Họ là những người trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết và đam mê trên những cung đường du lịch với khát vọng giới thiệu đến du khách những nét đẹp của quê hương. Trên những cung đường tour ấy, người hướng dẫn viên (HDV) trong vai trò một “đại sứ du lịch” trải qua muôn vàn vui buồn của nghề…
Huỳnh Trường Hiếu chụp ảnh lưu niệm với du khách
Lối đi của đam mê
Huỳnh Trường Hiếu, sinh năm 1986, quê ở Bình Thuận. Hiếu từng theo học ngành điện tử viễn thông, Trường ĐH Đà Lạt. Từng là một trong số các sinh viên xuất sắc được nhận học bổng du học Cuba. Trước đó, Hiếu chưa từng hình dung về du lịch, nhưng 5 năm ở mảnh đất giàu tiềm năng du lịch như Cuba đã giúp Hiếu định hình được niềm yêu thích của mình. Đó là lý do sau ngày tốt nghiệp, trở về, Hiếu chọn cho mình con đường không ăn nhập với ngành học – nghề HDV du lịch tiếng Tây Ban Nha. Cũng dăm lần bảy lượt trầy trật với lối đi mới, Hiếu rời miền đất hứa TP.HCM để đặt chân đến với Đà Nẵng xa lạ. Vất vả là vậy, nhưng hỏi có bao giờ chùng lòng chưa, Hiếu nói từ khi vào nghề cho đến nay trụ lại với môi trường Đà Nẵng ngót 10 năm, chưa một lần Hiếu nghĩ sẽ bỏ nghề. Bởi nghề không chỉ là kế mưu sinh nuôi sống gia đình, với Hiếu, theo nghề còn là niềm đam mê khó từ giã.
Với Nguyễn Duy Sang – một chàng trai vùng biển Cửa Đại (TP.Hội An, Quảng Nam), con đường đến với đam mê cháy bỏng đáng khâm phục hơn. Sang sớm rời cổng trường THCS vì gia cảnh quá khó khăn. “Những hôm bơi thuyền theo cha đánh cá trên cửa biển, cửa sông, nhìn thấy những anh chị HDV trong trang phục thật đẹp, giới thiệu với du khách về văn hóa quê mình, em đã ước một ngày nào đó mình cũng được trở thành HDV”, Sang kể. Ước mơ xa vời của chàng trai chài lưới bên cửa biển cứ tưởng chỉ là mơ ước thì một ngày Sang gặp gỡ một nhóm du khách Tây Ban Nha. Sang không ngần ngại tỏ bày khát vọng của mình và được những du khách ấy chung tay hỗ trợ. Ngày trở lại trường cấp 3, Sang nỗ lực hết mình để học tập, rèn luyện tiếng Anh. Sang đỗ một lúc vào cả hai trường ĐH Kinh tế và ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Đà Nẵng với điểm số môn tiếng Anh đạt 9,5. Ngày tốt nghiệp ĐH, Sang vào nghề HDV khách tiếng Anh nhưng trong lòng vẫn đau đáu với ân tình của những vị khách Tây Ban Nha đã chung tay cho giấc mơ mình thành hiện thực nên Sang quyết định tự học thêm tiếng này để chuyển hẳn sang HDV tiếng Tây Ban Nha.
Để trụ lại với nghề, ngoài niềm đam mê, sự kiên nhẫn, mỗi người còn có tình yêu và niềm tự hào quê hương để lan tỏa tình yêu ấy đến với mỗi du khách khi họ dẫn tour. “Em cảm thấy hạnh phúc sau mỗi tour dẫn để nói với du khách về vẻ đẹp quê hương mình. Càng hạnh phúc hơn khi đón những người khách trở lại thêm lần nữa. Chỉ cần có thế, vất vả cũng thấy vui”, Sang trải lòng. |
Con đường vào nghề của Trương Thị Bé – HDV tiếng Việt cũng là một câu chuyện dài. Tốt nghiệp THPT, gia cảnh khó khăn, Bé từng đi làm công nhân ở khu công nghiệp. Tích cóp được ít tiền, xem chừng đủ nuôi giấc mơ ĐH, Bé chọn ngành kế toán nhưng đắn đo mãi lại đổi sang ngành Việt Nam học của một trường ĐH ở Đà Nẵng. “Trong những ngày đi thực tế, tiếp xúc với khách du lịch em thích luôn nghề HDV, thế là quyết định chọn”, Bé nói.
Hạnh phúc nghề “làm dâu trăm họ”
Những HDV du lịch trẻ như Hiếu, Sang hay Bé đều ấn tượng bởi những kỉ niệm buồn vui trên chặng đường hướng dẫn du khách tham quan. Với họ, nghề “làm dâu trăm họ” không phải lúc nào cũng đem đến những kỉ niệm buồn bởi những tình huống khó đỡ trong nghề. Hiếu kể, nghề HDV khổ nhất là phải chăm lo mọi thứ cho khách, luôn là người thức dậy trước và đi ngủ sau cùng khi khách đã yên vị trong khách sạn để nghỉ đêm. Vất vả nhưng sự quan tâm của khách là niềm động viên để người HDV hoàn thành nhiệm vụ. “Có lần dẫn khách đi tham qua cố đô Huế, vào mùa mưa, gặp trận mưa lớn nên ướt nhẹp. Đưa khách về khách sạn, chưa kịp chào họ thì khách đã bảo em ở lại, lấy giày, áo quần cho thay và cặm cụi ngồi sấy đôi giày cho khô. Sự ân cần ấy khiến em nhớ mãi”, Hiếu nhớ lại. Có nhiều khách chỉ gắn bó vỏn vẹn đôi ba ngày nhưng lại trở thành những người bạn kết nối bền lâu qua mạng xã hội.
Còn với Duy Sang thì tình huống đón nhầm khách lên Mỹ Sơn… Cứ ngỡ những tình huống khó đỡ ấy sẽ khiến cả hai mất việc sau tour dẫn đầu tiên nhưng chính niềm đam mê và nhiệt huyết của họ đã làm khách hài lòng và đảo chiều nhìn nhận của phía công ty tour để tiếp tục trụ lại.
Trong đời dẫn tour của Sang và Bé đều có đôi lần dẫn tour xuyên Tết. Đó là những tình huống khó lòng từ chối bởi khách nước ngoài ít quan niệm tết lễ phải gần gia đình. Làm nghề thì phải theo nếp của khách. Bé kể: “Có Tết em phải dẫn tour đi Quảng Bình, từ 29 đến mùng 3 Tết Nguyên đán. Hôm đi cảm giác thật buồn vì đón Tết xa nhà nhưng khi đón giao thừa, nhận lời chúc từ du khách, lòng cảm thấy ấm hơn ở một nơi xa lạ”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)