Đang phải đối mặt với khó khăn thiếu hụt nguyên liệu trong nước, rắc rối bởi Thông tư 25 quy định về nhập khẩu nguyên liệu thực phẩm, cá tra Việt Nam rất có thể phải chịu mức thuế bán phá giá xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa có quyết định sơ bộ kết quả đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ giai đoạn từ 1/8/2008 đến 31/7/2009.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp bị tăng thuế rất cao, phải đóng đến 4,22 USD/kg phi lê đông lạnh, trong khi giá bán ở thị trường Mỹ thấp hơn giá chịu thuế. Theo một nguồn tin từ VASEP, theo kế hoạch, ngày 24/9, phía Mỹ sẽ thông báo chính thức mức thuế mà một số công ty phải chịu khi xuất khẩu cá tra vào Mỹ.
Ngoài ra, các công ty phải ký quỹ tại hải quan Mỹ một số tiền nhất định nếu muốn tiếp tục bán hàng vào thị trường này. Cụ thể, nếu một công ty có kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ trong năm 2010 là 60 triệu USD, thì vào năm 2011 phải ký quỹ 80 triệu USD. Lý do là thời gian qua một số công ty xuất khẩu của nhiều nước khi xuất hàng vào Mỹ đã không nộp thuế.
Cũng theo đại diện của VASEP, sở dĩ mức thuế tăng cao như vậy là do phía Mỹ sử dụng cách tính giá thành nuôi cá rô-phi tại Philippines vào cách tính giá thành nuôi cá tra của Việt Nam. Lý do Philippines là nước có nền kinh tế thị trường còn Việt Nam vẫn chưa được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, việc DOC chọn Philippines – một nước nuôi cá rất ít, chi phí giá thành cao để so sánh với Việt Nam, đặc biệt là khu vực ĐBS Cửu Long vốn phát triển mạnh, được đầu tư lớn từ nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu… từ đó giảm chi phí giá thành so với những nước khác, là không hợp lý.
Về phía doanh nghiệp, trước tình hình này, Công ty CP Vĩnh Hoàn chuyên chế biến xuất khẩu cá tra ở Đồng Tháp, cho biết, không loại trừ khả năng công ty sẽ kiện DOC lên Tòa án Thương mại Quốc tế trong trường hợp công ty bị áp thuế bán phá giá cá tra khi bán vào thị trường Mỹ.
Vì trong đợt xem xét hành chính thứ 5, Vĩnh Hoàn đã nhận mức thuế chống bán phá giá 0%, nhưng trong đợt xem xét hành chính thứ 6 (giai đoạn từ 1/8/2008 đến 31/7/2009), DOC lại ra quyết định sơ bộ ngày 8/9/2010 buộc Vĩnh Hoàn phải chịu thuế bán phá giá. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, cũng cho rằng, đây chỉ là quyết định sơ bộ, chưa phải là phán quyết cuối cùng nên vẫn còn nhiều cơ hội để thay đổi tình hình.
N.MẠNH / DNSG
Bình luận (0)