HS tiểu học viết bài bằng bút máy. Ảnh: N.Trinh |
Hai vấn đề tôi muốn đề cập ở đây có lẽ không mới nhưng lại rất cần thiết đối với các em học sinh (HS) đang độ tuổi đến trường.
Thứ nhất, đó là chuyện bút viết. HS viết bằng bút máy thì phần lớn các trường tiểu học quy định bắt buộc, đó cũng là cách rèn những nét chữ đầu tiên để hình thành kỹ năng viết chữ đẹp sau này. Nhưng, đó là ở bậc tiểu học. Còn khi các em bước vào THCS thì dường như không còn chuyện bắt buộc viết bút mực mà tùy thích, thậm chí là “tùy tiện vô nguyên tắc”. Điều này dẫn đến HS bậc THCS viết chữ xấu là chuyện thường tình. Việc đánh giá kết quả cũng vì thế mà bỏ qua, ít khi giáo viên (GV) nhận xét: “Nét chữ xấu”. Thậm chí ở các môn tự nhiên thì chỉ cần đúng kết quả là có thể đạt điểm tối đa mà hiếm có GV nào phê vào là “nét chữ xấu”. Cứ như vậy, hết lớp này lên lớp khác việc rèn chữ chẳng ai quan tâm nữa và dần dần bản thân HS cũng hình thành thói quen cẩu thả. Không ít HS ở tiểu học viết chữ rất đẹp nhưng vào THCS rồi lên THPT thì chữ quá xấu. Bản thân GV cũng vậy, nhiều người viết chữ xấu, GV dạy THCS và THPT lại càng ẩu, họ ít khi quan tâm đến việc trình bày bảng sao cho vừa đẹp lại vừa khoa học. Thế thì làm sao GV trở thành tấm gương cho HS học tập? Bản thân mình viết xấu thì sao dám phê vào vở, giấy thi, giấy kiểm tra của HS là “chữ xấu”? Và như vậy, một số GV lạm dụng PowerPoint, máy tính bảng…, cứ như thế “công nghệ dạy học” sẽ thay thế hết công cụ truyền thống mà hàng trăm năm nay loài người vẫn sử dụng.
Thứ hai, là chuyện viết thư tay. Có lẽ phần lớn HS hiện nay không biết viết thư tay như thế nào. Đứa cháu con anh trai tôi 10 tuổi, khi tôi yêu cầu cháu gửi thư cho bố đang công tác ở xa nhà, cháu lấy bút viết: “Bố khỏe không? Bố nhớ mua cho con nhiều đồ chơi bố nhé. Bye bố”. Thấy vậy, tôi thật buồn nhưng cũng không thể trách cháu được. Hàng ngày cháu lên mạng sử dụng facebook, email thì làm sao mà biết cách viết một lá thư thế nào, rồi chưa nói đến chuyện viết tắt, viết thiếu chữ, thiếu dấu bằng công cụ bàn phím mà giới trẻ hiện nay đang lạm dụng. Tôi vẫn còn nhớ hồi nhỏ bố đi công tác xa, mẹ dạy tôi viết thư tay rất cẩn thận. Trong nội dung lá thư mà mẹ dạy tôi viết, trước hết phải hỏi thăm tình hình sức khỏe của người ở xa, rồi đến gia đình, công việc, học hành ở nhà, chẳng hạn: “Bố kính mến! Lời đầu tiên con xin chúc đến bố cùng các bác, các chú ở đơn vị bố mạnh khỏe, hạnh phúc… Ở nhà con và mẹ, các em vẫn khỏe… Cuối thư con chào bố… Ngày, tháng, năm”. Có lẽ chuyện viết thư tay bây giờ nhiều người cho là cũ kỹ, lạc hậu nên không dạy cho các em cách viết, việc gì cũng lạm dụng công nghệ thì sẽ hình thành ở trẻ thói quen cẩu thả, tùy tiện, vô nguyên tắc; thậm chí còn vô cảm đối với người thân trong gia đình. Hãy nói cho trẻ biết rằng, ngày trước khi cha mẹ nhận được một lá thư của người thân thì hạnh phúc ra sao? Đó cũng là cách giúp trẻ chia sẻ và thể hiện tình cảm với người thân trong gia đình.
Đừng quá lạm dụng công nghệ. Rèn chữ – viết thư tay vẫn là những bài học trong suốt cuộc đời con người. Đó là thói quen cần duy trì thường xuyên, liên tục mà xã hội phát triển đến đâu cũng không thể thiếu được. Nét chữ – nết người là vậy.
Nguyễn Văn Công (Biên Hòa, Đồng Nai)
Bình luận (0)