Người dân xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) chiều 8/7 phát hiện một con cá nặng 1,5 tấn đã chết, kẹt trong ghềnh đá cách bờ khoảng 3m.
Con cá có da nhám, màu xám, bụng màu trắng đục, đầu dẹp, hai bên ngàm có lỗ thông hơi…, bắt đầu có hiện tượng bị thối rữa vì ngâm nước quá lâu và thời tiết nắng nóng. Điều lạ là con cá lại không có chiếc răng nào.
Con cá nhám nặng 1,5 tấn mắc kẹt ở ghềnh đá nên đã chết. Ảnh: Minh Thảo |
Do địa hình trắc trở và con cá quá nặng nên người dân không thể di chuyển vào bờ để bán. Một số người đã nhanh tay cắt đi phần vi cá.
Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định đã cử đại diện đến hiện trường kiểm tra. Đo đạc cho thấy, con cá dài gần 5,5m, chu vi vòng bụng gần 4m, chiều ngang đuôi 2,4m, đường cung ngàm 1m, nặng khoảng 1,5 tấn.
"Con cá có 5 đôi khe mang hở nên có thể khẳng định thuộc bộ cá nhám", một cán bộ ngành thủy sản cho biết.
Không di chuyển được con cá khổng lồ vào bờ, một số người nhanh tay cắt vi cá đi bán. Ảnh: Minh Thảo |
Theo những ngư dân có kinh nghiệm, có thể cá đã bị thương dạt vào gành đá lúc thủy triều lên, đến khi triều xuống không còn sức bơi ra nên bị mắc kẹt. Có người gọi con cá này là cá mập, người khác gọi là cá ông sứa.
Vùng biển Quy Nhơn từ đầu năm đến nay thường xuyên xuất hiện nhiều cá mập, cá nhám thuộc loại lớn. Hàng loạt người tắm biển Quy Nhơn đã bị loài cá dữ này tấn công, bị thương phải nhập viện điều trị. Ngư dân cũng đã bắt được 3 con cá mập nặng từ vài trăm kg đến hơn một tấn, gần khu vực người tắm biển bị cá cắn.
Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, có thể quy hoạch cảng, vùng nuôi thủy sản của Bình Định chưa hợp lý, quá gần bờ và khu dân cư nên thu hút cá mập khổng lồ vào sát bờ biển. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng có thể là một nguyên nhân.
Tỉnh Bình Định mới đây đã "cầu cứu" Bộ Khoa học công nghệ hỗ trợ xúc tiến một đề án nghiên cứu tình hình cá mập vào sát bờ và tấn công con người; để có cơ sở đưa ra những giải pháp phòng chống phù hợp.
Minh Thảo (VnExpress)
Bình luận (0)