Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cà Mau: Tiền đò đắt hơn tiền học

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, trong tổng số gần 2.400 học sinh các cấp nghỉ học giữa chừng do nhiều nguyên nhân khác nhau, có khoảng 400 em buộc phải bỏ học vì gia đình nghèo, không xoay xở được chi phí tiền đò đến trường hàng ngày.
“Qua sông nên phải lụy đò”
Khắp Cà Mau, đâu cũng giăng giăng sông, rạch và kênh, nhất là những huyện như Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển… Phương tiện di chuyển của người dân nơi đây phần lớn phụ thuộc nhiều vào phà, đò. Và phần đông học sinh muốn đến trường cũng vậy…
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Cà Mau vừa gửi HĐND và UBND tỉnh về tình hình học sinh đi học bằng đò thì có đến 30.800 học sinh phải tới trường bằng đò, chiếm gần 16% học sinh toàn tỉnh. Trong đó, một số trường phần lớn học sinh phải đi học bằng đò như Trường THPT Lê Công Nhân (huyện Thới Bình) có hơn 90%, Trường THPT Viên An là 53%, huyện Ngọc Hiển là 54%…
Hiện nay, mức giá thấp nhất đối với mỗi học sinh khi đi học qua đò ngang là 1.000 đồng/lượt; những em nhà ở cách xa trường 5 – 7 đến hàng chục cây số phải đi đò dọc, với mức giá từ 10.000 – 15.000 đồng/lượt đi và về, thậm chí còn cao hơn tùy vào quãng đường từ nhà tới trường xa hay gần.
Tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Phú Tân), Trường THPT Ngọc Hiển (Ngọc Hiển) và một số điểm trường khác ở các huyện, nhiều học sinh phải chi phí tiền đò đi học từ 450.000 đồng/tháng trở lên. Đối với những gia đình nghèo, cận nghèo đây là mức chi phí quá cao của các bậc phụ huynh đối với con em mình.
Em Lê Như Mai (Trường THPT Khánh Hưng) tâm sự: “Đường từ nhà em đến trường có ba cây số nhưng không thể đi được vì cách con kênh nên phải đi đò, hàng tháng mất hơn 100.000 đồng tiền đò. Nhà em lại không khá giả, ngoài tiền tập sách còn phải gánh thêm tiền đò nên rất khó khăn. Ở trường em, nhiều bạn phải đi học bằng đò giống em lắm. Mới đây có mấy người bạn em phải bỏ học”.
Cảnh học sinh đi học bằng đò phổ biến ở Cà Mau.
Ảnh: PL TPHCM
Không chỉ vậy, nhiều em học buổi sáng phải thức dậy đi học từ 3 – 4 giờ sáng cho kịp chuyến đò, đúng giờ vào lớp và về đến nhà khoảng 1 – 2 giờ chiều. Những em học buổi chiều đón đò đi học từ 9 giờ sáng và chiều tối mới về tới nhà. Chính những bất cập này đã buộc nhiều học sinh bỏ học.
Giấc mơ những con đường, cây cầu
Muốn đến Trường THPT Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), học sinh sống quanh phà Rạch Ruộng, nằm cập khu Chợ Nhỏ Sông Đốc phải “gánh” gần 200.000 đồng tiền phà, đò. Chưa kể “mỗi lần đi phà như mất một tuổi. Phà gì đâu đông nghẹt. Mỗi ngày ba bận thấy mấy đứa nhỏ đi học chen chúc đặc nghẹt trên phà thấy tội. Ước chi có cây cầu…” – chú Phạm Văn Hai hành nghề lái xe ôm tại thị trấn Sông Đốc nói. Chú Hai tiếp: “Ở đây còn đỡ, mấy chỗ khác đi sâu vào như Năm Căn, Cái Nước, Đầm Dơi thì đường sá đi lại khó khăn vô cùng. Nhà nghèo chạy ăn từng bữa lo đủ tiền sách, vở là hụt hơi chứ nói chi thêm tiền đi đò hàng ngày. Chỉ kham không nổi nên cha mẹ cho con nghỉ học chứ ai muốn”. “Phải chi xứ mình đường đi ngon lành…” – chú Hai bỏ lửng.
Khao khát có đường, một cây cầu để học sinh thênh thang đến trường không phải là một yêu cầu quá cao xa nhưng từ lâu đã là ước mơ của thầy, trò và người dân những huyện vùng sâu của Cà Mau. “Ước mơ lớn nhất của tôi là có được con đường để các em có thể đến trường bằng xe đạp” – ông Trịnh Văn Thuyên, Hiệu trưởng Trường THCS Phong Điền (huyện Trần Văn Thời), tâm sự.
Cần xã hội chung tay
Ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết: Sở đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh là không thu phí đò ngang khi đưa đón giáo viên, học sinh đi dạy, đi học hàng ngày.
Phương án thứ hai được Sở đề xuất với các cơ quan chức năng là nên thống nhất trong toàn tỉnh dành một tỷ lệ thích hợp từ tiền quỹ khuyến học, quỹ hội phụ huynh học sinh, quỹ hỗ trợ điểm trường thuộc dự án giáo dục… miễn 100% tiền đò cho học sinh nghèo, học sinh con của gia đình chính sách; giảm 50% cho nhà có hai con đi học cùng một đò…
Trước đó, một số phòng GD&ĐT tỉnh này cũng đã trao đổi với các chủ đò đồng ý giảm 1/2 tiền đò cho học sinh, số còn lại được ban đại diện cha mẹ học sinh trích từ quỹ hội khuyến học để trả. Bên cạnh đó, một số địa phương khác miễn cho chủ đò khỏi đóng góp các khoản phí địa phương, bù lại chủ đò phải miễn, giảm tiền đò cho học sinh. Một số trường thì giáo viên, học sinh vận động thành phong trào Vòng tay bè bạn, học sinh trong trường góp tiền, áo phao… để tặng cho những bạn phải đi học bằng đò.
Trả lời báo chí, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Tỉnh đang tính toán nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh khó khăn được đến trường. Theo đó, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí giúp học sinh trang trải tiền đò, mặt khác đẩy mạnh giao thông nông thôn, xây cầu đường để các em đi lại dễ dàng. Quyết tâm của tỉnh là không để học sinh bỏ học vì thiếu tiền đò.
Theo PL TPHCM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)