Cá chết chủ yếu là chép và rô phi.
Hàng chục công nhân Công ty môi trường đô thị được huy động vớt cá dọc bờ kênh, nhiều nhất là tại khu vực Cổng Xả tại cuối đường Út Tịch. Một nhân viên công ty thoát nước đô thị cho rằng, có thể do cơn mưa lớn hai hôm trước làm nguồn nước thải chảy về ào ạt, ô nhiễm nặng khiến cá chết.
Nhiều người dân sống hai bên bờ kênh tỏ ra tiếc nuối, hoang mang trước sự việc bất thường này. “Tình trạng cá chết thỉnh thoảng cũng xảy ra, nhưng chết nhiều như thế này thì lần đầu tôi thấy”, ông lão 79 tuổi nói và cho biết đã sống ven kênh này từ nhỏ.
Những con cá chết to bằng bàn tay được các nhân viên vớt bỏ vào thùng nhựa rồi chuyển lên các xe rác. Theo một lãnh đạo Chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM), nguyên nhân cá chết là do ô nhiễm cục bộ. Khu vực đầu nguồn kênh không liên thông với sông, chỉ có cống nước thải. Sau những cơn mưa đầu mùa, nước đổ xuống kênh mang theo các chất độc và ô nhiễm đã tích tụ trong suốt thời gian trước đó.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè từng được mệnh danh là dòng kênh ô nhiễm nhất Sài Gòn. Sau gần 10 năm thi công với vốn đầu tư 8.600 tỷ đồng, cuối năm 2011 TP HCM đã biến con kênh xanh trở lại. Nhiều loại cá được thả xuống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, song chất lượng nguồn nước vẫn chưa cải thiện triệt để, nhiều người vẫn lén mang rác xả thẳng xuống kênh.
Nhật Vy (Nguồn: VNE)
Bình luận (0)