Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cà phê “bạn của nhà nông”

Tạp Chí Giáo Dục

Hứa Vũ Bằng (trái) cùng GS. Võ Tòng Xuân tại lễ trao giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2013

Những câu chuyện đồng áng hoàn toàn có thể được các nhà nông mang vào một không gian – quán cà phê – dành riêng cho chính họ. Đây là một trong những ý tưởng khởi nghiệp được đánh giá là mới lạ của bạn Hứa Vũ Bằng (sinh viên năm cuối ngành kinh tế – quản trị, Trường ĐH Đồng Tháp) tham gia giải thưởng tài năng Lương Văn Can năm 2013.
Theo ý tưởng này, sẽ có chuyên viên khuyến nông được tuyển chọn nhằm hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông nghiệp cho nông dân. Đây chính là điểm khác biệt nổi trội trong mô hình cà phê khuyến nông của bạn Hứa Vũ Bằng so với những hình thức cà phê giải khát thông thường khác.
Giá “mềm”, lợi ích lớn
Vũ Bằng lý giải: “Cà phê buổi sáng là một thói quen của nhiều người nông dân. Họ đến quán không chỉ để giải khát mà còn chia sẻ những câu chuyện từ chăn nuôi heo gà, trồng trọt, rau củ đến giá cả, năng suất, kỹ thuật phòng ngừa sâu bệnh, dịch hại…, kể cả những thông tin thời sự xã hội. Việc mở ra một không gian riêng để nhà nông trao đổi kinh nghiệm, cập nhật mới kiến thức sản xuất là vô cùng cần thiết”.
Bên cạnh đó, đây còn là địa điểm tổ chức hội thảo truyền đạt kiến thức nông nghiệp cho nông dân. “Khi có hội thảo hay quảng bá sản phẩm, các công ty chủ yếu phải mượn nhà dân để tổ chức nên không gian nhỏ hẹp, không cố định, máy móc không đầy đủ…”, Vũ Bằng nói. Vì vậy, theo bạn, cà phê khuyến nông cũng sẽ là địa điểm thích hợp diễn ra các hội thảo.
Nhằm vào đối tượng là nông dân nên mức giá phục vụ cũng khá “mềm”, thấp nhất chỉ khoảng 8 ngàn đồng/ly cà phê. Để định mức giá này, Vũ Bằng cho biết đã tự khảo sát và nhận thấy, giá thấp nhất của mỗi ly cà phê tại các quán ở địa phương là 6 ngàn đồng. “Với 8 ngàn đồng cho đi, những giá trị mà các khách hàng nông dân nhận lại cũng không ít: Hỗ trợ sách báo, tài liệu, kiến thức canh tác… Riêng “chủ quán” cũng có được phần lợi nhuận ổn định” – Vũ Bằng hóm hỉnh nói. Ngoài ra, vào mùa thu hoạch, quán còn có ý tưởng phục vụ các chương trình giải trí đàn ca tài tử giúp nông dân giải trí, lấy lại sức sau một ngày làm đồng vất vả.
“Bạn của nhà nông”
Địa điểm thuận lợi và có thể trở thành thị trường tiềm năng để đặt quán cà phê của Vũ Bằng chính là gần chợ, bởi theo bạn, vào thời điểm sáng sớm, những nhà nông thường có thói quen đưa vợ đi chợ. Trong lúc đợi vợ mua bán, họ thường uống cà phê và bàn chuyện làm đồng áng.
“Khách hàng tiềm năng của quán còn là các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu… muốn tổ chức hội thảo, hội nghị. Quán sẽ cung cấp những thiết bị như máy tính, máy chiếu, màn chiếu hỗ trợ công tác tổ chức. Đồng thời còn nhận gửi thư mời dự hội thảo của công ty đến nông dân”, Vũ Bằng phân tích.
Cũng theo Vũ Bằng, ở Đồng Tháp hiện đang có rất nhiều công ty phân bón, thuốc trừ sâu cần tìm một địa điểm thuận lợi để giới thiệu sản phẩm, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và lồng ghép quảng bá sản phẩm. Vì vậy, mô hình cà phê khuyến nông khả năng sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Hiện đang khá bận rộn với việc học và chuẩn bị thi tốt nghiệp nên ý tưởng cà phê của bạn sẽ được thực hiện vào năm sau. Việc tìm kiếm nguồn tài trợ cũng là một khó khăn lớn bởi tại địa phương cơ hội tiếp cận doanh nghiệp khá hạn chế. Tuy nhiên, Vũ Bằng quyết tâm tìm mọi cách để đưa ý tưởng của mình ra thực tế.
“Đây là ý tưởng khởi nghiệp đầu tay nên chưa hẳn đã thành công ngay. Nếu có thất bại thì tôi cũng sẽ cố gắng sửa sai để bước tiếp vì kinh doanh đối với tôi chính là niềm đam mê lớn nhất. Quan trọng, tôi học được rất nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp quý báu” – Vũ Bằng bộc bạch.
Chàng sinh viên trẻ còn thổ lộ rằng, ai cũng trải qua thất bại dù lớn hay nhỏ thì mới có được thành công, không phải ai cũng thuận lợi ngay từ bước đầu khởi nghiệp. Ngay cả những doanh nhân thành đạt hiện nay có lẽ ít nhiều họ cũng đã chạm phải những thất bại và rất nỗ lực vượt qua chúng!
Bài, ảnh: Thục Trân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)