Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cả nước chung tay phòng chống dịch sởi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chị Nguyễn Thị Yến đang chăm sóc con trai bị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: B.VÂN
Các chuyên gia về y tế khẳng định thời tiết đông xuân lạnh ẩm là điều kiện thuận lợi cho bệnh sởi phát triển. Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế vừa ra công điện khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh sởi đang có tốc độ lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
TP.HCM: Dịch sởi bùng phát gây quá tải bệnh viện
Sáng 10-2, bệnh nhi Phạm Ngọc Tuấn, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học An Lạc, Bình Tân, TP.HCM nhập viện trong tình trạng sốt cao 39 độ. Cộng thêm hai ngày sốt trước khi nhập viện khiến em sụt đúng 3kg. Mẹ bé Tuấn, chị Đàm Thị Liên đưa đứa con trai 6 tuổi mình mẩy nổi đầy mẩn đỏ ra cầu thang của bệnh viện để tránh cái ngột ngạt của phòng bệnh 7 giường nhưng có đến 14 bệnh nhi.
Đêm cùng ngày, bệnh nhi Mai Nguyễn Thành Long, 15 tháng tuổi, con chị Nguyễn Thị Yến ngụ Vĩnh Lộc, Bình Chánh nhập viện cùng với 4 bệnh nhi khác. Trong khi đó 4 ca nhập viện vào buổi sáng cùng với 5 bệnh nhi cũ khiến phòng 101 của Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 trở nên chật chội, ngột ngạt. Chị Yến nói rằng rất may là buổi sáng hôm con chị nhập viện đã có nhiều bệnh nhi xuất viện, nếu không thì không biết nằm ở đâu cho hết người.
Chị Yến cho hay trong số 14 bệnh nhi ở phòng 101 thì chỉ có duy nhất một bệnh nhi đã được tiêm vaccine mũi đầu tiên, con trai chị và 12 bé còn lại hoàn toàn chưa tiêm mũi vaccine nào, do nhiều nguyên nhân như trẻ bị bệnh khi vào thời điểm tiêm chủng, phụ huynh thiếu kiến thức nên không chủ động đưa con đi tiêm ngừa và cũng có trường hợp kinh tế quá khó khăn nên lơ là việc tiêm ngừa cho con.
Theo kinh nghiệm của người mẹ ở tuổi 34, chị Yến cho biết đã cho đứa con gái 3 tuổi tiêm ngừa các loại vaccine thủy đậu, sởi, viêm não, uốn ván nhưng luôn tiêm ở nơi có nguồn vaccine đáng tin cậy như Viện Pasteur và Bệnh viện ĐH Y dược. Chị rất e ngại việc cho con tiêm chủng ở trạm y tế phường xã vì lo nguồn thuốc không đảm bảo chất lượng và cách bảo quản không đúng tiêu chuẩn.
Tâm lý e ngại trên không riêng gì chị Yến, mà nhiều phụ huynh thật sự hoang mang khi biết việc tiêm vaccine Quinvaxem gây biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong cho một số trường hợp trẻ sau tiêm ở nhiều nơi.
Một bệnh nhi cũng ngụ Vĩnh Lộc, Bình Chánh là bé Nguyễn Văn Tiềm, 19 tháng tuổi. Cậu bé này tính đến ngày 11-2 đã nhập viện từ 6 ngày trước đó. Vì phòng bệnh lúc nào cũng đông nên trong suốt thời gian điều trị, hai mẹ con trải chiếu nằm ở hành lang ngay sát cầu thang cả ngày lẫn đêm. Mẹ bé Tiềm, người phụ nữ 30 tuổi, làm nghề may gia công cho hay một phần con chị hay bị ốm khi vào thời điểm tiêm chủng vào lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi, nhưng nguyên nhân chính khiến chị không muốn cho con đi tiêm chủng vì thấy nhiều trường hợp trẻ tiêm ngừa bị tử vong do vaccine Quinvaxem.
Theo báo cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng thì việc phụ huynh lo ngại đưa trẻ đi tiêm chủng các loại vaccine phòng bệnh, kể cả vaccine sởi, phần nhiều do ảnh hưởng tâm lý sau hàng loạt phản ứng sau tiêm vaccine Quinvaxem.
Hà Nội: Các trường mầm non lo chống dịch

BS đang khám cho bệnh nhi bị sởi tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: N.HUÊ
Từ cuối tháng 12-2013 và đầu năm nay, dịch sởi bắt đầu tấn công tại các tỉnh phía Bắc. Theo thống kê của ngành y tế, trong thời gian cuối năm 2013 và đầu năm 2014 dịch sởi bùng phát chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Bắc như: Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội. Riêng Hà Nội, tại các bệnh viện như Bạch Mai, Nhi Trung ương, Xanh Pôn trẻ mắc sởi được phân thành 2 đối tượng chính. Đó là nhóm trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi và nhóm trẻ mắc sởi trên 9 tháng tuổi.
Đối với nhóm trẻ mắc sởi trên 9 tháng tuổi, đa số là trẻ chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng nhưng chưa đủ liều. Lý giải vấn đề này,  ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, theo quy định, trẻ trên 9 tháng tuổi là đủ điều kiện tiêm vaccine phòng chống sởi. Theo đó, khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, đủ điều kiện về sức khỏe và không mắc các bệnh chống chỉ định với loại vaccine này thì đủ điều kiện tiêm phòng sởi mũi 1 và khi trẻ đủ 18 tháng tuổi thì sẽ tiến hành tiêm phòng sởi mũi 2. Khi nói về vấn đề bệnh sởi quay trở lại trên địa bàn TP.Hà Nội trong thời gian qua, ông Cảm cho rằng những trường hợp trẻ trên 9 tháng mắc sởi chủ yếu là trẻ chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đủ liều. Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy trong tổng số 40 ca sởi đã được xét nghiệm khẳng định dương tính tại Hà Nội có tới 40% các trường hợp mắc bệnh trước đó chưa được tiêm vaccine phòng sởi, 12,5% trường hợp mắc bệnh trước đó đã được tiêm 1 mũi vaccine sởi trước 1 tuổi; các trường hợp còn lại chủ yếu là người lớn không rõ tiền sử tiêm chủng. Theo kết quả giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỉ lệ trẻ mắc bệnh sởi trong số các trường hợp có sốt phát ban nghi sởi là rất cao, trên 70%. Do vậy, khi phát hiện trẻ có sốt phát ban, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị và cách ly kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Để phòng, chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine sởi đầy đủ, đúng lịch. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây có ngày khoa tiếp nhận 15-20 trẻ bị sốt phát ban (nghi sởi) đến khám, phần lớn là bệnh nhi sống ở Hà Nội. Nhiều trẻ mắc sởi chưa được tiêm phòng sởi do bố mẹ lo ngại các tai biến sau tiêm vaccine xảy ra trong năm qua.
Nên cho trẻ tiêm đủ 2 mũi ngừa sởi
Bàn về vấn đề dịch sởi bùng phát trở lại, ông Nguyễn Trần Hiển, chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho rằng nguyên nhân dịch trở lại là do tỉ lệ tiêm ngừa bệnh sởi mũi 2 đạt thấp ở nhiều tỉnh thành. Theo ông Hiển, tiêm ngừa vaccine mũi 1 chỉ đạt mức độ phòng bệnh  80-85%, và ông khẳng định để bảo vệ trẻ cách tốt nhất nên cho trẻ tiêm đủ 2 mũi ngừa sởi vào lúc trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi.
Bệnh sởi quay trở lại với đối tượng là trẻ mầm non, chính vì vậy, các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội rất quan tâm, trú trọng đến công tác phòng chống dịch cho trẻ. Tại Trường Mầm non Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, sau Tết Nguyên đán, dù thời tiết chuyển rét đậm, rét hại nhưng số trẻ đến lớp vẫn đạt tỷ lệ cao. Theo ghi nhận của chúng tôi, tính đến nay, trường chưa có cháu nào nghỉ do bị sởi. Mặc dù vậy, các cô đều nhắc nhở, dặn dò phụ huynh rất kỹ. Nếu cháu nào có biểu hiện sốt, cô giáo khuyên phụ huynh nên để con ở nhà để theo dõi. Còn tại lớp, hàng ngày trước và sau khi ăn, các cháu đều phải rửa tay nhưng nay do có dịch nên việc làm này được quan tâm sát sao hơn. Còn tại Trường Mầm non Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội), cô Nguyễn Khánh Hương, Hiệu trưởng cho hay nhà trường cũng chủ động trong việc phòng chống bằng các hình thức tuyên truyền, nhắc nhở giáo viên quan tâm hơn đối với học sinh.
NGHIÊM HUÊ – BÍCH VÂN
 
Cả nước đã có 3 trẻ tử vong do biến chứng của sởi
Thống kê từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh sởi đã xuất hiện ở một số địa phương như: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, riêng Lào Cai đã có 117 ca bệnh sởi, Yên Bái 99 ca, Sơn La 87 ca, Hà Nội phát hiện 98 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó đã có 40 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi. Đến nay, cả nước đã có 3 trẻ tử vong do các biến chứng của sởi. Bộ Y tế cũng đã có công văn khẩn về vấn đề này. Tuy nhiên, miền Bắc đang bước vào những đợt lạnh mới. Đây cũng là cơ hội cho dịch thủy đậu, dịch sởi bùng phát trở lại.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)