Ông Nobuyoshi Kan – Trưởng đại diện Công ty Ocean Trading (Nhật Bản) tại Việt Nam – nêu ra câu hỏi trên và cho biết, ngày càng có nhiều người Nhật dùng cá tra từ Việt Nam.
Cá tra chỉ để xuất khẩu
Theo ông Nobuyoshi Kan, người Nhật quen dùng cá biển, nhưng sản lượng cá biển ngày càng giảm, phải tìm nguồn cá nước ngọt để bù đắp. Đó là nguyên nhân khiến cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật ngày một nhiều.
Khi tìm hiểu về cá tra Việt Nam, người Nhật phát hiện ra lượng omega 3 trong loại cá này không hề thua kém các loại cá nước ngọt được đánh giá có chỉ số dinh dưỡng cao như cá tầm, cá hồi. Vì vậy, ông ngạc nhiên khi biết loại cá này ít được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO) – có không ít khách hàng Nhật thắc mắc về việc không thấy sản phẩm cá tra ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm của Việt Nam. Với người Nhật, sản phẩm nào ngon, có chất lượng, sẽ ưu tiên thị trường nội địa.
Cá tra cần được chế biến thành thức ăn nhanh để tiêu thụ trong nước |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diện – Quản lý cao cấp ngành hàng thực phẩm của hệ thống siêu thị Co.opmart – thừa nhận điều này. Hệ thống bán lẻ gồm trên dưới 600 điểm của Saigon Co.op trải dài khắp cả nước nhưng mỗi tháng cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 200 tấn cá tra các loại, gồm cá tra phi lê, cắt khúc, chả cá, cá tẩm bột. Bà Diện cho rằng, đây là con số quá khiêm tốn so với một hệ thống bán lẻ lớn như Co.opmart.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, cá tra được xuất khẩu hơn 20 năm qua nhưng đến nay, vẫn có đến 95% tổng sản lượng xuất khẩu dưới dạng phi lê đông lạnh. Năm nay, xuất khẩu cá tra cả nước có thể đạt doanh số trên 2 tỷ USD, nhưng giá trị gia tăng từ ngành hàng này vẫn còn rất lớn nếu được chế biến sâu và chú trọng khai thác thị trường nội địa. Cá tra vẫn được thế giới ưa chuộng do thịt trắng, an toàn sức khỏe hơn so với các sản phẩm thịt đỏ.
Đây là lý do GODACO mới đây đầu tư hơn 30 triệu USD vào dây chuyền chế biến sâu các sản phẩm cá tra thành các sản phẩm thức ăn nhanh, ăn liền xuất khẩu đi các nước và đặt mục tiêu phủ rộng tại thị trường nội địa.
“Bỏ quên” thị trường nội địa
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, các sản phẩm cá tra rất khó bán tại thị trường trong nước bởi người tiêu dùng có thói quen ăn tươi và chế biến theo khẩu vị nhất định với những món phổ biến như kho, chiên, nấu canh chua. Trong khi đó, khi xuất khẩu vào các nước, sản phẩm này được sử dụng rất đa dạng nên rất được yêu thích.
Bà Bùi Thị Phương Dung – Giảng viên Khoa Dinh dưỡng, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho rằng, điều đó không hoàn toàn đúng. Theo bà, dường như các doanh nghiệp chưa chú trọng vào thị trường nội địa. Sản phẩm này dù bán ở kênh hiện đại, cũng chưa đủ hấp dẫn người mua, vì đa phần bán dưới dạng sản phẩm đông lạnh và trên bao bì không gợi ý cho người tiêu dùng có thể chế biến thành những món ăn gì, chế biến ra sao, điều kiện bảo quản những sản phẩm này tại các siêu thị cũng không thực sự tốt.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, các sản phẩm cá tra rất khó bán tại thị trường trong nước |
Đồng quan điểm này, bà Ngô Thị Thức – Phó chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, hằng năm, cơ quan này có kinh phí để thúc đẩy tiêu thụ cá tra tại thị trường trong nước nhưng triển khai khá khó khăn. Cũng là sản phẩm cá tra chế biến thành món kho nhưng ăn tại nhà hàng, quán ăn rất ngon, mang về nhà lại không ngon.
Rõ ràng, người tiêu dùng chưa biết nhiều cách chế biến loại cá này, nhất là người tiêu dùng tại các tỉnh phía Bắc. Theo bà Dung, trước đây, từng có doanh nghiệp bán sản phẩm cá tra cắt khúc tại thị trường trong nước kèm những gói nước xốt để chế biến theo công thức gợi ý. Cá nhân bà rất ấn tượng với cách làm này, nhưng hiện không còn thấy những sản phẩm đó nữa.
Ông Nobuyoshi Kan bày tỏ, ông từng đi khảo sát các sản phẩm cá tra bán tại thị trường Việt Nam, nhận thấy nhiều miếng cá phi lê đóng gói sơ sài, khi cầm lên, có thể rớt ra ngoài. Làm thương mại như vậy là không thể chấp nhận được, vì thông thường, thực khách sẽ “ăn” bằng mắt trước, mà mắt không có cảm tình thì khó có thể mua.
Với cá tra của Việt Nam, người Nhật không chế biến tươi mà thường dùng các sản phẩm chế biến sẵn, ăn liền hoặc xử lý nhanh qua lò vi sóng. Cá tra từ Việt Nam xuất khẩu sang Nhật cũng đang chiều theo thói quen này.
“Xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam cũng đang thay đổi do ảnh hưởng lối sống công nghiệp, do thu nhập của người dân tốt dần lên. Vậy tại sao cá tra không được các nhà chế biến của Việt Nam biến thành những sản phẩm tiêu dùng nhanh như nhóm thực phẩm từ heo, bò, gà vốn đã được làm rất thành công?” – ông Kan đặt vấn đề.
Thư Hùng/Phunuonline
Bình luận (0)