Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ca sĩ ảo khó làm nên chuyện!

Tạp Chí Giáo Dục

Ca sĩ AI (ca sĩ ảo) hiện không xa lạ với âm nhạc các nước phát triển và sự xuất hiện của ca sĩ ảo cũng chỉ là bước đi được đoán trước ở thị trường nhạc Việt

Khán giả nhạc Việt từng chào đón 2 ca sĩ ảo Michau và Damsan tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP HCM lần thứ 2 – Hò Dô 2022. Michau, Damsan đã biểu diễn bên cạnh những cái tên như Vũ Cát Tường, Ngọt, Đinh Hương, Tùng Dương, Soobin Hoàng Sơn, ban nhạc ngoại quốc Leonid & Friends.

Lấn sân sang nhiều lĩnh vực nghệ thuật

Tại Hò Dô 2022, Michau và Damsan xuất hiện trên màn hình chính, bên cạnh là ban nhạc và vũ công đứng xung quanh. Nếu Michau khoe giọng nội lực trong "Losing you" thì Damsan đưa khán giả đến với hành trình đi tìm nữ thần mặt trời trong "Don’t look back".

Theo ông Nguyễn Tiến Huy, Tổng Giám đốc Pencil Group (đơn vị sáng tạo ra Michau và Damsan), hình tượng 2 ca sĩ ảo được lấy cảm hứng từ truyện cổ Việt Nam là truyền thuyết Trọng Thủy – Mỵ Châu và sử thi Đam San. Cả hai được tạo hình bằng công nghệ trình chiếu hologram. Giọng hát được xử lý từ phần thu âm của ca sĩ thật, sau đó chuyển thành âm thanh ảo. Các ca sĩ thu âm cho Michau và Damsan đều phải giấu mặt, không được công khai danh tính.

Sau khi biểu diễn tại Hò Dô 2022, khán giả vẫn chưa thấy Michau và Damsan phát hành sản phẩm âm nhạc như lời quảng cáo trước đó. Tuy nhiên, khán giả nhạc Việt lại chào đón một ca sĩ ảo khác: Ann. Theo đơn vị sáng lập, Ann là sự kết hợp giữa thuật toán AI và các âm thanh thật. Nhờ đó, nữ ca sĩ có chất giọng và âm sắc riêng biệt. Dẫu vậy khán giả nhận định: "Ann chỉ ở mức "ca sĩ mạng" chứ chưa thể xem là ca sĩ chuyên nghiệp vì cách xử lý bài hát khá đơn giản, không tinh tế và cảm xúc. Biểu cảm của Ann khi xuất hiện trong MV cũng đơn điệu với gương mặt lạnh lùng, không cảm xúc ở mọi cảnh quay".

Ca sĩ ảo khó làm nên chuyện! - Ảnh 2.

Ra mắt ca sĩ ảo Ann với MV “Làm sao nói thương anh”. Ảnh: Minh Hạnh

Trên thế giới, đã có nhiều ca sĩ ảo trở thành thần tượng, thu hút lượng người hâm mộ đông đảo như Hatsune Miku (Nhật Bản), Lạc Thiên Y (Trung Quốc), Apoki (Nhật Bản)… Trong số này, Apoki (Nhật Bản) ra mắt năm 2019, là thần tượng ảo đầu tiên của công ty đồ họa Afun Interactive. Apoki được giới thiệu là ca sĩ, vũ công, YouTuber, Influencer (người có sức ảnh hưởng) và đã phát hành các MV "Get it out", "Coming back", "Shut up kiss me"… Apoki hiện có 290.000 người đăng ký, 3,8 triệu người theo dõi trên TikTok. Tại Trung Quốc hồi tháng 6-2022 một ca sĩ ảo Luo Tianyi cũng tạo nên xu hướng thần tượng mới của giới trẻ. Tianyi được tạo hình là cô gái 15 tuổi với bím tóc xám, đôi mắt xanh lá cây và hiện có tới hơn 5 triệu người theo dõi trên Weibo.

Không thể thay thế ca sĩ thật

Ưu điểm lớn nhất của ca sĩ ảo chính là việc người ta có thể lập trình cho giọng hát hay ngoại hình của ca sĩ. Giới đầu tư cho rằng một ca sĩ ảo sẽ là bài toán an toàn cho đơn vị quản lý khi vấn đề "scandal" cùng khái niệm "phong sát" đang là từ khóa hot của ngành giải trí hiện nay. Với một ca sĩ ảo, đơn vị quản lý không cần đau đầu lo lắng việc "gà nhà" dính vào những tai tiếng về đời tư. Mặt khác, ca sĩ ảo có thể trình diễn liên tục mà không bị ảnh hưởng về sức khỏe, tuổi tác, kỹ năng.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, ca sĩ ảo là một hướng phát triển tất yếu của làng giải trí hiện đại. Nhưng suy cho cùng đó cũng là một phương thức giải trí mới làm phong phú hơn sự lựa chọn của khán giả mà thôi. Bởi ca sĩ ảo là sản phẩm của công nghệ nên chúng ta chỉ có thể nghe cho vui chứ không thể có được những xúc cảm mà ca sĩ thật thả vào ca khúc. "Tôi cho rằng ca sĩ ảo hay nghệ sĩ ảo là một hướng phát triển độc đáo cho nền giải trí nhưng không thể thay thế nghệ sĩ, ca sĩ thật" – nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng anh phấn khích bởi những giọng ca ảo và ca sĩ ảo sẽ tránh được những ồn ào, bê bối cá nhân. Nhưng ca sĩ ảo sẽ không thể cạnh tranh được với ca sĩ thật vì có nhiều hạn chế. Ví dụ như ca sĩ ảo không thể đi diễn, không thể giao lưu với khán giả. Ca sĩ – nhạc sĩ Anh Tuấn (thành viên nhóm MTV) bổ sung: "Ca sĩ ảo sẽ không thể đem lại cảm xúc, cảm giác thật cho khán giả nên không thể thay thế ca sĩ thật".

Những người trong cuộc cho rằng ca sĩ ảo cũng chỉ là những cỗ máy biết biểu diễn mà thôi. Những giọng ca ảo thần tượng như Hatsune Miku (Nhật Bản), Lạc Thiên Y (Trung Quốc), Adam (Hàn Quốc)… đều gây được sự chú ý ở thị trường trong thời gian đầu nhưng sau đó nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Theo Thùy Trang/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)