Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cả thế giới cùng hành động vì an toàn giao thông: Kỳ I: Tìm biện pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Xây cầu vượt bộ hành – một trong những biện pháp bảo đảm ATGT ở TP.HCM. Ảnh: Anh Kiệt

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân tích các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường bộ đang thực thi hiệu quả tại 178 quốc gia, chiếm 98% tổng dân số thế giới. Các biện pháp bao gồm: hạn chế tốc độ, giảm uống rượu bia khi lái xe, thắt dây an toàn, sử dụng ghế chuyên dụng cho trẻ em và đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi mô tô, xe gắn máy.
Cần có nhiều biện pháp đảm bảo ATGT
Theo số liệu thống kê của WHO, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ tại các quốc gia có thu nhập thấp là 21,5 người/ 100.000 người, tại các nước có thu nhập trung bình là 19,5 người/ 100.000 người. Trong khi đó, tại các quốc gia có thu nhập cao, con số này chỉ là 10,3 người/ 100.000 người. Hơn 90% số vụ TNGT đường bộ gây tử vong xảy ra tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong khi tổng số lượng xe cơ giới (đã đăng ký) của các nước này chỉ chiếm 48% tổng số xe cơ giới trên toàn thế giới. WHO phân tích, tại một số nước nghèo, do thiếu các biện pháp đảm bảo ATGT đường bộ và hệ thống dịch vụ y tế cấp cứu ứng phó TNGT yếu kém, dẫn đến tỷ lệ người tử vong do TNGT rất cao. Nói như vậy không có nghĩa là vấn đề tử vong do TNGT đường bộ không còn quá quan trọng với các nước có thu nhập cao. Tiến sĩ Etiene Krug – Giám đốc Ban chống bạo lực – thương tích và thương tật WHO cho rằng: “Một quốc gia cho dù làm tốt công tác ATGT đường bộ nhất thế giới thì vẫn xuất hiện tình trạng trì trệ trong công việc, trong hệ thống vận tải đường bộ được vận hành an toàn”.
Chưa thống nhất thuật ngữ ATGT
Trong một cuộc điều tra về ATGT đường bộ gần đây, WHO phát hiện: giữa các quốc gia có sự chênh lệch rất lớn về chất lượng và phạm vi thu thập dữ liệu TNGT đường bộ. Rất nhiều nước luôn phải đối mặt với vấn đề báo cáo số liệu tử vong và bị thương do TNGT đường bộ không đầy đủ. Theo WHO, báo cáo về các vấn đề này có tầm quan trọng rất lớn, nó giúp các quốc gia nắm vững tình hình ATGT đường bộ trong nước, để từ đó đưa ra những biện pháp phù hợp và đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp đó. Hiện nay, giữa các nước, thậm chí giữa các ban ngành trong một nước vẫn chưa có được một hệ thống thuật ngữ và định nghĩa thống nhất trong lĩnh vực ATGT. Do đó, quá trình so sánh, đối chiếu số liệu giữa nước này với nước kia gặp nhiều trở ngại. Cụ thể như sau: Chỉ có 80/178 quốc gia căn cứ vào định nghĩa do WHO kiến nghị, quy định trường hợp tử vong do TNGT đường bộ là người tử vong trong vòng 30 ngày kể từ khi TNGT xảy ra. Chỉ có 14% quốc gia sử dụng số liệu sức khỏe để xác minh nguyên nhân tử vong. Chưa đầy 1/2 trong tổng số 178 quốc gia tham gia nghiên cứu về “cái giá phải trả cho thương tật hoặc tử vong do TNGT”. Rất nhiều nước thiếu số liệu cơ bản để đánh giá và đo lường chỉ tiêu ATGT đường bộ. Trong 178 quốc gia chỉ có 1/3 quốc gia báo cáo về tỷ lệ đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy, chỉ có 53% quốc gia có báo cáo về tỷ lệ thắt dây an toàn, chưa đầy một nửa nắm vững số liệu về tỷ lệ tử vong do uống rượu bia khi lái xe gây ra.
(Còn tiếp)
Hà Anh

Trong tổng số người tử vong do TNGT trên thế giới có 46% là người đi bộ, người đi xe đạp và người đi xe cơ giới hai bánh. Những người này được gọi chung là “nhóm sử dụng đường bộ yếu thế”. Tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, 80% người tử vong trong các vụ TNGT thuộc nhóm người trên. Các biện pháp bảo vệ nhóm người này dù đã được triển khai song hiệu quả vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể: Vấn đề hạn chế tốc độ xe cơ giới – một tác động chính nguy hiểm cho người đi bộ và đi xe đạp, chỉ được 29% trong tổng số 178 nước tham gia điều tra, có tiêu chuẩn cơ bản phù hợp về việc hạn chế tốc độ trong khu vực thành phố. Chưa tới 10% quốc gia thực hiện hạn chế tốc độ một cách có hiệu quả. Ngoài ra, chỉ có 1/3 dân số thế giới (khoảng 32%) sống tại các quốc gia có chính sách khích lệ đi bộ và đi xe đạp thay thế xe cơ giới. 44% quốc gia chưa có các chính sách khích lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay thế xe cá nhân.

Ngọc Mai

Bình luận (0)