Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Buông lỏng kiểm soát thực phẩm tại chợ đầu mối – Bài 2

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ có thịt lợn mà nhiều loại cá chết cũng bày bán công khai tại chợ Đền Lừ. Cá rô phi chết chất la liệt thành đống trên tấm gỗ sát mặt đất. Hàng chục con cá chết rơi cả xuống đất, sát chân người đi đường.

Nhiều thực phẩm không đảm bảo chất lượng ở các chợ đầu mối được tiểu thương mua với giá rất rẻ để bán lại cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán cơm, chợ cóc, chợ tạm…
Phù phép thực phẩm ôi thiu
Tại chợ đầu mối Đền Lừ, chúng tôi lân la hỏi chuyện anh T.T.Đạt (nhà ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội), người dân hay đi chợ sớm và được biết, những người đi chợ thường xuyên sẽ không khó nhận ra thịt ôi thiu. Anh Đạt nói: “Thịt ấn vào có độ dẻo và đàn hồi là thịt tươi. Thịt bẩn ấn bị lõm, không đàn hồi. Loại thịt kém chất lượng này thường được bán từ sáng sớm đến khoảng 11 giờ trưa. Chỉ những người bán hàng cơm mới đi mua loại thịt đó chứ người dân chúng tôi phải chọn loại thịt sạch đắt tiền”.

Cá chết bán tràn cả xuống… mặt đường.

Đúng như lời anh Đạt nói, chúng tôi để ý thấy có những người mua lượng lớn thịt lên đến chục cân nhưng không cần trao đổi gì nhiều, chỉ cần tới là tiểu thương chuyển hàng. Trong khi những người mua vài ba lạng thì chọn rất kĩ những miếng thịt có dấu kiểm dịch. Theo những tiểu thương có kinh nghiệm bán thịt lâu năm thì người bán và người mua chỉ cần “nhìn nhau là hiểu ý”, tức là tiểu thương chỉ cần nhìn khách quen là biết nhu cầu của khách, và nếu khách lạ thì tiểu thương có vẻ cũng dè chừng.
Rời chợ đầu mối Đền Lừ, chúng tôi vào một quán bún bò gần chợ. Sau khi bắt chuyện, chúng tôi được bà chủ quán tiết lộ, những người bán hàng ăn cũng có hôm mua thịt lợn chết giá rẻ tại chợ đầu mối Đền Lừ để bán hàng nhằm tiết kiệm chi phí. Có lần khách ăn cũng thắc mắc “Sao thịt ăn hôi thế”. Tất nhiên không phải hôm nào cũng bán loại thịt này nhưng vì chẳng có ai kiểm tra chất lượng thực phẩm nên đôi khi vẫn lấy hàng về bán.
Không chỉ có thịt lợn mà nhiều loại cá chết cũng bày bán công khai tại chợ Đền Lừ. Cá rô phi chết chất la liệt thành đống trên tấm gỗ sát mặt đất. Hàng chục con cá chết rơi cả xuống đất, sát chân người đi đường. Cạnh đó là hàng bán cá trôi, cá mè chết. Những con cá nặng tầm 1 – 2 kg chết nằm ươn mình trên tấm gỗ. Tìm hiểu thì được biết, không người dân nào mua loại cá này về nhà ăn, chủ yếu là chủ các tiệm cơm bình dân mua với giá rẻ mạt để về bán hàng.
Như vậy, vì lòng tham mà không ít chủ các quán ăn đã mua loại thực phẩm bẩn để chế biến đồ ăn cho khách. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh tật cho người dân. Khi đã chế biến thành món ăn, với các loại gia vị tẩm ướp, thịt thối cũng trở thành “thịt thơm” và các thực khách khó lòng nhận biết.
Điều đáng nói là thực phẩm đến chợ đầu mối thì đôi khi được kiểm tra, nhưng thực phẩm từ đây chuyển đi các nơi thì không có ai kiểm tra cả. Đó là lý do khiến thịt, cá bẩn vẫn vô tư tuồn vào các nhà hàng, thậm chí trở thành những món “đặc sản”.
Chợ cóc, chợ tạm hoạt động tràn lan
Tại chợ Hà Vỹ (Thường Tín – Hà Nội) – chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc, ngay từ sáng sớm, cán bộ của phòng thú y huyện Thường Tín đã ngồi chốt trực, xe ô tô chở gia cầm trước khi vào chợ phải xuất trình giấy kiểm dịch. Tuy nhiên, theo quan sát, ngay phía bên ngoài chợ, có một số người bán gà vịt ngồi ven đường. Số lượng cũng lên đến cả trăm con nhưng không thuộc diện được kiểm dịch tại chợ. Được biết những chợ cóc gia cầm này đã hoạt động từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa dẹp được.
Gặp ông Dương Xuân Tĩnh, Trạm trưởng Trạm Thú y Thường Tín, chúng tôi được biết chợ đầu mối Hà Vĩ chỉ kinh doanh gia cầm sống. Gia cầm sẽ phải qua các điểm giết mổ rồi mới được đưa vào nội thành Hà Nội. Mọi hành vi đưa gia cầm sống vào nội thành đều bị cấm.
Tại chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm, Hà Nội), từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã bắt và tiêu hủy khoảng 400 kg thịt không rõ nguồn gốc và thịt ôi thiu. 10 hộ kinh doanh hàng đông lạnh đã phải ngừng hoạt động vì không bảo đảm chất lượng.
Tuy nhiên, phóng viên đã thử bám theo một xe máy chở khoảng 20 con gà từ chợ Hà Vỹ đi về phía trung tâm Hà Nội. Điểm dừng chân cuối cùng là một chợ cóc trên địa bàn quận Hoàng Mai. Tại đây, gia cầm được giết mổ, bán cho người dân mà không hề có sự kiểm tra nào của lực lượng chức năng trên địa bàn.
Nguồn hàng đổ về chợ đầu mối đã khó kiểm soát. Nguồn hàng từ chợ đầu mối chuyển đến các chợ cóc, chợ tạm cũng khó kiểm soát không kém. Tiểu thương của các chợ này đến chợ đầu mối lấy hàng rồi tỏa đi phân phối khắp thành phố. Chợ tạm, chợ cóc thường chỉ hoạt động trong vài tiếng rồi giải tán. Hà Nội có hàng nghìn chợ cóc, chợ tạm nên vô tình nó đã trở thành những “chân rết” để thực phẩm bẩn lan khắp thành phố.
Ông Đỗ Phú Sơn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: “Những chợ cóc, chợ tạm không có ban quản lý nên trách nhiệm quản lý phải ở cấp chính quyền phường xã. Chúng tôi vẫn có thú y phường đi kiểm tra chợ cóc nhưng không thể hết được”, ông Sơn cho hay.

 

Hoàng Dương – Thu Trang/ Tin tức
 
 

Bình luận (0)