Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Buýt điện chuẩn bị lăn bánh ở TP HCM

Tạp Chí Giáo Dục

5 tuyến xe buýt điện được triển khai thí điểm trong vòng 24 tháng, bắt đầu từ quý 1 năm 2022.

Thông tin trên vừa được Sở GTVT TP HCM báo cáo UBND TP HCM nhằm làm rõ một số nội dung mở mới tuyến xe buýt sử dụng điện trên địa bàn thành phố.

Sở GTVT TP HCM nhận định phát triển xe buýt điện là cần thiết, nhằm đa dạng loại hình vận tải hành khách công cộng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và giảm ô nhiễm môi trường. Đề xuất này được các Sở, ngành ủng hộ, phù hợp Luật Bảo vệ môi trường, các Nghị quyết và quyết định của Trung ương.

Về kế hoạch triển khai, Sở GTVT TP HCM đề xuất trong quý I năm 2022, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus – Chi nhánh TP HCM sẽ đưa vào thí điểm 1 tuyến VB03 (Vinhome Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn). Đến quý II năm 2022 sẽ đưa vào vận hành 4 tuyến còn lại sau khi xây dựng xong depot.

Chi phí trợ giá cho xe buýt điện được áp dụng đơn giá của xe CNG nhóm 4 là 24.224 đồng/km trong thời gian thí điểm, với tỉ lệ 44,1% trên chi phí. Tổng kinh phí trợ giá dự kiến năm 2022 của 5 tuyến trên là 31,7 tỉ đồng và được sử dụng từ kinh phí dự phòng mở mới các tuyến xe buýt nguồn vốn sự nghiệp được TP bố trí khi giao chỉ tiêu dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022.

5 tuyến xe buýt điện do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus – Chi nhánh TP HCM đề xuất thí điểm, gồm: Tuyến VB01 từ Vinhome Grand Park – Trung tâm thương mại Emart (cự ly 27 km), tuyến VB02 từ Vinhome Grand Park đến sân bay Tân Sơn Nhất (cự ly 30 km), tuyến VB03 từ Vinhome Grand Park đến bến xe buýt Sài Gòn (cự ly 29 km), tuyến VB04 đến Bến xe Miền Đông (cự ly 8,5 km) và tuyến VB05 đến Khu đô thị Đại học Quốc Gia (cự ly 10 km).

Buýt điện chuẩn bị lăn bánh ở TP HCM - Ảnh 1.

Tuyến xe buýt điện dự kiến triển khai từ quý I năm 2022

Dự kiến có 77 xe hoạt động, sức chứa mỗi xe từ 65 – 70 chỗ, xe chạy bằng điện năng, không phát sinh khí thải, hạn chế tiếng ồn, thân thiện môi trường. Giá vé dự kiến sau khi có trợ giá của nhà nước trung bình 7.000 đồng/lượt hành khách các tuyến VB01, VB02, VB03 và 5.000 đồng/lượt hành khách đối với các tuyến VB04, VB05. Riêng học sinh, sinh viên giá vé 3.000 đồng/lượt.

Lộ trình 5 tuyến này dừng đón khách tại các trạm dừng, nhà chờ hiện hữu, ngoài ra chủ đầu tư sẽ bổ sung thêm 9 điểm đón mới, xây dựng 1 depot, bến bãi rộng hơn 12.200 m2 tại khu dân cư Vinhome Grand Park và hệ thống trạm sạc tại các điểm đầu và cuối bến.
Chủ đầu tư đề xuất được trợ giá tương đương mức trợ giá cho dòng xe sử dụng khí thiên nhiên CNG, đơn giá áp dụng cho xe buýt CNG tại TP HCM từ 19.000 đến 24.000 đồng mỗi km, tùy khu vực.

Từ năm 2017, TP HCM đã thí điểm 3 tuyến xe buýt điện loại 12 chỗ do Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh và Công ty TNHH quản lý và kinh doanh bất động sản Phố Cảnh khai thác với giá vé 12.000 đồng/lượt, phục vụ khách tham quan tại quận 1 và khu Phú Mỹ Hưng, quận 7.

Tháng 5-2021, TP HCM cho phép thí điểm trong 2 năm tuyến xe buýt điện hoạt động tại huyện Cần Giờ chở khách đến các khách sạn, khu du lịch theo hình thức hợp đồng, du lịch do Công ty TNHH vận tải du lịch Gia Nghĩa thực hiện.

Theo Thu Hồng/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)