TS. Trịnh Hòa Bình
|
Cậu bé 11 tuổi Đỗ Nhật Nam (dịch giả nhỏ tuổi) những ngày vừa qua bỗng dưng nổi tiếng trên các trang mạng xã hội sau khi có đoạn clip ngắn em trả lời phỏng vấn báo chí. 11 tuổi nhưng Nam đang phải hứng chịu búa rìu dư luận như một người trưởng thành.
TS. Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Khoa học và xã hội Việt Nam) – đã có những chia sẻ với Giáo Dục TP.HCM xung quanh câu chuyện cậu bé Đỗ Nhật Nam và “tật xấu cố hữu” của người Việt. TS. Bình cho biết:
– Cậu bé Nam vẫn còn là trẻ con. Câu nói của em “không thích đọc truyện tranh vì mẹ em cho rằng truyện tranh là “con sâu đục phá tâm hồn” đã bị dư luận “ném đá” (từ của báo chí – PV) rất mạnh” nhưng tôi thấy em nói rất bộc trực, rất hình ảnh. Nam chưa phải là người của giới truyền thông, cũng như không phải là ngôi sao nên em không phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Hơn nữa, em mới 11 tuổi, chưa phải là người trưởng thành nên dù có là ngôi sao hay là “thần đồng” thì em vẫn là một cậu bé. Sự phản ứng của một nhóm người về câu nói của em tôi thấy đã bộc lộ những nét chưa đẹp của người Việt. Đó là thói ghen tức, kỳ thị những người hơi khác người, có may mắn, có sự phát triển khác hơn đám đông xung quanh. Những người này thường bị “soi”, “chăm sóc” một cách kỹ lưỡng. Nói thật, trước đây khi xem các chương trình có Nam (Chúc bé ngủ ngon trên VTV3), tôi không có cảm tình với cậu bé này. Vì em nói khôn quá, già quá và vẻ mặt thì “ngây thơ cụ”. Tôi cứ nghĩ là em giả vờ. Nhưng qua câu chuyện vừa rồi, tôi mới vỡ ra rằng đấy không phải sự giả vờ mà ở em có sự đan xen của phần phát triển quá nhanh với phần sinh học bình thường của một đứa trẻ. Tôi cho rằng em phát biểu câu ấy là quan điểm có tính chất cá nhân, có tinh thần phê phán. Trong cuộc sống, chúng ta hoàn toàn cho phép được ngoa dụ để người khác hiểu về tính khuynh hướng của mình, nói quá lên chưa hẳn là tôi đã nghĩ nó xấu đến mức như thế.
Sự rập khuôn cứng nhắc, khó chấp nhận cái mới, dường như đã ăn sâu vào một bộ phận người Việt, thưa ông?
Giáo dục trong nhà trường hiện vẫn còn rập khuôn (ảnh minh họa). Ảnh: H.Triều
|
– Chủ nghĩa rập khuôn lẽ ra phải bị khai tử từ lâu cùng với mô hình gia đình gia trưởng, với những mặt tiêu cực của hình thức trọng tước, trọng xỉ, cũng như thói xu phụng… Ngày xưa người ta dị ứng với cá tính, dị ứng đến mức cứ nói đến cá biệt là hàm nghĩa xấu, cá tính là nặng tính chất phê phán hơn là khẳng định. Qua câu chuyện của Nam có thể thấy vẫn còn tư tưởng tôn thờ chủ nghĩa bình quân, không cho phép cái độc đáo, cái khác biệt, cái có riêng ý kiến tồn tại mà bắt phải hòa tan, hòa lẫn vào trong dòng chảy quần thể. Đó là sự kìm hãm sự phát triển.
Sâu xa hơn nếu nhìn từ góc độ giáo dục, ta sẽ thấy vấn đề này như thế nào, thưa ông?
– Giáo dục đang chuyển động nhưng vẫn cũ kỹ. Thậm chí có nhiều cách vẫy vùng để thay đổi nhưng không thể trong một sớm một chiều. Giáo dục trong nhà trường có tính khuôn mẫu. Còn giáo dục trong gia đình hiện nay theo hướng có tính chất nêu gương. Chúng ta đang ra biển lớn nên tiếp nhận cả hoa thơm và gió độc. Nên chúng ta cần hơn hết trong giáo dục gia đình (môi trường giáo dục gần nhất) là hình thức nêu gương. Giáo dục gia đình thực chất là xã hội hóa con người. Sự xã hội hóa không ngừng nghỉ kể cả khi họ ra khỏi gia đình đó.
Tôi thấy cộng đồng mạng hiện nay cũng có những mặt tích cực khi lên tiếng những vụ việc xấu nhưng tôi nghĩ xu hướng a dua, sự bày tỏ thái độ thiếu tinh thần phê phán xây dựng đang trội hơn, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Chúng ta đang ra biển lớn nên tiếp nhận cả hoa thơm và gió độc. Nên chúng ta cần hơn hết trong giáo dục gia đình là hình thức nêu gương. |
Bình luận (0)