Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cá tra Việt Nam có mặt ở 140 thị trường trên thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 14-12, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị tổng kết “Sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2016 và bàn giải pháp phát triển bền vững”.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, năm 2016 tình hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra ở vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, hạn mặn, rào cản kỹ thuật của nhiều nước trên thế giới, giá cả thất thường không ổn định… Tuy nhiên, ngành cá tra đã vượt qua thách thức để tiếp tục tăng trưởng.

Cá tra đạt sản lượng hơn 1 triệu tấn trong năm 2016

 Cụ thể, diện tích thả nuôi cá tra cả năm ở các tỉnh ĐBSCL khoảng hơn 5.000 ha, đạt sản lượng hơn 1 triệu tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu trên 1,6 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, các doanh nghiệp, ngành chức năng đã nỗ lực vượt qua các rào cản kỹ thuật để đưa sản phẩm cá tra của Việt Nam đến 140 thị trường trên thế giới, tăng thêm 4 thị trường so năm 2015. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn đối với xuất khẩu cá tra của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm khoảng 20% trên tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Nguyễn Xuân Cường cho rằng, xuất khẩu cá tra tăng là điều đáng mừng, tuy nhiên vẫn chưa bền vững. Trong năm 2016, ngành cá tra có những biến động lớn; riêng 6 tháng đầu năm giá cá tra nguyên liệu dao động thấp khiến nhiều hộ nuôi gặp bất lợi, chỉ những tháng cuối năm giá cá tra mới tăng trở lại nhưng lúc này sản lượng cá tra không còn nhiều. Cùng với giá cả không ổn định, thị trường nhập khẩu cũng biến động liên tục, nhất là gần đây nhiều nước trên thế giới tiếp tục dựng những rào cản kỹ thuật gây khó cho chúng ta. Từ những yếu tố trên cho thấy, ngành cá tra cần phải chủ động ứng phó, không ngừng nâng chất lượng, mở rộng thị trường để thích ứng và tăng giá trị xuất khẩu.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang

Theo kế hoạch, trong năm 2017, diện tích thả nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL khoảng 5.000-5.500 ha, sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn cá nguyên liệu. Về cơ bản không khuyến khích tăng mạnh về diện tích và sản lượng, mà chủ yếu tập trung đầu tư nâng cao chất lượng cá tra, nhất là đầu tư cho nguồn giống. Đẩy mạnh việc phát triển mô hình nuôi GAP, nhằm tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng những thị trường khó tính.

Một trong những vấn đề quan trọng là tổ chức lại việc sản xuất và tiêu thụ cá tra theo hướng liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau nhằm quản lý chặt về sản lượng nuôi, thời vụ thu hoạch, thời điểm xuất khẩu… có như vậy mới tránh được tình trạng lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu và giá cả lên xuống thất thường gây thiệt cho người nuôi.

Các tỉnh ĐBSCL đề xuất Bộ NN-PTNT và các ngành chức năng, quản lý chặt hơn nữa về vùng nuôi và chế biến xuất khẩu, tránh tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh nội bộ, hoặc làm hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng uy tín ngành cá tra Việt Nam. Song song đó, chú trọng phát triển cá tra theo mô hình chuỗi giá trị bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia.

LONG HÒA (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)