Một lần nữa, việc các chương trình truyền hình thực tế sử dụng ca khúc độc quyền của ca sĩ (CS) khác lại được khuấy lên, khi CS Thảo Trang bức xúc vì ca khúc Nơi ấy bình yên mà cô mua độc quyền bị thí sinh Vietnam Idol 2014 hát trong đêm 22/2/2014. Tuy nhiên, sự bức xúc tưởng chừng hợp lý đó lại thể hiện một sự thiếu hiểu biết nếu nhìn ở khía cạnh pháp lý.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, truyền hình và truyền thanh được hưởng một cơ chế khác đối với vấn đề tác quyền. Theo đó, tổ chức phát sóng có quyền sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào mà không cần xin phép, miễn tuân thủ đầy đủ về tác quyền. Thời gian qua, việc tuân thủ tác quyền đó được các đài truyền hình thực hiện trọn gói theo quý hoặc theo tháng thông qua Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Điều đó có nghĩa, dù đó là ca khúc độc quyền hay không độc quyền, nếu đã được phổ biến thì đài truyền hình hoàn toàn có quyền sử dụng để phát sóng mà không cần có sự cho phép của người đang sở hữu. Điểm khác chăng là trong trường hợp này, đài truyền hình thay vì trả tác quyền ca khúc đó qua VCPMC thì sẽ trả cho người đang sở hữu tác quyền.
Thí sinh Ngân Hà hát Nơi ấy bình yên mà Thảo Trang đã mua độc quyền
Thực tế, không chỉ CS Thảo Trang, mà hầu hết CS hiện nay gần như đều không hiểu điều luật này. Trước Thảo Trang, Hải Yến Idol từng phản ứng khi bài Những ngày yêu như mơ cô mua độc quyền từ Tăng Nhật Tuệ được sử dụng trong chương trình Giọng hát Việt 2013 mà không hỏi ý kiến của cô. Nguyễn Đình Thanh Tâm cũng bức xúc khi thí sinh đội Hồng Nhung hát ca khúc Chạy mưa anh đã mua độc quyền từ Toàn Thắng mà không xin phép. Trước đó nữa, ca khúc Nơi tình yêu bắt đầu tác giả Tiến Minh viết riêng cho một bộ phim truyền hình cũng gây nên một cuộc tranh luận khi được Bùi Anh Tuấn sử dụng trong Giọng hát Việt mùa đầu tiên; Thu Minh từng không vui khi Uyên Linh hát Đường cong tại Vietnam Idol 2010 mà không hỏi ý kiến người đang giữ quyền khai thác độc quyền là Thu Minh… Bức xúc trên là đương nhiên, bột phát từ tâm lý bị mất “hàng độc quyền”. Thế nhưng, những yêu cầu về quyền được xin phép, hỏi ý kiến khi sử dụng thì lại không hề được quy định rõ ràng. Việc xin phép sử dụng không nên xem là một cách ứng xử lịch sự, mà phải là quyền hợp pháp của chủ sở hữu tác quyền.
Ở một khía cạnh khác, luật cũng bảo vệ các CS đang giữ quyền khai thác độc quyền, khi quy định đặc quyền của truyền hình chỉ được áp dụng nếu việc phát sóng đó “không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả” (khoản 2, điều 26 của Luật Sở hữu trí tuệ). Bởi Nơi ấy bình yên là ca khúc nằm trong album hiện vẫn chưa phát hành của Thảo Trang, Đường cong cũng là ca khúc nằm trong album Body Language mà Thu Minh chưa kịp phát hành vào thời điểm Uyên Linh sử dụng… Không khó để thấy, việc truyền hình sử dụng các ca khúc còn đang nằm trên dự án này đã ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch của các CS: làm giảm sự bất ngờ, giảm độ nóng khi chính thức giới thiệu sản phẩm… Nhưng, chứng minh cho việc bị “gây phương hại” này lại là chuyện bất khả, vì đó là những thiệt hại không thể đong đếm.
Một lần nữa, những lỗ hổng về luật vẫn là điều cần được nhắc lại trong showbiz và cũng không thể không nhận thấy thực tế là luật quy định không rõ ràng đã làm khó chính những chủ thể được nhắc đến trong điều khoản mà luật bảo vệ.
Theo PNO
Bình luận (0)