Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cá sấu nuôi lại “xấu” đầu ra

Tạp Chí Giáo Dục

Giá cá sấu thương phẩm hiện ở mức thấp nhất, chỉ còn 50.000 – 60.000 đồng/kg tùy loại, sau khi đạt mức 250.000 đồng/kg hơn 1 năm về trước.

Bài học cũ

Khi thương lái đẩy giá mua cá sấu thương phẩm lên 250.000 đồng/kg và mua tất tần tật các loại cỡ cá sấu, người nuôi có lợi nhuận rất cao. Do vậy, chỉ một thời gian ngắn, diện tích chuồng trại nuôi cá sấu “nở” ra ồ ạt như phong trào. Giá cá sấu giống từ khoảng 350.000 đồng/con, tăng lên 500.000 đồng, rồi 600.000 đồng/con. Do bị cuốn theo phong trào nên chỉ sau thời gian ngắn, lượng cá sấu hàng hóa tăng đột biến, riêng Cà Mau có gần 300.000 con và TPHCM cũng khoảng 200.000 con. Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Hợp tác xã Xuân Lộc (quận 12, TPHCM), Chủ tịch Làng nghề Cá sấu Sài Gòn, cho biết khi phong trào nuôi cá sấu rầm rộ từ năm trước, chúng tôi đã lo ngại và cảnh báo tình hình tồi tệ sẽ xảy ra.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, chúng tôi đã chứng kiến bài học cũ cứ lặp lại. Chuyện thương lái Trung Quốc đẩy giá mua lên cao, khi người dân đổ xô nuôi nhiều thì dìm giá xuống ngay. Lúc này người nuôi hoang mang, tìm cách bán gấp nên càng bị ép giá. Cá sấu càng lớn, giá càng thấp; như trọng lượng dưới 10kg/con, giá mua 90.000 đồng/kg; từ 10 – 15kg, giá 70.000 đồng/kg; từ 15 – 25kg, giá 60.000 đồng/kg; loại 25 – 35kg/con, chỉ còn 50.000 đồng/kg.

Với người Trung Quốc, cá sấu được xem là mặt hàng thực phẩm chức năng có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường thể lực. Những nghiên cứu của GS-TS Bùi Văn Miên (Đại học Nông Lâm TPHCM) và Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty Cá sấu Hoa Cà (cùng HTX Xuân Lộc hình thành Làng Cá sấu Sài Gòn) cho thấy, thịt cá sấu có đến 23 loại acid amin nhưng người Việt hầu như chỉ sử dụng da để sản xuất làm đồ dùng, hàng thời trang chứ chưa quen ẩm thực các món chế biến từ cá sấu

Chế biến da cá sấu tại Làng nghề Cá sấu Sài Gòn

Cái hại của lợi trước mắt

Đầu những năm 2000, xác định cá sấu là một trong những vật nuôi có thế mạnh nên TPHCM đã thành lập Làng Cá sấu Sài Gòn để thu hút người nuôi tham gia hợp đồng, làng nghề cam kết bao tiêu sản phẩm với giá sàn 120.000 đồng/kg, nhằm ổn định đầu ra bền vững cho người nuôi. Ngoài ra, làng nghề còn đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn nhằm chế biến cá sấu thương phẩm, thay vì chỉ bán “thô” cho thương lái Trung Quốc. Bốn doanh nghiệp lớn của TPHCM còn được cấp quota xuất khẩu cá sấu. Rất tiếc, do chạy theo lợi nhuận, khi giá cá sấu thương phẩm trên thị trường bị đẩy lên mức cao, số người ký hợp đồng với Làng Cá sấu Sài Gòn phá vỡ cam kết rất nhiều, bán hết ra ngoài, chỉ còn 3 trong số gần 40 người ký hợp đồng nuôi gia công gắn bó với làng nghề. Thời điểm đó, làng nghề gặp khó khăn vì giá tăng quá cao, thiếu nguyên liệu chế biến.

Đến tháng 9-2016, các doanh nghiệp xuất khẩu 18.805 con (10.407 con cá sấu sống, 7.398 tấm da muối và 1.000 tấm da thuộc) đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Georgia.  Giá trị ước khoảng 56,4 tỷ đồng.

Còn hiện nay, với giá con giống 500.000 đồng, nuôi 2 – 2,5 năm mới đạt 20kg/con và cần khoảng 80kg thức ăn (12.000 đồng/kg), nên việc bán cá sấu nguyên con cầm chắc lỗ. Nhưng với những hộ gắn bó Làng Cá sấu Sài Gòn, vẫn được mua theo giá sàn 120.000 đồng/kg, vì khi chế biến (thịt làm thực phẩm, thuộc da để chế biến…) giá trị 1 con cá sấu tăng thêm mấy lần. Với phần da chiếm khoảng 80% giá trị, khi chế biến sâu, làm ra các mặt hàng như dây nịt, ví da, bóp, túi xách… giá trị còn tăng rất nhiều. Hiện nay, ngoài thịt làm các món ăn, xương cá sấu được nấu cao, trở thành loại thực phẩm chức năng chữa bệnh xương thủy tinh, hiệu quả bất ngờ và đang trong quá trình sử dụng cho các bệnh thuộc về xương khớp.

Tuy nhiên, khi được hỏi có giải pháp gì để giúp một phần cho người nuôi cá sấu vào thời điểm này, ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty Cá sấu Hoa Cà, cho biết có thể thu mua cho bà con nhưng mua về phải giết mổ lấy thịt để chế biến, xương nấu cao, còn bộ da thì dự trữ là giải pháp khả thi, nhưng cái khó của làng nghề là không có cơ sở thuộc da. Hơn 3 năm trước, làng nghề liên hệ với Bộ Công thương xin cấp giấy phép xây nhà máy nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời. Thuộc da là lĩnh vực làm môi trường ô nhiễm nặng nên bị hạn chế việc cấp giấy phép. Nhưng cần giám sát chặt việc xử lý nguồn nước thải thay vì ngưng hay hạn chế cấp giấy phép. Thực tế, để đáp ứng nhu cầu thuộc da cho các nơi, xuất hiện nhiều cơ sở thuộc da “chui” nên càng khó kiểm soát và tác hại đến môi trường nhiều hơn.

CÔNG PHIÊN (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)