Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cá bống kho lên phim

Tạp Chí Giáo Dục

Ẩm thực Việt phong phú, độc đáo nếu được khai thác thành công trên phim sẽ góp sức lớn cho công cuộc gìn giữ và quảng bá văn hóa Việt ra thế giới

Phim truyền hình "Bống thời 4.0" do đạo diễn Nguyễn Quang Minh thực hiện, khai thác về nghề kho cá bống truyền thống. Đây là lần đầu món cá bống kho dân dã của người miền Tây Nam Bộ được đưa lên phim một cách sống động.

Thông điệp về tình cảm gia đình

"Bống thời 4.0" thuộc thể loại tâm lý xã hội, tình cảm gia đình, do Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS) sản xuất; quy tụ dàn diễn viên: NSƯT Công Ninh, Đàm Phương Linh, Phạm Hoàng Nguyên, Nguyễn Anh Tú, Huỳnh Hồng Loan…; được chiếu khung giờ 19 giờ 30 phút trên kênh HTV7, thứ hai đến thứ tư hằng tuần, từ ngày 25-7.

Cá bống kho lên phim - Ảnh 1.

Một cảnh trong phim “Bống thời 4.0”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Nội dung phim kể về gia đình ông Bảy (NSƯT Công Ninh đóng) sống bằng nghề kho cá bống truyền thống. Nghề gia truyền đã giúp ông Bảy "gà trống" nuôi lớn 3 đứa con là Khánh Vũ (Phạm Hoàng Nguyên đóng), Khánh Vân (Đàm Phương Linh đóng), Khánh An (Nguyễn Anh Tú đóng). Sau khi các con khôn lớn, ông Bảy đau đáu muốn truyền nghề cho con nhưng chẳng đứa con nào muốn về quê kho cá bống buôn bán. Các con ông lên thành thị mưu sinh, lập gia đình và tìm kiếm chân trời riêng. Ông Bảy tìm mọi cách để con trai út Khánh An về quê nối nghiệp – một hành trình đầy vất vả, thách thức bởi khoảng cách thế hệ già và trẻ, quan niệm sống khác biệt.

Phim "Bống thời 4.0" khai thác 2 chủ đề chính là tình phụ tử và ẩm thực Việt, truyền tải thông điệp về tình cảm gia đình, lan tỏa món cá bống kho, góp phần giới thiệu văn hóa vùng miền. "Bống thời 4.0" còn nhấn vào thực trạng xã hội hiện nay khi người trẻ lần lượt rời quê hương, để lại cha mẹ già ở quê, đối diện nỗi cô đơn. Họ được cây lúa, con cá ngoài đồng ruộng nuôi lớn nhưng khi trưởng thành thì không nhiều người nối nghiệp gia đình, gắn bó với nông thôn, ở bên cha mẹ già nơi vùng quê yên bình.

Nhà biên kịch Anh Đào trải lòng rằng món cá bống kho phổ biến với người dân miền Tây Nam Bộ nhưng chưa được khai thác trên màn ảnh nhỏ. Việc chọn món cá bống kho để quảng bá, ê-kíp làm phim chỉ mong sau khi xem phim, khán giả sẽ để ý đến món ăn đặc trưng này, yêu thích và giúp nghề bán cá bống kho nói riêng, nghề bán cá kho nói chung được phổ biến hơn. Đồng thời, cũng là lời khẳng định ẩm thực Việt vẫn còn nhiều món ăn độc đáo, xứng đáng được quảng bá.

"Con cá bống gợi cảm xúc buồn, phù hợp để nhắc nhớ hình ảnh người cha bôn ba mưu sinh nuôi con. Nó cũng giống như nhắc về con cò là gợi lên hình ảnh người mẹ lặn lội thân cò. Sự kết hợp giữa món cá bống kho và câu chuyện về tình cha con sẽ có sự bổ sung, vun bồi cảm xúc, tạo được hiệu ứng với khán giả" – nhà biên kịch Anh Đào nhận định.

"Bếp của thế giới"

Nguyên nhân là vì vấn đề kinh phí đầu tư, nhất là phim truyền hình, việc mua hoặc nấu một món ăn để bày biện bàn ăn sẽ làm tăng chi phí. Để tiết kiệm, một số đoàn làm phim thực hiện lướt qua, chỉ tập trung vào diễn viên, chuyện phim hơn là để tâm quảng bá ẩm thực Việt.

Trong khi đó, với phim truyền hình của Hàn Quốc, những phân cảnh ăn món kim chi, mì gói, bánh gạo cay, thịt nướng… được khắc họa rõ nét, đồng bộ ở tất cả các phim. Dù phim không khai thác về ẩm thực, các món ăn này vẫn được đưa vào đầy khéo léo, đầu tư góc máy, độ ngon miệng khiến khán giả khi xem kích thích thị giác. Món mì, bánh gạo cay, thịt nướng Hàn Quốc nhờ vậy đã được phổ biến ở các nước châu Á và lan tỏa sang phương Tây. Nhiều người trong giới nhận định ẩm thực Việt cũng cần có sự quảng bá đồng bộ, kỹ lưỡng như thế mới thúc đẩy cả quảng bá ẩm thực lẫn phim, bổ trợ nhau trong hành trình vượt biên giới.

Theo các nhà chuyên môn, để yếu tố ẩm thực hài hòa với tình tiết câu chuyện phim, giữ độ hấp dẫn, phụ trợ cho nhau không dễ dàng. Nó đòi hỏi chất lượng từ kịch bản, cách kể chuyện của đạo diễn và khả năng diễn xuất của diễn viên. Với phim khai thác yếu tố ẩm thực, ngành nghề, diễn viên cũng phải học hỏi cách làm, có sự trải nghiệm mới lột tả nhân vật tốt khi diễn trước ống kính.

Vì vậy trong "Bống thời 4.0", NSƯT Công Ninh đã phải nghiêm túc học cách kho cá từ đánh vảy, làm sạch đến chế biến để có thể nấu món cá thành thạo như thật khi quay phim. Đạo diễn Nguyễn Quang Minh cho biết đoàn phim đã tìm mua mấy chục ký cá bống đồng để phục vụ việc quay phim.

Những người trong cuộc cho rằng việc quảng bá ẩm thực qua phim cần được đẩy mạnh hơn, không chỉ trên truyền hình mà cả điện ảnh. Việt Nam từng kỳ vọng trở thành "bếp của thế giới" nhưng số lượng phim có yếu tố ẩm thực vẫn còn nhiều hạn chế trong các năm qua. Đây là nỗi niềm trăn trở cần được cơ quan quản lý chú tâm, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy.

Việc đưa món cá bống kho lên màn ảnh nhỏ là nét mới trong khai thác ẩm thực Việt qua phim. Trước đó, những món ăn Việt từng được nhà làm phim khai thác có phở, bánh mì, bánh xèo, bún riêu, canh chua…
Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)