Điều này đồng nghĩa với việc Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) khuyên người tiêu dùng nên lựa chọn thủy sản khác thay thế.
Thông tin đăng tải trên mạng IntraFish cho biết, cá tra đã có tên trong danh sách đỏ mà WWF đưa vào trong các Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010 tại Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch, vốn trước đây nằm trong danh sách vàng.
Điều này đồng nghĩa với việc WWF khuyên người tiêu dùng nên lựa chọn thủy sản khác thay thế. Đối với các loài thuộc danh sách vàng, WWF khuyến cáo người tiêu dùng vẫn có thể mua, nhưng chỉ nên chọn là sản phẩm thứ yếu so với các loài trong danh sách xanh.
Nhà lãnh đạo thủy sản toàn cầu của WWF Mark Powell nói với IntraFish rằng sự xuống hạng này là do “giảm các vấn đề về quản lý và kiểm soát”.
Cá tra Việt Nam bị "đánh hội đồng" trong thời gian gần đây. |
“Vấn đề chủ yếu là do các trại nuôi gây ô nhiễm môi trường tự nhiên, vì thức ăn, hóa chất và thuốc trừ sâu được thải ra sông và hồ, và vì nguy cơ lây bệnh từ cá nuôi sang cá tự nhiên. Danh sách này cũng cho biết có thể thức ăn sử dụng trong sản xuất được lấy từ nguồn cung khai thác lạm thác”.
Cẩm nang hướng dẫn này cũng đề cập đến sự kiện cá tra ghi nhãn Hội đồng quản lý nuôi trồng thuỷ sản (ASC) trên thị trường, dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào năm 2011.
Cẩm nang hướng dẫn tại Đan Mạch nói rằng, chừng nào mà ASC chưa xuất hiện trên thị trường, thì vẫn không biết là cá tra được nuôi bền vững. Vì vậy, WWF khuyến nghị nên tìm một loài thủy sản khác thay thế, ví dụ như một loài thủy sản trong danh sách xanh.
Theo IntraFish, trong thời gian gần đây, cá tra Việt Nam đã bị “đánh hội đồng” trên thị trường Châu Âu như bài chỉ trích của một chính trị gia ở Châu Âu và bài báo chống cá tra trên kênh truyền hình Today của Mỹ. Tuy nhiên, cũng có nhiều tập đoàn bán lẻ thủy sản lớn tại Anh như Findus Group và Birds Eye Group lại lên tiếng bảo vệ sản phẩm cá tra cũng như môi trường nuôi cá tra.
Phản ứng lại với thông tin trên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng: Cẩm nang của WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ với lý do chủ yếu là môi trường, thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra "có vấn đề". Tuy nhiên đã không có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra để chứng minh cho điều đó.
Thậm chí ngay trong các Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản tại một số nước thuộc Cộng đồng châu Âu cũng có sự khác biệt khi đưa tên cá tra vào các danh sách khác nhau, như tại Bỉ và Đức, cá tra có tên trong cả ba danh sách đỏ – xanh – vàng trong khi tại các nước còn lại, cá tra chỉ có tên trong danh sách đỏ. Chính điều này đã cho thấy phải chăng các cuốn Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản "có vấn đề"?
Theo Doanh nhân Việt Nam toàn cầu
Bình luận (0)