Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

BVU tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Phát triển du lịch trong thời kỳ hậu Covid 19”

Tạp Chí Giáo Dục

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, trên khắp thế giới, hàng triệu việc làm và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, đại dịch Covid 19 xảy ra trong 1,5 năm qua đã chấm dứt sự tăng trưởng liên tục trong hơn một thập kỷ của ngành du lịch toàn cầu. Bên cạnh những thách thức thì đây còn là cơ hội để cho ngành du lịch cùng nhìn lại và xây dựng một chiến lược phát triển bền vững hơn.

Ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới nhận định “Đại dịch đã thay đổi cách nhìn nhận của những bên liên quan về du lịch. Chưa bao giờ lĩnh vực này lại thể hiện tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển kinh tế và xã hội rộng lớn đến vậy”

Xuất phát từ thực tiễn cần phát triển du lịch trong thời kỳ hậu Covid 19 đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các nhà quản trị, nhà kinh tế và cả các nhà khoa học nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Vào ngày 30 tháng 6 năm 2021, Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu (BVU) đã tổ chức hội thảo trực tuyến (webinar) với chủ đề “Phát triển du lịch trong thời kỳ hậu Covid 19” với sự tham gia của các diễn giả, nhà khoa học từ các trường đại học hàng đầu trong nước và quốc tế.

Webinar đã nhận được sự quan tâm và tham dự của hơn 100 khán giả, bao gồm lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, lãnh đạo các tổ chức du lịch tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đại diện các đối tác trong nước và nước ngoài của BVU cùng CBGV và SV BVU.

Các diễn giả tham dự Webinar Phát triển du lịch trong thời kỳ hậu Covid 19

Trong phần khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Đình Long- Phó hiệu trưởng BVU nhận định khó khăn hiện nay của ngành du lịch tại Việt Nam nói chung và tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là nguồn nhân lực yếu về kỹ năng và ngoại ngữ, dẫn đến chất lượng phục vụ chưa cao, hạn chế của các đơn vị du lịch không thể khai thác hết được nguồn lợi du lịch từ khách nước ngoài. Nhận thức được yêu cầu của xã hội, với mong muốn được góp phần cung cấp nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như các tỉnh khu vực phía Nam, BVU đã định hướng phát triển du lịch là nhóm ngành mũi nhọn trong đào tạo của Trường. Hiện nay, BVU đang tổ chức đào tạo 3 ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn và Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống cùng một chương trình chất lượng quốc tế đối với ngành Quản trị khách sạn.

Đại diện của một trong những tập đoàn khách sạn lớn nhất thế giới – Tập đoàn ACCOR và cũng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành du lịch tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bà Nguyễn Nhật Linh, Giám đốc kinh doanh của khách sạn Pullman Vũng Tàu đã có những chia sẻ về kinh nghiệm phát triển của khách sạn trong thời kỳ Covid 19. Theo Bà, trước đại dịch thì khách sạn Pullman tập trung chủ yếu vào thị trường khách công vụ và khách nghỉ dưỡng. Tuy nhiên khi đại dịch diễn ra, thị trường hai dòng khách này sụt giảm đáng kể. Do đó hiện nay khách sạn Pullman tập trung vào thị trường khách ở dài hạn ở Bà Rịa Vũng Tàu để giảm chi phí và có nguồn thu ổn định trong mùa dịch. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và bộ phận quản lý trực tiếp đã có sự phối hợp hiệu quả để đưa ra được đường lối phát triển cho khách sạn trong mùa dịch. Theo bà Linh, đây là mô hình hiệu quả mà các khách sạn tại Việt Nam có thể áp dụng.

TS. Vũ Văn Đông- Phó hiệu trưởng BVU đã tổng kết bối cảnh du lịch Việt Nam cũng như du lịch thế giới trong thời kỳ dịch bệnh Covid 19 và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch chất lượng cao trong thời kỳ hậu Covid 19. Ngoài ra TS. Vũ Văn Đông cũng tập trung phân tích 9 xu hướng phát triển du lịch trong thời kỳ sắp tới bao gồm: Xu hướng du lịch điểm đến an toàn; Xu hướng Du lịch được đảm bảo hơn bảo hiểm về chăm sóc sức khỏe; Xu hướng về du lịch chuyển từ du lịch quốc tế chuyển sang Du lịch nội địa; Xu hướng Sản phẩm du lịch trọn gói; Xu hướng ứng dụng CNTT và trí tuệ nhân tạo; Xu hướng du lịch được linh hoạt trong sử dụng dịch vụ; Du lịch gần, ngắn ngày; Xu hướng du lịch quốc tế bằng hộ chiếu vaccine; Xu hướng phát triển du lịch xanh chất lượng cao.

Tại hội thảo, với bề dày kinh nghiệm trong kinh doanh dịch vụ du lịch cũng như trong nghiên cứu hoạt động du lịch ở Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Linh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Giám đốc khách sạn Green Vũng Tàu đã tập trung phân tích các nhóm giải pháp để phát triển du lịch thời kỳ hậu Covid 19 như: Xây dựng sản phẩm du lich mới, đa dạng, độc đáo, có tính trải nghiệm cao; Tạo thương hiệu điểm đến; Xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; Liên kết vùng; Tăng cường truyền thông; Đẩy mạnh chuyển đổi số; Tái cơ cấu doanh nghiệp và thay đổi tư duy.

Đại dịch đã tồn tại trong gần hai năm và thay đổi mọi mặt trong đời sống kinh tế xã hội của con người trên khắp thế giới. Vậy Điều gì đã thay đổi sau 1,5 năm đại dịch trong quản lý điểm đến du lịch? PGS. TS Yann Viral – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu du lịch Thái Bình Dương đã tập trung vào 3 vấn đề chính gồm: Các xu hướng du lịch mới; Hệ quả của quản lý điểm đến như thế nào? Những nguyên tắc mới trong quản lý điểm đến? Bên cạnh đó, Ông cũng cho rằng chúng ta không thể biết chính xác khi nào thì đại dịch sẽ kết thúc nhưng có một điều chắc chắn là phải đưa ra những thay đổi mới sớm nhất có thể, trong viễn cảnh dịch bệnh Covid 19 đang thay đổi hàng tuần. Và một thách thức lớn mới trong quản lý điểm đến là làm sao để điểm đến có thể liên tục thích ứng, liên tục cạnh tranh với thế giới du lịch Covid mới này.  

Tại hội thảo, TS. Hà Thị Thùy Dương – Trưởng bộ môn Du lịch, Trường Đại học Mở TP.HCM đã phân tích mô hình và kịch bản phục hồi du lịch Việt Nam theo MCKINSEY, theo đó du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh cả về du lịch nội địa và du lịch quốc tế vào năm 2023. Bên cạnh đó, bà tập trung vào các đề xuất phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ hậu Covid như: Đề xuất thay đổi cơ cấu thị trường Du lịch; Đề xuất phát triển sản phẩm du lịch theo tiêu chí an toàn, bền vững và sáng tạo; Các đề xuất về công tác truyền thông Marketing…

Cũng tại Webinar này, Th.s Nguyễn Quang Thái – Giảng viên khoa Du lịch  BVU đã trình bày định hướng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao cho thành phố Vũng Tàu thời kỳ hậu Covid 19. Theo đó, để góp phần thúc đẩy, phục hồi du lịch của thành phố có thể tập trung phát triển 6 nhóm sản phẩm du lịch chất lượng cao cho thành phố Vũng Tàu là: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng gắn với thể thao, vui chơi giải trí và mua sắm; Phát triển du lịch MICE; Phát triển du lịch Văn hóa – Lịch sử – Lễ hội – Tâm linh; Du lịch sinh thái cộng đồng; Phát triển du lịch ẩm thực; Phát triển Du lịch thông minh.

Trong phát biểu bế mạc hội thảo, Th.s Đinh Thị Hoa Lê – Phó trưởng khoa phụ trách khoa Du lịch BVU đã ghi nhận và khẳng định tất cả những ý kiến đóng góp sẽ là cơ sở để khoa tiếp nhận và cập nhật trong đào tạo nhóm ngành du lịch tại BVU cũng như tiếp tục có những nghiên cứu khả thi nhằm góp phần trong quá trình hồi phục và phát triển lĩnh vực du lịch tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như cả nước.

T.D.V

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)