Tại cuộc họp báo chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần IV của Hội Khuyến học Việt Nam, ông Phạm Tất Dong – phó chủ tịch Hội Khuyến học VN cho biết, tính đến nay, cả nước có hơn 7,1 triệu hội viên khuyến học với 10.614 tổ chức hội cơ sở.
Lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam trả lời báo chí về Đại hội Khuyến học lần IV.
Hội viên khuyến học ngày càng tăng
Theo ông Dong, một trong những chỉ tiêu phát triển mà các cấp Hội hướng tới là phải đưa số hội viên lên mức 10% dân số sau năm 2010. Cuối năm 2005, trong cả nước có 3.500.000 hội viên khuyến học. Đến nay, số hội viên đã đạt con số 7.115.513 người. Tính trung bình, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm Hội kết nạp thêm trên 720.000 hội viên mới. Nhờ đó, tại thời điểm này, số lượng hội viên đã chiếm trên 8,5 % dân số cả nước.
Với số lượng hội viên đông đảo như vậy, Hội Khuyến học các cấp đã làm tốt được nhiều việc như Hội đã tổ chức tương đối thường xuyên những hoạt động khuyến học trong từng tổ dân cư, từng thôn bản, khóm ấp như vận động nhân dân học tập theo các lớp chuyên đề tại Trung tâm học tập cộng đồng, quản lý việc học tập của trẻ em trong các buổi tối, nhắc nhở các cháu không tụ tập chơi bời, quậy phá, thực hiện tốt thời khoá biểu học tập ở nhà, quyên góp tiền và đồ dùng học tập giúp cho con em các gia đình gặp khó khăn; xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, khu dân cư hoặc xóm ấp khuyến học, Trung tâm học tập cộng đồng và vận động xây dựng các loại quỹ khuyến học. Thông qua phong trào gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học, số hội viên sẽ tiếp tục tăng nhanh.
Bên cạnh đó, các tổ chức Hội nằm trong các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, các đoàn thể xã hội… tăng lên và số hội viên cũng gia tăng mạnh mẽ. Đây là điều kiện để mở rộng mặt trận khuyến học. So sánh với ngày đầu mới thành lập, số hội viên đã tăng lên 65 lần, con số đó có ý nghĩa quan trọng. Song, quan trọng hơn là cùng với việc tăng về số lượng, cơ cấu thành phần của Hội khuyến học cũng phong phú hơn.
Nếu ngày đầu, 100.000 hội viên chỉ gồm những cán bộ về hưu là chủ yếu, những người lao động ở nông thôn chiếm số đông, thì ngày nay, số hội viên bao gồm cán bộ hưu trí và cán bộ đương chức trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể xã hội, trong các tổ chức phi chính phủ đã tăng lên đáng kể. Số hội viên khuyến học là doanh nhân, nhà giáo, thầy thuốc, chiến sĩ công an, sĩ quan quân đội, nhà từ thiện và các chức sắc tôn giáo, tăng ni, Phật tử, giáo dân của Thiên Chúa giáo… ngày càng nhiều.
48 tỉnh thành có tổ chức hội ở 100% xã, phường
Vào giữa năm 2005, tức là vào thời điểm chuẩn bị Đại hội lần thứ III của Hội, các tổ chức của Hội đã được xây dựng tại 100% tỉnh, thành phố, tại 99,22% quận, huyện, thị xã và tại 94% xã, phường, thị trấn.
Ông Phạm Tất Dong cho biết, lúc bấy giờ, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Đồng Nai, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tây Ninh, Cần Thơ, Ninh Bình, Bắc Giang… đã phủ kín tổ chức của Hội trên 100% quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Đến cuối năm 2005, trong cả nước đã có 124.209 chi hội khuyến học và hàng nghìn Ban Khuyến học trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp và các đơn vị quân đội…. Đến cuối năm 2009, số tổ chức Hội cơ sở là 10.614, số chi hội ở bản, làng, phun sóc, tổ dân phố là 165.990, số tổ chức hội trong trường học là 23.330.
Hiện đã có 48 tỉnh, thành phố đã có tổ chức Hội ở 100% xã, phường, thị trấn. Trong số này phải kể đến những tỉnh có rất nhiều khó khăn về đời sống nhưng đã cố gắng để không kém các tỉnh bạn như Lai Châu, Điện Biên, Kon Tum, Lao Cai, Lâm Đồng, Hà Giang, Cao Bằng, Hoà Bình, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
"Qua thực tiễn, chúng ta nhận thấy rằng, vai trò của chi hội trong các hoạt động khuyến học tại cơ sở rất quan trọng. Các cuộc vận động nhân dân tham gia các lớp học, thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, quản lý học sinh học hành tại nhà ngoài giờ lên lớp… đều có vai trò của các chi hội khuyến học" – ông Dong khẳng định.
Hồng Hạnh / Dan tri
Bình luận (0)