Cá khô là loại thực phẩm dự trữ tiện lợi cho những ngày mưa gió hay những chuyến đi xa. Tuy nhiên hiện nay chất lượng các loại cá khô đang bị “biến dạng” do công nghệ tẩm ướp hóa chất độc hại mà hệ lụy là ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người tiêu dùng.
Việc lựa chọn mua cá khô sao cho sạch, không hóa chất là điều không hề dễ dàng cho các bà nội trợ |
Gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện không ít loại khô cá biển, cá đồng trong quá trình chế biến được các cơ sở ngâm tẩm thuốc tẩy giun, ôxy già, focmon để xua đuổi côn trùng.
Lấy thuốc tẩy giun rửa cá
Để thay đổi món ăn hàng ngày, bà Xuân – ngụ ở đường Nguyễn Duy Trinh, P.Bình Trưng Đông, Q.2 thường đi chợ mua thêm các loại thủy hải sản khô như khô cá đuối, khô cá chỉ vàng về làm gỏi, chiên nướng. Tuy nhiên thời gian gần đây biết thông tin các loại khô cá khi chế biến thường được tẩm ướp các loại hóa chất để giữ độ tươi, tránh ruồi bọ kiến bu khiến bà Xuân vô cùng sợ hãi: “ Món khô rất dễ chế biến và tiện lợi, nhưng mới đây nghe tin một số cơ sở chế biến ở Bà Rịa – Vũng Tàu lấy thuốc tẩy giun rửa cá trước khi phơi tôi thật sự lo lắng”.
Vừa qua, đi chơi thăm bà con ở vùng Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bà Xuân mới “mục sở thị” được mấy “lò” chế biến khô của cậu em họ: “Thường thường phơi cá khô, tôm khô do có mùi thơm nên hầu hết đều có kiến, ruồi nhặng bu vào. Thế nhưng, đi coi một vòng khu phơi các loại cá khô, tôm khô của thằng em tôi lấy làm lạ vì vỉ nào cũng cả trăm con cá nhưng không hề thấy ruồi kiến gì cả. Đến khi hỏi đứa em dâu mới biết là toàn bộ cá trước khi phơi đều ngâm hóa chất để tránh ruồi”. Chứng kiến cảnh đó nghĩ lại trước đây gia đình thường hay mua khô cá dứa, cá lóc, cá chỉ vàng ngoài chợ về ăn bà Xuân mới thấy rùng mình. Theo lời kể của người em dâu, hóa chất tẩm ướp cá để tránh ruồi nhặng trước đây chủ yếu là nước ôxy già. Sau này dân làm nghề kinh doanh cá khô có thêm kinh nghiệm truyền nhau là thuốc tẩy giun mà bà con nơi đây gọi là thuốc xổ lãi. Nếu làm quà biếu hoặc để dùng thì họ lại chế biến mẻ khác. Cũng do cách chế biến tinh vi nên người nội trợ dù tinh mắt hoặc cố ý cũng không hề phát hiện được.
Mỗi lần lên Sài Gòn thăm con cháu, ông Trần Văn Mậu đang công tác ở một trường trung cấp ở TP.Long Xuyên (An Giang) vẫn thường xách theo vài ký khô cá lóc, cá sặc để làm quà biếu. Theo ông Mậu, khô cá lóc và khô cá sặc là đặc sản chỉ có ở vùng sông nước miền Tây Nam bộ đã trở thành món ăn không thể thiếu của mọi người nhất là dân lao động khi đi ruộng hoặc làm thuê làm mướn nơi xa. Món khô còn tiện lợi cho những bữa nhậu bình dân không phải tốn công ra chợ mà chế biến cũng nhanh và gọn: “Có sẵn khô trong nhà chỉ cần khách đến không cần báo trước là cũng có sẵn thức nhắm, mồi bén khỏi làm phiền đến vợ con” – ông Mậu phân bua.
Cách đây 1 tháng, khán giả truyền hình thật sự lo ngại cho sức khỏe khi được xem một phóng sự ghi lại cảnh người dân làng chài thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ chế biến các loại cá khô bằng cách ngâm thuốc xổ lãi trước khi phơi để tránh ươn sình và ruồi nhặng. Cũng nhờ đó mà cơ quan chức năng mà cụ thể là Sở Nông nghiệp tỉnh đã xuống làm việc và xử phạt các cơ sở chế biến cá khô bất nhân này. Mặc dù theo phương pháp truyền thống, chỉ cần ướp muối là phơi được. Tuy nhiên, để sản phẩm được bóng đẹp, dễ bảo quản được lâu người kinh doanh đã “phù phép” bằng cách cho các loại hóa chất để tẩm ướp. Mặc dù biết là chất độc hại nhưng vì ham lợi mà người kinh doanh đã bất chấp tất cả.
Chọn mua nơi chế biến uy tín
NGƯT.TS Cao Trường Sinh (giảng viên Trường ĐH Y khoa Vinh) cho hay, hóa chất được sử dụng bảo quản cá khô, mực khô, tôm khô với mục đích chống ươn sình, hôi thối, chống phân hủy protein của cá để khô được lâu hơn. Như vậy những hóa chất chống được hôi thối, ươn sình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nếu ảnh hưởng đến đường tiêu hóa thì dễ gây tiêu chảy, ngộ độc đường tiêu hóa.
Theo chuyên gia dinh dưỡng – BS Đào Thị Yến Thủy, cá khô là một trong những thực phẩm được nhiều bà nội trợ ưa chuộng để tạo nên sự đa dạng trong thực đơn hằng ngày, đồng thời bổ sung các dưỡng chất. Tuy nhiên việc lựa chọn mua cá khô sao cho sạch, không hóa chất là điều không hề dễ dàng. Theo BS Yến Thủy, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, người mua khó đánh giá được cá khô có được tẩm hóa chất độc hại. Các cơ quan chức năng cũng phải qua kiểm tra, xét nghiệm mới xác định được mẫu cá khô có tẩm các chất hóa học gây hại, các chất cấm hay tẩm ướp hóa chất cho phép vượt mức quy định. Nhưng nếu cẩn trọng và tinh ý, người mua vẫn có thể sàng lọc trước khi mua và sử dụng để tăng tính an toàn. Không mua các loại hàng trôi nổi mà không có thương hiệu nhãn mác rõ ràng.
Các chuyên gia cảnh báo, khi mua cá khô để ăn, nên rửa thật kỹ để vừa tẩy bớt bụi bẩn trong quá trình phơi cá, rửa bớt muối và quan trọng nhất là rửa lớp hóa chất được phủ bên ngoài trong trường hợp cá đó có được ướp hóa chất chống mốc. Khi mua cá khô về dùng nếu để vài ngày đã có hiện tượng ẩm mốc hay bề mặt rịn nước và miếng khô mất mùi cá đặc trưng thì nên ngưng sử dụng chứ đừng tiếc rẻ.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Bình luận (0)