Sau thời gian dài rớt giá thê thảm thì những ngày gần đây giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tăng liên tục theo chiều hướng có lợi cho người nuôi. Cá tăng đã giúp nông dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, TP Cần Thơ… bắt đầu có lợi nhuận. Tuy nhiên, kèm theo đó là nỗi lo khi nhiều hộ ùn ùn thả nuôi cá tra trở lại sẽ dẫn đến thừa nguyên liệu, nguy cơ giá rớt xảy ra.
Hết cá, giá tăng
Chiều 18-3, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL thu mua cá tra nguyên liệu với giá dao động từ 24.400 – 25.000 đồng/kg, đây là mức đảm bảo cho người nuôi lời khoảng 1.500 đồng/kg sau khi trừ chi phí. Ông Sáu Hò, ở cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ hồ hởi: “Tui vừa xuất hầm bán khoảng 300 tấn cá ngay dịp giá vừa tăng lên 24.000 đồng/kg, khi bán xong thì cá tiếp tục tăng từ 24.500 đồng/kg trở lên nên cả nhà thấy tiếc. Tuy nhiên, với giá bán vừa rồi cũng đảm bảo mức lời kha khá, có nguồn vốn để tái đầu tư cho các vụ tiếp theo”.
Cùng niềm vui trên, ông Chương Văn Khanh cũng ở cù lao Tân Lộc cho biết, sau hơn 2 năm giá cá tra ở mức thấp chỉ 22.000 đồng/kg khiến người nuôi từ hòa đến lỗ vốn, thì gần đây giá cá tăng đột biến tạo nên phong trào nuôi cá sôi động trở lại sau thời gian dài trầm lắng.
Chế biến cá tra xuất khẩu ở tình Cà Mau. Ảnh: Thái Bằng
Tại huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự, là 2 vùng nuôi cá tra trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp, đi đâu cũng nghe nhiều người bàn tán chuyện giá cá tăng. Ông Nguyễn Khắc Phục, hộ nuôi cá tra nhiều năm ở thị xã Hồng Ngự, tâm sự: “Do ảnh hưởng mấy vụ liên tục giá cá quá thấp làm cho người nuôi thua lỗ nên nhiều hộ đã cạn vốn đầu tư, thậm chí lâm nợ buộc phải treo ao. Vì thế khi giá cá tăng cao ai cũng luyến tiếc do không có cá để bán. Về cơ bản, những hộ trúng giá đợt này đa phần là dân có “nội lực mạnh” nên mới có sức chịu đựng và duy trì nuôi được tới giờ này”.
Cùng suy nghĩ trên, ông Võ Văn Đệ, ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ), nhìn nhận: “Hàng chục năm theo nghề nuôi cá tra xuất khẩu, nhưng năm rồi tui và hàng loạt hộ khác ở xứ này phải tạm ngưng nuôi vì thua lỗ hết vốn. Do nhiều hộ không còn nuôi đã khiến sản lượng cá giảm mạnh, từ đó dẫn tới cung thấp hơn cầu và giá tăng là chuyện hiển nhiên”.
Thị trường xuất khẩu chưa bền vững
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang) nhận định, cùng với nguồn nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng thì nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra trên thế giới đang có dấu hiệu phục hồi đã nâng giá cá tăng lên. Hiện cá tra phi lê được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Á… dao động ở mức 2,7- 2,9 USD/kg, đây là mức giá có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và người nuôi cá. Song, không vì thế mà chúng ta quá lạc quan trong việc ùn ùn mở rộng diện tích thả nuôi trở lại, bởi thị trường xuất khẩu trên thế giới vẫn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, không bền vững. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn thường xuyên bị các nhà nhập khẩu thế giới tìm cách ép giá, làm khó… nên mọi việc cần phải cẩn trọng.
Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản An Giang, cho rằng sau khi giá cá tăng thì hiệp hội đã lập tức khảo sát và tìm hiểu tình hình. Về cơ bản, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khi xuất khẩu cá tra vào thị trường Đông Âu, Nga… Điều này chứng tỏ việc xuất hiện thông tin “sốt” giá cá tra xuất khẩu là chưa chính xác. Vấn đề này người nuôi cần theo dõi chặt khi quyết định mở rộng diện tích nuôi quá nhiều nhằm tránh tình trạng thừa nguyên liệu, dẫn tới rớt giá trong thời gian tới; bởi đầu tư một vụ nuôi cá kéo dài khoảng 6 tháng.
Cần liên kết phát triển bền vững nghề nuôi cá tra. Ảnh: HUỲNH LỢI
Ông Doãn Tới, Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, khẳng định: “Chuyện thiếu cá nguyên liệu hiện nay chủ yếu mang tính cục bộ ở một số địa phương và một số doanh nghiệp. Trong khi đó, đa phần những doanh nghiệp xuất khẩu lớn đều chủ động cơ bản nguồn nguyên liệu cho nhà máy mình hoạt động. Mấu chốt của nghề nuôi và xuất khẩu cá tra là cần giải quyết bài toán “thiếu cá giá tăng, thừa cá giá rớt” để người nuôi không bị thiệt và không đánh đu theo thị trường một cách bấp bênh”.
Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL đề xuất, cần có biện pháp quản lý hiệu quả về diện tích và sản lượng nuôi toàn vùng nhằm điều phối hợp lý theo nhu cầu “tăng – giảm” của thị trường xuất khẩu trong từng thời điểm. Xem xét đưa ra giá sàn xuất khẩu và xử lý nghiêm những doanh nghiệp nào bán phá giá, gây rối thị trường. Tính toán thu phí từ 1 – 2 cent/kg cá tra phi lê xuất khẩu nhằm đầu tư vào việc quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại cá tra rộng hơn và sâu hơn trên thị trường thế giới.
Về lâu dài, ông Phạm Văn Bên, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp) cho rằng, để phát triển vững nghề nuôi và xuất khẩu cá tra cần đẩy mạnh việc liên kết trên tinh thần đồng thuận, cùng chia sẻ lợi nhuận giữa các bên tham gia như người nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cung ứng thức ăn, ngân hàng… Theo đó, người dân sẽ nuôi cá qua sự đặt hàng của doanh nghiệp. Nhà máy sản xuất thức ăn và ngân hàng đầu tư cho người nuôi qua mô hình này, có sự cam kết của doanh nghiệp xuất khẩu. Cách làm này sẽ giúp ngân hàng cho vay vốn cũng đúng địa chỉ, người nuôi an tâm vì đảm bảo đầu ra, còn doanh nghiệp thì có nguồn nguyên liệu ổn định, phía ngành chức năng cũng dễ dàng trong quản lý vùng nuôi, sản lượng, thời vụ thu hoạch… tránh được thực trạng lúc thừa lúc thiếu cá tra nguyên liệu như hiện nay.
HUỲNH PHƯỚC LỢI
(SGGP)
Bình luận (0)