Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ca dao trong chương trình ngữ văn 2018

Tạp Chí Giáo Dục

Trưc đây, có giáo viên n hi tôi: Sao không thy chương trình ng văn 2018 nhc đến ca dao? Nếu có thì ca dao Vit Nam đưc hc lp nào?


Mt tiết hc môn ng văn (nh minh ha). Ảnh: Anh Khôi

Tôi xin trả lời như sau: Chương trình ngữ văn 2018 quan niệm về ca dao theo cách hiểu của Từ điển thuật ngữ văn học: “Ca dao là phần lời thơ của dân ca… Với nghĩa này, ca dao là thơ dân gian truyền thống” (*). Khác với truyện dân gian (có các thể loại nhỏ mang đặc điểm riêng khá rõ như truyện truyền thuyết, cổ tích, thần thoại…), các thể loại nhỏ của ca dao (từ thể 4 chữ đến song thất lục bát và thể tự do) về câu chữ, hình thức không có gì khác thơ. Vì thế chương trình coi là ca dao thuộc về thơ, không yêu cầu học riêng ở các khối/lớp từng tiểu loại như truyện dân gian. Như đã nêu, trong truyện dân gian, các tiểu loại có đặc điểm rất khác so với truyện của văn học viết; vì thế cần quy định học một số thể loại cụ thể. Ca dao thì không cần. Câu thơ của Nguyễn Du: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” và câu ca dao: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng?”, hoặc câu thơ Tố Hữu: “Mình về mình có nhớ ta/ Ta về ta nhớ những hoa cùng người” và câu ca dao: “Mình về có nhớ ta chăng/ Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”… thì có gì khác nhau về hình thức nghệ thuật? Có những câu như: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” nếu để thế thì gọi là ca dao, nhưng nếu là của Bàng Bá Lân thì lại là thơ. Tương tự bài: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về nhà” nhiều người nhầm là ca dao, nhưng khi biết là của Ngô Văn Phú thì lại gọi là thơ… Rõ ràng về hình thức câu chữ, thơ và ca dao không có gì khác biệt. Ca dao chỉ khác thơ về bối cảnh ra đời, tác giả và phương thức lưu truyền. Vì thế dạy cách đọc ca dao nhìn chung cũng cơ bản như dạy cách đọc thơ. Tuy nhiên, dù chương trình mỗi lớp không ghi ca dao, nhưng không phải vì thế không học ca dao. Bởi vì về ngữ liệu, chương trình 2018 (trang 16-17) yêu cầu: “Bắt buộc chọn ít nhất 3 bài ca dao về các chủ đề: Quê hương đất nước; tình yêu, tình cảm gia đình; con người và xã hội”. Ngoài ra, chương trình 2018 cũng yêu cầu ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa cần “phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc”. Mà ca dao là thành tựu tiêu biểu của văn học dân gian, không thể thiếu vắng trong học vấn phổ thông. Như thế, mỗi cấp học cần phải đọc hiểu một số bài ca dao khi học về thơ. Với sách ngữ văn (bộ Cánh diều), ở tiểu học học ca dao về quê hương đất nước; ở THCS học về tình cảm gia đình (lớp 6 học trong bài 2: Thơ (lục bát); ở THPT, lớp 11 học ca dao tình yêu trong bài thơ và truyện thơ dân gian, thống nhất với quan niệm và cách hiểu về ca dao của chương trình.

Khi đọc chương trình, giáo viên cần xem đầy đủ toàn bộ văn bản; không phải chỉ xem ở yêu cầu cần đạt mỗi lớp. Ví dụ: Ở tất cả các lớp, chương trình không ghi các yêu cầu cần đạt về ca dao, nhưng ở trang 16-17 trong mục yêu cầu về ngữ liệu ghi rõ: Bắt buộc chọn ít nhất 3 bài ca dao như trên đã nêu. Nếu chỉ dựa vào câu chữ trong yêu cầu cho mỗi lớp thì sẽ không có lớp nào dạy ca dao cả, trong khi chương trình yêu cầu bắt buộc phải có.

PGS.TS Đ Ngc Thng

(*) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, đồng chủ biên, NXB GD. 2005

Bình luận (0)