Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa chủ trì cuộc họp nghiệm thu cơ sở dữ liệu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đây là lần đầu tiên một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về đội ngũ giáo viên được xây dựng và đưa vào sử dụng.
Lần đầu tiên một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về đội ngũ giáo viên được xây dựng và đưa vào sử dụng
Cơ sở dữ liệu này cung cấp thông tin về đội ngũ đầy đủ, chính xác và kịp thời; để cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa thiếu, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo.
Gần 53 nghìn cơ sở giáo dục cập nhật dữ liệu giáo viên
Theo ông Nguyễn Sơn Hải (Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT), cơ sở dữ liệu này lưu trữ đầy đủ thông tin của đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên toàn quốc phục vụ thông tin quản lý về đội ngũ cho các cơ quan quản lý giáo dục.
Đến nay, cơ sở dữ liệu đã được triển khai tại 63 sở GD-ĐT, 710 phòng GD-ĐT và 52.900 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên cả nước. Mỗi đơn vị được cấp một tài khoản quản trị để quản lý và sử dụng hệ thống. Dữ liệu đội ngũ được cập nhật từ các cơ sở giáo dục, phòng GD-ĐT sẽ thẩm tra và duyệt dữ liệu từ các trường, sở GD-ĐT sẽ thẩm tra và duyệt dữ liệu của phòng, Bộ GD-ĐT sẽ thẩm tra và phê duyệt dữ liệu của các địa phương. Theo ông Hải, với dữ liệu hiện tại, các cấp quản lý có thể tra cứu, khai thác được những thông tin về số lượng đội ngũ của từng cấp học theo từng tỉnh/thành phố, quận/huyện và nhà trường; theo chuyên ngành đào tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giới tính, dân tộc, đảng viên, trình độ ngoại ngữ, tin học. Cơ sở dữ liệu này cũng chỉ ra được thực trạng thừa – thiếu giáo viên theo định mức, theo môn học của từng trường học, quận/huyện và tỉnh/thành phố.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, cố gắng trong năm 2019, cơ sở dữ liệu đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vận hành thông suốt, được khai thác có hiệu quả, góp phần khắc phục một số bất cập về đội ngũ giáo viên hiện nay, đồng thời hỗ trợ hiệu quả việc xây dựng chính sách cho nhà giáo”. |
Được biết, dù đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nhưng cơ sở dữ liệu đã phục vụ rất tốt cho một số nhiệm vụ phối hợp giữa Bộ GD-ĐT với một số bộ, ngành khác trong thời gian qua như: Thiết kế bảng lương mới cho đội ngũ nhà giáo; thu thập dữ liệu về bình đẳng giới; thống kê số lượng đảng viên trong đội ngũ giáo viên… Trước đây khi chưa có cơ sở dữ liệu, hoạt động thống kê đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện thông qua niên giám hàng năm, thường cuối năm sau mới có số liệu thống kê của năm trước. Điều này gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý. Bức tranh dữ liệu ngành được xây dựng sẽ giúp các cơ quan quản lý ra quyết định quản lý chính xác và kịp thời.
Giải quyết thừa, thiếu giáo viên
Dựa trên cơ sở dữ liệu đội ngũ, hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đang giao Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục xây dựng báo cáo thực trạng giáo viên của từng địa phương để gửi Bộ Nội vụ, các địa phương và báo cáo Chính phủ trước năm học mới. Theo Bộ trưởng, trách nhiệm của ngành giáo dục là chủ động thống kê đầy đủ thực trạng đội ngũ để đề nghị ngành nội vụ có kế hoạch tuyển dụng sát với yêu cầu thực tế và ban hành, tham mưu ban hành các chính sách phù hợp.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần khai thác nguồn dữ liệu có hiệu quả để không chỉ giải quyết bài toán thừa – thiếu giáo viên ở từng địa phương mà còn phục vụ cho công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ, điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm. Muốn khai thác tốt thì nguồn dữ liệu được kê khai từ cơ sở giáo dục phải chính xác, tránh sai sót trong quá trình nhập liệu; tiến tới việc chuẩn hóa dữ liệu, nhập liệu, khai báo.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý tới việc xây dựng công cụ dự báo nhu cầu giáo viên từ cơ sở dữ liệu đội ngũ. Việc này hiện đang được giao cho một nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thực hiện. Theo Bộ trưởng, việc thể hiện được con số dự báo tăng hay giảm số lượng giáo viên cho từng cơ sở giáo dục sẽ giúp các địa phương chủ động bố trí giáo viên, các trường sư phạm chủ động điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo, Bộ GD-ĐT chủ động điều chỉnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Bộ trưởng cho rằng, việc kê khai theo từng trường như hiện nay mới chỉ là bước một của cơ sở dữ liệu đội ngũ, tới đây, mỗi giáo viên phải có mã số định danh riêng để chính giáo viên sẽ là người kê khai, bổ sung các thông tin cần thiết hay thay đổi thông tin nếu có.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)