Dán keo xe cho khách trên đường Cách Mạng Tháng Tám |
Khoảng 2-3 năm trở lại đây, bất cứ đường to, hẻm nhỏ nào người đi đường cũng có thể gặp những bảng hiệu: “Dán keo xe, ĐTDĐ”. Đó là những “tiệm” nhỏ “đậu” ngay trên vỉa hè, lề đường. Như nhiều ngành nghề khác, nghề dán keo xe cũng có lắm chuyện vui buồn…
Vào nghề
Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì nghề dán keo xe xem chừng là một nghề dễ. Chỉ cần vài dụng cụ thô sơ, vài trăm ngàn đồng để mua nguyên vật liệu và kiếm một góc đường “đặt trụ sở” là có thể hành nghề. Song khi tìm hiểu kỹ thì sẽ thấy nghề này cũng có cái khó. Khó là chỗ người thợ cần phải có mắt thẩm mỹ, phải tỉ mỉ trong từng công đoạn.
“Dán keo xe không đòi hỏi nhiều vốn, không cần bằng cấp, chỉ cần chút khéo tay, kinh nghiệm và vài tấm keo trong, đề can, một chiếc bật lửa, một chiếc lưỡi lam là đủ”, anh Toàn – một thợ dán keo xe trên lề đường CMT8 cho biết. Khi được hỏi đến việc học nghề, anh Toàn cũng như nhiều thợ dán keo xe đều cho biết, họ “ra nghề” từ các lò đào tạo cấp tốc (khoảng 10 ngày) ở Q.5, đặc biệt là ở các tiệm dán keo xe trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Khi đã thành thạo nghề, những người thợ có thể trang trí từ những cái nhỏ xíu như chiếc điện thoại di động, máy ảnh, máy quay phim, đến những vật to lớn như laptop, xe gắn máy. Gần đây, thợ dán keo xe có thêm việc để làm là dán mũ bảo hiểm.
Hiện nay nghề dán keo xe không chỉ dành cho những người trung niên, luống tuổi mà còn cuốn hút rất nhiều bạn trẻ. Nhiều học sinh, sinh viên hành nghề với mục đích làm thêm, có tiền trang trải việc ăn học. Thậm chí nhiều chị em cũng bắt đầu gắn bó với cái nghề này.
Gặp chị Hạnh đang dán keo cho chiếc điện thoại của khách trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, chị cho biết mới vào nghề khoảng hơn 2 tháng. Lúc đầu chị chỉ dán những tấm keo đơn giản, tấm khó thì gọi chồng (là thợ dán keo xe làm thuê cho một tiệm lớn ở gần đó) ra dán. Còn bây giờ khi tay nghề được nâng cao, chị có thể dán bất cứ tấm keo với hoa văn, con vật mà khách yêu cầu.
Việc giữ khách cũng là một yếu tố làm nên “thương hiệu” của những “tiệm” dán keo xe vỉa hè, điều đó chứng tỏ đẳng cấp, sự “mát tay” của một người thợ. Anh Đông dán keo xe trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận có nhiều độc chiêu như: khi dán thì nung hơi nóng thanh sắt rồi cuộn mấy lớp vải và tấm keo lên để dính chắc, dùng cây compa để vẽ hình tròn, dùng sáp đèn cầy xoa vào những góc kín của lớp keo mới dán. “Không ai dạy được những điều đó, nghề này hơn nhau là việc canh lửa để nung nóng khi dán và độ bóng của tấm keo, tem khi hoàn thành, phải tự tìm tòi thôi”, anh Đông cho biết.
Nghề – bữa đói, bữa no
Anh Đông cho biết: “Hiện nay số lượng “tiệm” dán keo xe tăng chóng mặt, giá cả thì mỗi nơi mỗi khác, nhiều “tiệm” giảm giá để lôi kéo khách. Vì vậy, việc kiếm tiền từ nghề này thực sự không dễ chút nào”. |
“Tuốt” một chiếc xe gắn máy giá khoảng 100-150 ngàn đồng, điện thoại di động khoảng 30 ngàn, còn laptop khoảng 70 ngàn đồng… Theo đó, thu nhập trung bình của một người thợ dán keo xe vỉa hè khoảng 70-100 ngàn đồng/ngày. So với những công việc khác thì mức thu nhập như vậy là khá cao đối với một người lao động phổ thông, nhưng mức thu nhập đó không ổn định.
Anh Hải, thợ dán keo xe trên đường CMT8, Q.1 cho biết: “Nghề này bữa có bữa không là chuyện thường tình. Có ngày làm được vài trăm ngàn nhưng cũng có ngày cứ “ngồi chơi xơi nước”…”.
Nhiều thợ dán keo xe đặc biệt cẩn trọng với những chiếc xe độ, những thứ “đồ chơi” đắt tiền mà các dân chơi đưa đi làm đẹp. Anh Cường, chủ một tiệm dán keo xe trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5 tâm sự có lần anh phải đền cả triệu đồng cho khách vì lỡ rạch một vết làm trầy cái dè chiếc xe đắt tiền. “Những chuyện khách không vừa lòng hay đền bù hư hại là chuyện xảy ra như cơm bữa mà chúng tôi bắt gặp. Phải chịu thôi chứ làm vừa lòng và đúng sở thích của khách không phải là chuyện dễ”, anh Cường nói.
Chất lượng của các tấm keo, tem hay đề can là rất quan trọng. Nhiều “tiệm” vỉa hè cứ quảng cáo là hàng của Nhật, của Hàn Quốc nhưng thực ra là những bộ tem “dỏm” của Trung Quốc, được lấy về từ các khu “chợ trời”. Tình trạng này xảy ra nhiều lần làm cho các “thượng đế” của nghề này có cảm giác dè chừng và tìm “tiệm” quen để dán.
Bài & ảnh: Nguyễn Luật
Bình luận (0)