Tính đến ngày 1.1.2012, trong tổng số hơn 541.103 doanh nghiệp tồn tại về mặt pháp lý trên cả nước, có đến 92.710 doanh nghiệp không thể xác minh được. Thông tin trên được ông Nguyễn Bích Lâm, phó tổng cục trưởng tổng cục Thống kê cho biết trong cuộc họp báo sáng 29.6 tại Hà Nội.
Theo đó, số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, sản xuất kinh doanh là 375.732, doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa hoạt động là 17.547; doanh nghiệp tạm dừng sản xuất kinh doanh là 23.689; doanh nghiệp chờ giải thể là 31.425.
Đáng chú ý, trong số hơn 92.000 doanh nghiệp “ma”, có 91.517 doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 210 doanh nghiệp Nhà nước và 983 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tổng cục Thống kê nhận định, số doanh nghiệp không xác minh được hoặc không tìm thấy thực chất là các doanh nghiệp hoạt động trá hình, thành lập để buôn bán hóa đơn thuế GTGT, không thực hiện nghĩa vụ thuế, không có địa chỉ rõ ràng. Thực chất những DN này không còn tồn tại trong nền kinh tế.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có tỷ lệ DN “ma” lớn so với tổng số DN phải rà soát gồm: TP HCM có 48.531 doanh nghiệp, chiếm 26,8%; Hà Nội 23.174 DN, chiếm 19,7%; Hải Phòng có 3.431 DN, chiếm 26%, Nghệ An có 2.413 DN, chiếm 23,9%, Đắc Nông có 343 DN, chiếm 26,5%.
Với các DN FDI, TP HCM có 760 doanh nghiệp không xác minh được, Hà Nội có 161 DN. Nguyên nhân chính không xác minh được là do thực tế các nhà đầu tư nước ngoài đã làm thủ tục cấp dự án đầu tư, tuy nhiên trong quá trình triển khai vì nhiều nguyên nhân như không xin được đất, chủ DN bỏ trốn…Do đó điều tra viên xuống địa chỉ trong giấy chứng nhận đầu tư nhưng không tìm thấy.
Tổng hợp tình hình 6 tháng đầu năm, ông Bích Lâm cho hay, số DN thành lập mới ước đạt 36.195 DN (giảm 12,5%) và số vốn đăng ký đạt 232.577 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số DN giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 26.324 DN, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó số lượng DN đã giải thể là 4.105 DN, tăng 25.5%, số DN ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 22.219 DN, tăng 1,3%.
Hiện tại, có 31,7% DN dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh với nguyên nhân là nhu cầu thị trường trong nước giảm (67,9%), do khó tiếp cận vốn vay 53,6% và do khó khăn trong mua nguyên liệu đầu vào 49,2%. Khó khăn do tiếp cận vốn và nhu cầu thị trường trong nước giảm lại càng cao hơn đối với DN vừa và nhỏ.
Việt Anh
SGTT.VN
Bình luận (0)