Giá xăng, dầu trên thị trường Singapore đã bắt đầu chu kỳ tăng trở lại, mặc dù vẫn còn lãi nhưng một doanh nghiệp (DN) đầu mối cho biết cơ hội giảm giá bán lẻ trong nước gần như đã qua đi.
Ngày 16/9, giá xăng, dầu đã giảm nhẹ trở lại sau hai ngày tăng trước đó. Hiện giá xăng bình quân 30 ngày dùng để tính giá bán lẻ trong nước đã tăng lên 79,47 USD/thùng, dầu diesel 86,2 USD/thùng.
Theo bảng tính giá cơ sở của Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), giá cơ sở mặt hàng xăng A92 cao hơn giá bán lẻ 59 đồng, dầu diesel 169 đồng. Chênh lệch này cao hơn trước đó ba ngày chỉ khoảng 50 đồng, nhưng một số DN cho rằng cơ hội giảm giá đã qua.
Thật ra dù có lãi nhưng các DN đầu mối không giảm giá nhờ đang nắm trong tay hai “bửu bối” để đối phó với dư luận. Đó là công văn 8984 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, ban hành ngày 9/7.
Trong công văn này, các DN được hướng dẫn rằng 30 ngày là thời gian tối thiểu giữa hai lần tăng giá liền kề (thời điểm tăng trong phạm vi thuộc quyền điều chỉnh của DN). Nghĩa là nếu tăng giá ngày 1 tháng này thì phải đến ngày 1 tháng sau mới được tăng trở lại.
Chính vì quy định này mà ở thời điểm giá trong nước đã có thể giảm, DN đặt điều kiện: nếu giảm thì Bộ Tài chính phải cho phép DN tăng khi giá thế giới tăng chứ không thể chờ đến 30 ngày. Hướng dẫn này của Bộ Tài chính trái với quy định của nghị định 84/2009/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 12/2009. Nghị định này quy định thời gian giữa hai lần tăng giá là 10 ngày.
Công văn 8984 và nghị định này cũng chính là “bửu bối” thứ hai của DN khi giá tăng. Sau thời điểm tăng giá bán lẻ hồi đầu tháng 8, giá xăng, dầu thế giới lại tiếp tục vọt lên. Thời điểm đó một số DN đầu mối rục rịch tăng giá trong nước vì cho rằng công văn 8984 không thể phủ định nghị định 84, nghĩa là họ không thể chờ đến 30 ngày. Rất may là ngay sau đó giá thế giới giảm trở lại, việc tăng giá tạm gác.
Hình ảnh “tăng thì nhanh, giảm thì chậm” của các đầu mối kinh doanh xăng dầu thật khó xóa trong cách nghĩ của người tiêu dùng. Sự mâu thuẫn giữa công văn của Bộ Tài chính với nghị định của Chính phủ trở thành cái cớ để DN xăng, dầu thoái thác trách nhiệm cũng như quyền được hưởng sự công bằng của người tiêu dùng bị từ chối.
Nguồn TTO
Bình luận (0)