Y tế - Văn hóaThư giãn

Ca khúc quê hương ngày càng hiếm bài hay

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều nhạc sĩ (NS) trẻ, kể cả các NS tiền bối đã thành danh không dấu được nỗi băn khoăn, âu lo khi nhận định ca khúc viết về quê hương trong thời gian gần đây.
Có mới nhưng chưa hay
Nhân dịp liên hoan âm nhạc các thành phố kết nghĩa vừa diễn ra tại TP.Huế, một cuộc gặp gỡ hiếm hoi giữa các nhạc sĩ (NS) ba miền tại hội trường của Hội Liên hiệp văn hoá nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế. Họ cùng ngồi lại với nhau trong buổi tọa đàm có chủ đề “Ca khúc sáng tác về Hà Nội – Huế – TP.HCM và các tỉnh, thành phố bạn trong giai đoạn hiện nay” do ba Hội Âm nhạc TP.Hà Nội, Huế và TP.HCM tổ chức.
 
Ca sĩ Phong Thuỷ (Huế) trình bày Bến rêu phong, một sáng tác mới về quê hương của Trần Đại Dũng được nhiều nhạc sĩ tiền bối đánh giá cao tại liên hoan âm nhạc các TP kết nghĩa tối 25.3 – Ảnh: Đình Toàn
Ngoài một số NS trẻ, cuộc toạ đàm có sự tham dự của nhiều NS tên tuổi như NS Văn Dung, Phó Đức Phương, Trần Long Ẩn, An Thuyên… Đây cũng chính là thế hệ tiền bối đã có rất nhiều ca khúc hay viết về quê hương nhưng họ không dấu nỗi âu lo khi bàn về chủ đề này.
NS Trầm Tích, một NS trẻ thuộc Học viện Âm nhạc Huế – nhìn nhận: “Ca khúc sáng tác về quê hương của các NS trẻ trong giai đoạn hiện nay có mới thì chưa hay, có hay thì chưa mới”. Là người trong cuộc, nên vị NS này thẳng thắn rằng, do tiếp xúc nhiều trường phái âm nhạc, nên các NS trẻ cũng thay đổi về thẩm mỹ âm nhạc. Phần lớn họ chuyên tâm sáng tác các ca khúc phổ thông để tác phẩm dễ dàng được phổ biến. Đây cũng là một thể loại mà chỉ cần giai điệu lặp đi lặp lại, dễ thuộc dễ nhớ. “Ca khúc quê hương là thể loại hiện nay ca sĩ ít chọn lựa để ra album… Lại càng hiếm trong các cuộc thi hát có uy tín như Sao Mai, Tiếng hát truyền hình, càng không thấy ca khúc quê hương xuất hiện ở Vietnam Idol, The voice, có chăng chỉ xuất hiện trong liên hoan ca múa nhạc các đoàn chuyên nghiệp toàn quốc hoặc các tỉnh, thành phố, hội NS.” – anh nói.
Chia sẻ với đồng nghiệp, người làm lý luận phê bình âm nhạc Phan Thuận Thảo (Học viện Âm nhạc Huế) cũng tỏ ra lo ngại về sự len lỏi của âm nhạc phương Tây vào các ngóc ngách của đời sống âm nhạc. “Có nhiều ca khúc tiếng là viết về quê hương, nhưng giai điệu, âm hưởng thì không thấy bóng dáng quê hương chút nào” chị Thảo nói. NS An Thuyên, người đã có hàng loạt ca khúc về quê hương nổi tiếng cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Âm nhạc bây giờ bế tắc bởi vì người ta đi tìm cái tôi không được. Sáng tác ca khúc tôi nói thật là phải có tài, mà cái tài này là do chính mình đào luyện mà thôi”.
Làm sao để dung hòa?
Tại buổi toạ đàm, NS Phó Đức Phương đã dành nhiều thời gian chia sẻ nỗi ưu tư của các đồng nghiệp. Ông kể rằng ông đã nghe rất nhiều sự phản ứng của công chúng, kể cả các bác xích lô về dòng nhạc trẻ, ca khúc của NS trẻ hiện nay. “Họ bảo rằng đó là sự tha hoá. Tuy nhiên tôi cũng phải lựa lời để giải thích, dung hòa” – ông nói.
Theo NS Phó Đức Phương thì nghệ sĩ như chiếc ống sáo vậy, dĩ nhiên là một ống sáo không thụ động nhưng nó luôn đón các luồng gió mới. “Chúng ta không nên quá buồn và cũng không quá vội vã. Nó là dòng chảy. Chúng ta cũng không quá hoang tưởng hướng lớp trẻ vào một quỹ đạo. Điều đó là khó. Nếu muốn lớp trẻ nghe nhạc mình thì mình phải yêu họ, thương họ, hiểu họ và nghe họ. Mình không đánh mất mình mà làm thế nào để lớp trẻ yêu mình. Viết giọng điệu như thế nào để gặp được sự đồng điệu” NS Phó Đức Phương nói thêm.
Cùng góc nhìn về dòng chảy của đời sống âm nhạc, NS Thiếu Hoa cũng nhìn nhận thời gian gần đây ít có ca khúc viết về quê hương hay, nhưng ông nói: “Thời đại thay đổi, thế hệ thay đổi. Chúng ta phải đóng góp, dẫn dắt và thấu hiểu thế hệ trẻ”. Còn NS Văn Dung (Phó chủ tịch Hội âm nhạc TP.Hà Nội) đặt vấn đề: “Tại sao Phó Đức Phương viết Trên đình phù vân hay và có sức sống vượt thời gian như vậy? Tại sao một Nguyễn Đình Thi sáng tác Người Hà Nội hay như vậy trong khi anh chưa qua trường lớp đào tạo nào? Cái chính là sự sáng tạo không bó hẹp bởi hình thức, khuôn khổ, là cái tài và cái tâm của người NS”.
theo TNO

 

Bình luận (0)