Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cà phê – kiểu gì cũng kêu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giá cà phê đang lên cao so với nhiều thập niên trước nhưng người nông dân vẫn thua thiệt, lợi nhuận từ hạt cà phê chỉ được giành rất ít cho người làm ra nó.

Nông dân thường bán cà phê khi giá thấp.

Niên vụ 2010 – 2011, giá cà phê có biên độ dao động rộng từ 30.000 đến 51.000 đồng mỗi ký. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu đạt hơn 1,9 tỉ USD với 800.000 tấn cà phê.

Thiếu vốn, người trồng cà phê chịu thiệt
2009-2010, là niên vụ khó quên đối với người trồng cà phê của cả nước, giá cà phê tụt “không phanh” xuống mức 21.000-22.000 đồng/kg. Để giảm bớt một phần thiệt hại cho nông dân, Chính phủ đã đồng ý cho mua 200.000 tấn cà phê dự trữ, thời hạn 6 tháng với lãi suất thu mua tạm trữ là 6%. Chương trình ra đời đúng lúc nhưng quá trình triển khai về các DN và đến tay người nông dân còn nhiều bất cập.
Ông Trần Minh Tâm, GĐ Cty cà phê Ea Tur ở Đăk Lăk phân tích: Chương trình của Chính phủ là không biệt đối tượng được vay lãi suất thu mua tạm trữ, thực tế thì nguồn vốn đó chỉ dành cho các DN xuất nhập khẩu, còn đơn vị sản xuất như chúng tôi thì không, dẫn đến chênh lệch trong quá trình cạnh tranh.
Doanh nghiệp mua tạm trữ lúc nông dân chốt ở giá thấp, đến lúc giá cao thì DN bán ra hưởng lợi. Mục tiêu quan trọng nhất là làm lợi, hỗ trợ về giá cho nông dân lại chưa đạt được dù chương trình mua tạm trữ rất phù hợp với thực tế.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu hỗ trợ vốn trực tiếp cho người trồng cà phê thì sẽ hợp lý hơn. Bởi, khi đó nông dân không bị áp lực về vốn nên khi nào giá cao thì bán, còn giá thấp thì lưu kho.
Mới đây, người trồng cà phê lại phải nhiều phen tiếc nuối vì giá biến động. Đầu vụ giá chỉ 29.000 đồng/kg, đến khi giá lên 40.000 đồng/kg thì hơn nửa cà phê trong dân đã được bán ra để mua sắm vật tư chăm sóc cho vườn cà phê vụ tới. Và khi cà phê đạt mức giá kỷ lục trên 50.000 đồng/kg thì lượng cà phê trong dân đã cạn, chỉ còn ở các đại lý thu mua và DN. Như vậy, nguồn lợi từ giá cao lại không thuộc về hơn 500.000 hộ sống với nghề trồng cà phê.
Ngăn sông, cấm chợ?
Việc hàng loạt vụ vỡ nợ nông sản lớn ở Tây Nguyên những năm gần đây khiến không ít hộ nông dân ký gửi cà phê tỏ ra hoang mang, mất niềm tin khi đi ký gửi, trong khi nhiều hộ lại không có kho bãi để tích trữ. Năm 2008, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (Viết tắt là BCEC) khai trương, giúp cho người nông dân yên tâm hơn khi ký gửi. Nhưng đến nay, BCEC chỉ có 49 thành viên là nông dân.
Đầu năm 2011, sàn giao dịch cà phê kỳ hạn chính thức đi vào hoạt động nhưng cũng khó kéo nông dân lên sàn. Ông Võ Thanh Châu, PGĐ BCEC cho biết: “Từ khi sàn giao dịch cà phê kỳ hạn hoạt động, số lượng giao dịch khớp lệnh rất ít, trên 3.000 lô (mỗi lô 2 tấn). Hiện, sàn chưa có thành viên là nông dân vì họ thiếu nhiều điều kiện như: vốn điều lệ đăng ký lớn… Vì vậy, muốn thực hiện giao dịch kỳ hạn, người nông dân phải thông qua các công ty môi giới”.
Mọi hoạt động mua bán của các hộ trồng cà phê vẫn là phương thức truyền thống – bán cho các đại lý hoặc DN thu mua nông sản. Gần đây, nhiều DN nước ngoài vào trong nước thu mua nên đã góp phần đẩy giá lên cao. Người nông dân được lợi nhưng không ít DN trong nước kêu than…
Trước tình hình đó, Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng: Việc tổ chức mạng lưới thu gom cà phê trực tiếp của các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay, là trái quy định và có thể dẫn tới “bức tử” các doanh nghiệp nội. Và đã kiến nghị lên các sở ngành chức năng xem xét.
Việc nông sản của nông dân bán được giá ra thị trường là tín hiệu mừng nhưng Vicofa lại cho rằng trái quy định, ảnh hưởng đến các DN trong nước, Liệu có phải là hoạt động “ngăn sông, cấm chợ”?
Lê Kiến / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)