Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ca sĩ “đánh bóng tên tuổi” bằng scandal

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Scandal của nhạc sĩ Nhất Trung kiện ca sĩ Tim đơn phương chấm dứt hợp đồng làm thiệt hại của anh gần…10 tỷ. Ảnh: S.M

Khi nền công nghiệp âm nhạc thời @ phát triển thì việc tiếp thị và quảng cáo tên tuổi là điều không thể thiếu. Thế nhưng, thời gian qua các ca sĩ đã làm đau đầu giới truyền thông lẫn các nhà quản lý nghệ thuật bằng hàng loạt scandal không lành mạnh.
Muôn hình vạn trạng
Có thể nói, các ca sĩ ngày nay đều ý thức rõ thế mạnh của công nghệ giải trí nên dù đã là “sao” hay mới chập chững bước vào nghề, họ đều áp dụng “chiêu thức” scandal để “đánh bóng” mình.
Trước đây, khi mới bước chân vào làng nghề, ca sĩ luôn nghiêm túc giữ mình, giữ tiếng để còn được công chúng yêu thương. Thế nhưng với sự phát triển quá nhanh của công nghệ giải trí đã có nhiều thay đổi. Dù ai cũng biết rõ cái giá phải trả cho những scandal là như thế nào, ca sĩ vẫn chấp nhận chúng cho mục tiêu của họ. Ngoài những scandal do vô tình vướng phải, ca sĩ bây giờ còn chủ động tạo ra scandal, chủ động đẩy scandal đến mức họ mong muốn. Vụ hở “nội y” của ca sĩ Quách Thành Danh cũng đủ khiến cho mọi người bàn tán. Ngôi sao ca nhạc Ngọc Sơn sau thời gian đúc tượng mình trước cổng biệt thự nay thay vào đó là “5 điều của Ngọc Sơn” rồi liên tục trả lời báo chí về vụ việc hiến xác cho khoa học, gần đây nhất là vụ chat sex cùng với người tình… Hai ca sĩ “ladyboy” (chuyển đổi giới tính) Cindy Thái Tài và Cát Tuyền cũng xôn xao dư luận, từ các bài báo khiến những người chưa bao giờ biết đến tên của hai ca sĩ này cũng tò mò mua đĩa về xem, nghe. Các phòng trà cũng tổ chức những đêm nhạc cho họ đứng cùng với một số ngôi sao thu hút đông đảo khán giả đến “xem”. Chuyện của hai “ladyboy” này đang làm “nức lòng” giới “ladyboy” Việt Nam. Có lẽ chính bản thân họ cũng không thể nghĩ rằng một ngày nào đó họ có thể đường hoàng được giao lưu trực tuyến với khán giả để có thể kể tỉ mỉ chuyện giải phẫu như thế nào, đau đớn ra sao hoặc không thể hình dung ra một ngày họ có thể sánh vai cùng các ngôi sao ca nhạc hàng đầu trong một chương trình chuyên nghiệp… Một dạng khác là kiện tụng nhau: ca sĩ kiện nhà báo, bầu show kiện ca sĩ và chuyện giành giât ca sĩ độc quyền, chụp ảnh nude làm từ thiện, tung ảnh nóng lên mạng, đạo nhạc… Những chiêu thức ấy cũng vô tình gây nên sự chú ý của công chúng… “Chuyện tình” của ca sĩ T. – Q. “xảy ra” sau một chuyến đi lưu diễn, sau đó được báo chí tin rằng họ yêu nhau bằng các ảnh bìa, bài phỏng vấn nóng, ai không muốn quan tâm cũng phải quan tâm. Nối tiếp sự ủng hộ, họ tiếp tục trình làng một CD cũng mang tên ca khúc đang rất ăn khách của mình và bán chạy như tôm tươi. Nhưng rồi, T. công bố việc đính hôn với một doanh nhân người nước ngoài, rồi chia tay với khá nhiều nước mắt và hiện tại cô đang “cặp kè” với một cô người mẫu của đất Hà thành, nhưng cô đang ra sức phủ nhận. Mới đây nhất là vụ đình đám của T. với hai học trò của mình: tranh chấp ca khúc độc quyền và mâu thuẫn dẫn đến sự ra đi của ca sĩ độc quyền. T. luôn nằm trong tầm ngắm của khán giả với khá nhiều “hoạt động bên lề” như vậy. Tương tự một “ông bầu” khác cũng khá mát tay trong công nghệ “thổi sao” là nhạc sĩ Q. với ca sĩ Ư. Nhạc sĩ Q. thuê hẳn một ê kíp chuyên nghiệp đến từ Hồng Kông, Hàn Quốc, rồi tung ra thông tin ảo về lượng đĩa phát hành; tung “tin vịt” đủ mọi chuyện của chàng ca sĩ này làm giới báo chí, fan hâm mộ một phen hốt hoảng, sau đó lại đính chính này nọ trên báo. Thế nhưng, hiện nhạc sĩ Q. và ca sĩ Ư. cũng đã “đường ai nấy đi”.
Những điều cần nói…
Không ai phủ nhận sự tồn tại của công nghệ đánh bóng trong công nghiệp âm nhạc, bởi nhờ nó mới có sự xuất hiện của nhiều ngôi sao trẻ trong một “biển rừng” ca sĩ như hiện nay. Điều đáng nói ở đây là ứng dụng công nghệ như thế nào cho đạt hiệu quả thật sự và ít rủi ro nhất. Những tính toán hợp lý sẽ giúp tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức so với việc cứ vung tiền qua cửa sổ. Những scandal tự tạo nên có điểm dừng kịp thời hoặc sẽ trở thành lố bịch khi bị phát hiện. Vì vậy, nên vận dụng công nghệ này như thế nào để đừng trở thành một con dao hai lưỡi, đó mới là điều khó. Về vấn đề này, nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Phó tổng thư ký Hội Âm nhạc TP.HCM cho biết: “Theo tôi, chiêu thức dùng scandal đánh bóng tên tuổi của các ông bầu cho ca sĩ độc quyền của mình hoặc cá nhân ca sĩ chủ yếu để tìm doanh thu chứ không nghĩ tới vai trò tác động nghệ thuật đối với đời sống con người. Mặt khác, với một ca sĩ, quan trọng nhất là bên cạnh tài năng, còn phải được học hành đến nơi đến chốn, nhất là phải có tâm hồn yêu nghề để phục vụ khán giả. Lăng xê mà không thận trọng sẽ khiến cho nhiều người lầm tưởng đi vào con đường nghệ thuật quá dễ dàng. Mà thật ra con đường đến với nghệ thuật đầy chông gai, lắm cay đắng. Nhiều người thật sự tài năng đến gần cuối đời mới được công nhận là ngôi sao. Còn âm nhạc bây giờ nhiều “sao” quá, mà hầu hết là “sao xẹt”. Cần phải giáo dục cho các bạn trẻ thấy rằng ca sĩ vừa phải có tài năng, vừa phải có nhân cách đạo đức mới lâu dài được. Nếu việc lăng xê, đánh bóng không thận trọng sẽ trở thành tấm gương xấu cho thế hệ trẻ. Tôi tâm đắc câu nói của nhà phê bình người Nga “Các em yêu nghệ thuật xuất phát từ bản chất nghệ thuật, chứ không nên yêu bản thân mình qua nghệ thuật…” và xin gửi đến các bạn trẻ lời khuyên này.
TRƯƠNG QUỐC PHONG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)