Vào các ngày từ 27 đến 29-6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Đây là kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Đến nay, công tác chuẩn bị tại các địa phương cơ bản đã hoàn thành, hầu hết đều có những phương án dự phòng cho những tình huống bất trắc.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra điểm thi Trường THPT Vị Thanh (Hậu Giang)
Cụ thể, ngày 26-6, thí sinh làm thủ tục dự thi. Trong ngày 27-6, buổi sáng thí sinh dự thi môn ngữ văn và buổi chiều thi toán. Ngày 28-6, buổi sáng các em thi các bài khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và buổi chiều thi ngoại ngữ. Ngày 29-6 là ngày thi dự phòng.
Hà Nội, TP.HCM có lượng thí sinh đông nhất
Cho biết của ông Huỳnh Văn Chương (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) năm nay cả nước có 1.067.391 thí sinh sẽ dự thi tốt nghiệp THPT, tăng không đáng kể so với con số 1.024.063 của năm 2023. Trong đó, số thí sinh tự do là 45.344, tăng 1%. Các tỉnh, thành phố có số thí sinh nhiều nhất gồm: Hà Nội (109.078 thí sinh); TP.HCM (88.196 thí sinh); Thanh Hóa (38.677 thí sinh). Các tỉnh có số lượng đăng ký dự thi ít nhất là: Kon Tum (5.052 thí sinh); Lai Châu (4.211 thí sinh); Bắc Kạn (3.180 thí sinh).
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra điểm thi Trường THPT Tầm Vu (huyện Châu Thành A, Hậu Giang)
Với lượng thí sinh trên, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết huy động lực lượng 11.796 cán bộ coi thi; 810 lãnh đạo điểm thi; 2.430 nhân viên phục vụ điểm thi; 486 chiến sĩ công an trực điểm thi; 59 người tham gia in sao đề; 320 người vận chuyển và bàn giao đề. TP.HCM triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm thi, ban in sao đề thi, ban làm phách, ban chấm thi; bảo mật đề thi, bài thi; phòng chống gian lận trong kỳ thi. Triển khai lực lượng cảnh sát giao thông trực chốt và phối hợp với UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức, Sở Giao thông Vận tải để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại các điểm thi, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác thi và thí sinh đến địa điểm thi đúng thời gian quy định.
Bên cạnh đó, triển khai lực lượng phòng cháy chữa cháy, kiểm tra an toàn cháy nổ; kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra trên các địa bàn có điểm thi. Kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kỳ thi như lộ đề thi, sử dụng kỹ thuật công nghệ cao gian lận thi cử.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc làm việc với TP.HCM về công tác chuẩn bị thi
Tại Hậu Giang Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã dẫn đầu đoàn kiểm tra cơ sở vật chất; khu vực thi, phòng thi, phòng quản lý đề và bài thi, phòng hội đồng; khu vực làm phách, chấm thi tự luận… của các điểm thi Trường THPT Vị Thanh (TP.Vị Thanh) và Trường THPT Tầm Vu (huyện Châu Thành A).
Điểm thi Trường THPT Vị Thanh có số lượng thí sinh lớn của tỉnh với 635 em và 27 phòng thi. Ông Lê Duy Ngọc (Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng thi Trường THPT Vị Thanh) cho hay, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất của điểm thi đã cơ bản hoàn tất. Ngoài phòng thi chính thức còn bố trí 2 phòng thi dự phòng và 2 phòng chờ. Nhà trường cũng đã phổ biến quy chế thi đến tất cả học sinh, giáo viên. Điểm thi Trường THPT Tầm Vu (huyện Châu Thành A) có 442 thí sinh sẽ dự thi tại 19 phòng. Ông Nguyễn Hoàng Trung (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, các điều kiện tổ chức kỳ thi đã được chuẩn bị đầy đủ. Trong đó, công tác ôn tập cho học sinh, đặc biệt là học sinh trung bình, yếu được nhà trường tích cực thực hiện. Trường cũng đã thành lập đội hỗ trợ cho các thí sinh dự thi. Những năm trước, đội hỗ trợ hoạt động rất tích cực và hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn tại buổi làm việc với Đà Nẵng về tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2024
Qua làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định công tác chuẩn bị cho kỳ thi của các điểm này đã được tính toán chi tiết, kỹ lưỡng. Bộ trưởng đánh giá cao công tác ôn tập cho học sinh của các trường, trong đó đã dành sự quan tâm đến từng nhóm học sinh, đồng thời huy động được lực lượng hỗ trợ chu đáo cho các em. Lưu ý chung với các điểm thi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Mặc dù tỉnh Hậu Giang có quy mô thí sinh không lớn song đây là kỳ thi của cả nước nên cần phải cẩn thận tối đa bởi sai sót từ một địa phương sẽ ảnh hưởng đến toàn quốc”.
Về công tác in sao, vận chuyển đề thi, bài thi, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hậu Giang tuân thủ các quy định liên quan đến bảo mật với sự phối hợp tối đa của ngành công an. Người đứng đầu ngành giáo dục yêu cầu tất cả các khâu, các nội dung của kỳ thi đều phải có phương án dự phòng. Đề cập lại việc một vài năm gần đây xuất hiện trường hợp gian lận sử dụng công nghệ cao, Bộ trưởng lưu ý phòng tránh tình trạng này. Trong đó, quan tâm nhắc nhở, tuyên truyền, giáo dục cho học sinh; phát huy tối đa trách nhiệm của cán bộ coi thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc kiểm tra tủ đề thi tại một điểm thi của TP.HCM
Sau Hậu Giang, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng dẫn đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT của Quảng Ngãi. Tại đây, Bộ trưởng và đoàn công tác đã kiểm tra điều kiện tổ chức thi tại điểm thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP.Quảng Ngãi). Đây là điểm thi có số lượng thí sinh lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi năm nay với 884 thí sinh và 36 phòng thi. Năm 2024, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 14.394 thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Tỉnh đã huy động 2.195 cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức thi tại 35 điểm với 635 phòng. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý địa phương đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất tại các điểm thi trong đó có máy phát điện để phòng trường hợp xảy ra sự cố về điện.
Sẵn sàng phương án xử lý các tình huống bất thường
Tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cùng đoàn công tác cũng đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi. Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận thông tin, năm nay Đà Nẵng có 13.561 thí sinh dự thi, trong đó, 787 thí sinh tự do, 12.774 thí sinh đang học lớp 12. Thành phố huy động 2.256 nhân sự tham gia vào các khâu tổ chức.
Sở GD-ĐT đã chủ động phối hợp với công an thành phố thực hiện đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ tại địa điểm in sao đề, điểm thi và chấm thi; vận chuyển và bảo quản đề thi, bài thi an toàn, đề phòng tai nạn giao thông. Tăng cường phòng chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi. Sẵn sàng các phương án dự phòng để xử lý mọi tình huống bất thường có thể xảy ra. Sở này cũng phối hợp với Sở Điện lực đảm bảo nguồn điện trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi; phối hợp với Sở Y tế phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho thí sinh và cán bộ tham gia kỳ thi.
Trước đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác đã tới kiểm tra tại các điểm thi Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP.Đà Nẵng), Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (quận Sơn Trà), địa điểm in sao đề thi, chấm thi tại Đà Nẵng. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị của Đà Nẵng và cho rằng đây là địa phương có nhiều thuận lợi, nhiều kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tuy nhiên vẫn cần hết sức cẩn trọng, chu đáo, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
Thứ trưởng nhấn mạnh vấn đề an ninh đề thi cần được đặt lên hàng đầu. Những gì đã có trong quy chế phải tuyệt đối thực hiện đúng, nếu thấy có thể làm tốt hơn thì cần phải thực hiện để hỗ trợ tối đa cho thí sinh. Cần tiếp tục phổ biến, hướng dẫn để các em thấy rõ được việc nếu mang thiết bị trái phép vào phòng thi thì lợi ích rất nhỏ nhưng hậu quả rất lớn. Ngoài ra, Thứ trưởng lưu ý TP.Đà Nẵng có biện pháp, phương án dự phòng thiên tai, thời tiết bất thường…
Cần Thơ năm nay có 12.886 thí sinh dự thi tại 25 điểm chính thức với 562 phòng và 9 điểm dự phòng. Tất cả điểm thi chính thức và dự phòng đều đảm bảo là khu vực biệt lập, an ninh, an toàn, giao thông thuận tiện. Tại điểm thi Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã kiểm tra các phòng chứa đề thi, bài thi, phòng thi; nhắc nhở công tác niêm phong hệ thống camera, mạng internet, ti vi, hệ thống thu phát tín hiệu…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi kiểm tra một điểm thi tại Yên Bái
Thứ trưởng nhấn mạnh, những năm qua, Cần Thơ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, cần tiếp tục phát huy. Ban Chỉ đạo thành phố cần tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan trong tổ chức thi. Quan tâm hỗ trợ thí sinh; phổ biến kỹ quy chế, tránh trường hợp vi phạm như mang điện thoại vào khu vực thi; lưu ý vấn đề gian lận thi bằng thiết bị công nghệ cao.
Theo bà Lê Thị Thùy Dung (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ), công tác hỗ trợ thí sinh dự thi được thành phố quan tâm. Hầu hết các thí sinh dự thi đều được tạo điều kiện bố trí địa điểm thi gần với nơi cư trú hoặc học tập. Chỉ có một số nhỏ thí sinh dự thi ở xa nơi đang học tập hoặc cư trú do phải thi ghép với thí sinh trường khác. Song các em được tổ chức xe đưa đón đến nơi dự thi đảm bảo an toàn, được cung cấp các suất ăn miễn phí, chỗ trọ miễn phí.
Các trường phối hợp với cơ quan, đoàn thể, địa phương thực hiện vận động xã hội hóa để hỗ trợ bữa ăn, nước uống, dụng cụ học tập, hỗ trợ học bổng cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo… trong những ngày ôn thi và ngày thi. Đến nay, các trường đã tiếp nhận được hơn 166 triệu đồng tiền mặt, 830 ký gạo và nhiều nhu yếu phẩm phục vụ hỗ trợ suất cơm trưa miễn phí cho học sinh trong thời gian ôn thi và trong những ngày thi chính thức.
Đối với cán bộ coi thi, phần lớn được phân công nhiệm vụ tại các điểm thi với bán kính không quá 10km. Một số ít cán bộ coi thi được phân công tại các điểm thi xa nơi cư trú thì được bố trí chỗ ở gần địa điểm thi đồng thời được đưa đón đến điểm thi. Địa phương cũng phân công lực lượng y tế phối hợp, hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các điểm thi, điểm in sao đề, điểm chấm thi; bố trí các phòng thi dự phòng tại mỗi điểm thi để xử lý các trường hợp bất trắc.
Không để học sinh phải bỏ thi vì khó khăn
So với cả nước, Lào Cai là tỉnh miền núi, thường xuyên xảy ra sạt lở, lũ quét. Do đó, địa phương này đã xây dựng phương án đưa học sinh ở xa về gần điểm thi, bố trí chỗ ở cho học sinh trong trường hợp thời tiết xấu cũng như các tình huống bất thường khác. Tại buổi làm việc với địa phương này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đánh giá cao việc tỉnh đã nhận định được những khó khăn thực tế của địa phương để xây dựng nhiều phương án dự phòng nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai Dương Bích Nguyệt cho biết, năm nay, Lào Cai có 8.385 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại 368 phòng thuộc 26 điểm; khoảng 1.800 cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức thi. Tất cả lực lượng tham gia tổ chức thi đều được quán triệt, phổ biến quy chế thi, tổ chức kiểm tra nghiệp vụ; kiên quyết không để cán bộ tham gia tổ chức thi không nắm được quy chế. Các trường thành lập tổ công tác đặc biệt để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh học sinh nhằm có giải pháp hỗ trợ kịp thời; không để học sinh nào phải bỏ thi vì hoàn cảnh khó khăn.
Với Yên Bái, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận việc phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành trong chuẩn bị tổ chức kỳ thi; phân công rõ người rõ việc; tuân thủ đúng quy định, quy chế, trách nhiệm ở tất cả các khâu. Thứ trưởng lưu ý tất cả cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi phải được tập huấn kỹ về nghiệp vụ, thực hiện đúng, nghiêm túc quy chế thi. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia phải là những nhân sự có ý thức, trách nhiệm cao, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho kỳ thi.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái Tô Thị Ánh, năm nay, toàn tỉnh có 8.718 thí sinh dự thi (trong đó có 374 thí sinh tự do) với trên 1.800 cán bộ thực hiện công tác coi thi. Để kỳ thi đạt kết quả cao, ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện dạy học, kiểm tra định kỳ theo đúng kế hoạch năm học trong đó chú trọng đối tượng học sinh cuối cấp. Cử giáo viên từ trường vùng thấp, vùng thuận lợi hỗ trợ ôn thi cho học sinh các trường vùng cao, vùng khó khăn.
Đến thời điểm này, toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia kỳ thi đã được tập huấn, thông tin, tuyên truyền đầy đủ về quy chế thi. Đặc biệt là những thông tin về nghiệp vụ tổ chức thi; những điểm mới của kỳ thi, công tác tuyển sinh năm 2024; kinh nghiệm phòng chống gian lận công nghệ cao… nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Ban chỉ đạo kỳ thi cấp tỉnh còn xây dựng các phương án nhằm hỗ trợ những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh ở xa để đảm bảo quyền lợi các em. Hiện khoảng 2.000 lượt thí sinh tham dự kỳ thi đã được hỗ trợ dưới nhiều hình thức: Ôn tập bồi dưỡng kiến thức, kinh phí, nơi ăn – nghỉ, xe đưa đón…
Mê Tâm
Bình luận (0)