ánh sáng… để có thể chọn ra gương mặt hợp vai.
Thông thường những người đã có tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ đảm nhận vai trò này. Uy tín, quan hệ rộng giúp họ giao tiếp thành công với các đối tượng trong “tầm ngắm”. Ngoài ra, những người có học qua các trường sân khấu nghệ thuật cũng được ưa chuộng cho công việc này.
Để theo nghề casting, ngoài năng khiếu nghệ thuật, con mắt thẩm mỹ… còn cần phải có khiếu nói chuyện, duyên thuyết phục, sự kiên nhẫn và cả… lòng dũng cảm. Thử tưởng tượng, nếu không có các kĩ năng ấy, việc dừng xe một người chưa quen biết để xin số điện thoại, mời uống nước rồi chụp hình và bàn về vai diễn chưa chắc thuộc về họ là điều hầu như không thể.
Chia sẻ về kinh nghiệm để thành công, anh Nghĩa, một casting chuyên nghiệp, cho biết: “Nói chung là nghề dạy nghề. Và để thành công, bạn phải khéo léo và kiên nhẫn trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ”. 
Vị ngọt casting
Khó khăn là vậy, nhưng nghề casting vẫn có sức lôi cuốn riêng. Về thu nhập, không như vài năm trước khi casting chưa xác định được vị trí của mình trong dây chuyền, lương bổng chỉ dao động ở mức 2-3 triệu đồng một tháng và người làm nghề này phải tự móc hầu bao cho các khoản trà nước, điện thoại, xăng… để tiếp cận nhân vật; hiện nay, theo ông Huỳnh Văn Thôi, giám đốc mạng tuyển dụng onlinejobs.vn, thu nhập nghề này tuy dao động tùy vào lượng show nhận được nhưng trung bình cũng được 8-10 triệu đồng một tháng.
Nhưng trên hết, “người làm casting mê nghề là vì những kinh nghiệm thực tiễn học hỏi được từ đạo diễn, những mối quan hệ với người tham gia casting. Đây là thứ tài sản vô hình đem đến nhiều cơ hội mới trong cuộc sống”, anh Nghĩa chia sẻ thêm. Và đặc biệt, “cái hấp dẫn nhất của nghề là niềm vui, sự hãnh diện khi casting thành công, nhìn gương mặt được tạo dựng do một phần đóng góp của mình tỏa sáng”.
Khác với trước đây, casting do chính các công ty quảng cáo, hãng phim tự thực hiện, khoảng 2-3 năm lại đây, cùng với sự phát triển của các hãng phim tư nhân và công ty quảng cáo, nhiều công ty chuyên về casting đã ra đời như: VietCast, Visual.com, Flash, Focus… Tuy nhiên, “thông tin tuyển dụng casting hiện chưa phổ biến, các công ty tuyển dụng chủ yếu dựa vào các mối quan hệ, giới thiệu… Nếu thực sự yêu thích casting, hãy năng động tìm kiếm. Đó cũng là một phẩm chất tối thiểu cho một người muốn đeo đuổi nghề casting”, ông Thôi cho biết.
THANH BÌNH / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)