Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cá tra Việt Nam lép vế trên thị trường

Tạp Chí Giáo Dục

Cá tra Việt Nam lép vế trên thị trường

Thứ hai, 08/08/2016, 08:54 (GMT+7)

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù sản lượng nuôi cá tra tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015 (525.000 tấn), nhưng do giá không ổn định, lúc tăng lúc giảm, trung bình giảm 1.000 – 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ, nên người dân chỉ nuôi cầm cự, diện tích nuôi bị thu hẹp.

Giá cả trồi sụt bất thường

Chưa đối tượng nuôi nào có sự phát triển nhanh như con cá tra, từ năm 1998 đến 2008, diện tích nuôi từ 1.200ha lên hơn 6.000ha, xuất khẩu từ dưới 70 triệu USD đến gần 1,5 tỷ USD. Bình quân 1ha nuôi đạt hơn 180 tấn, xuất khẩu trên 230.000USD. Không có ngành hàng nông nghiệp nào tạo ra năng suất cao và cũng không có ngành hàng xuất khẩu nào có mức tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm như vậy. Nhưng sự phát triển được xem là thần kỳ của con cá tra (bao gồm ba sa) lại dẫn đến nhiều khó khăn cho giai đoạn sau đó do phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, yếu trong liên kết giữa người nuôi với nhà máy và giữa nhà máy với nhà máy.

Chế biến mặt hàng cá tra xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TRÍ

Tình trạng này đến nay vẫn đang loay hoay xoay chuyển. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu nguyên liệu cá tra chế biến của doanh nghiệp (DN) không ổn định, khiến giá cá lúc tăng lúc giảm, người dân không dám thả nuôi nhiều, chủ yếu là cầm cự. So với cùng kỳ năm trước, giá cá trung bình giảm từ 1.000 – 4.000 đồng/kg. Theo các chuyên gia và DN xuất khẩu cá tra, lần đầu tiên trong 10 năm, ngành cá tra phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguyên liệu. Ông Nguyễn Bá Sơn, Tổng cục Thủy sản, cho rằng ngành hàng này gặp nhiều thách thức, thiếu quy hoạch và quản lý quy hoạch, do phát triển quá nhanh nên giá nguyên liệu không ổn định, giá xuất khẩu lại giảm. Giá thành cá nguyên liệu tăng do giá thức ăn tăng và tỷ lệ sống thấp. Chất lượng sản phẩm lại không ổn định. Người nuôi bị động trong khâu tiêu thụ, liên kết chuỗi còn yếu. Trong khi yêu cầu mỗi thị trường phải đáp ứng theo những giấy chứng nhận khác nhau như GlobalGAP, BAP, ASC…, vừa chồng chéo vừa làm chi phí nuôi tăng cao. Mấy năm nay, diện tích chỉ duy trì khoảng 5.100ha và sản lượng ở mức trên dưới 1,1 triệu tấn. Mặc dù Tổng cục Thủy sản cho biết mục tiêu đến năm 2020, diện tích nuôi khoảng 7.600ha – 7.800ha và sản lượng 1,8 – 1,9 triệu tấn nhưng ưu tiên giai đoạn hiện nay vẫn là ổn định diện tích và sản lượng, tăng chất lượng, hiệu quả. Sau đó, tùy thuộc thị trường sẽ tăng diện tích và sản lượng nuôi. Trong khi đó, theo một nghiên cứu dài hơi của TS Nguyễn Tiến Thông (giảng viên thỉnh giảng Đại học Nam Đan Mạch), thị trường mặt hàng cá tra của Việt Nam còn nhiều tiềm năng ở phân khúc cá da trơn giá rẻ nên có thể mở rộng, việc giảm sản lượng xuất khẩu có nhiều rủi ro khi để trống thị trường cho các sản phẩm khác và sản phẩm cùng loại từ các nước như Indonesia, Bangladesh…

Chuyển từ L/C đến bán chịu

Từ con cá bản địa vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành sản phẩm xuất khẩu đến hơn 140 nước, cạnh tranh với sản phẩm cá da trơn cùng loại ở những nước sở tại, nên việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2002 với mức thuế từ 36% – 64% hay một số nước châu Âu sử dụng phương tiện truyền thông nhằm “hạ bệ” sản phẩm cá tra, ba sa từ cuối những năm 2000 để bảo vệ sản phẩm trong nước là điều có thể hiểu. Nếu có gì để nói chính là “tiên trách kỷ” khi các DN cạnh tranh lẫn nhau để các nước khai thác sự yếu kém và tận dụng để nói xấu. Mới đây, tại hội nghị toàn thể hội viên VASEP, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cho rằng dù được tiêu thụ mạnh, ở tốp đầu các mặt hàng thủy sản nhưng nhận biết của người tiêu dùng các nước với sản phẩm cá tra phi lê Việt Nam là kém, thậm chí không biết hay chỉ biết ở góc độ xấu do truyền thông sai lệch.

Nghiên cứu của Đại học Nha Trang cho thấy, giai đoạn 2002-2015 có 203 trường hợp lô hàng cá tra xuất khẩu Việt Nam xuất hiện trên trang web của EU RASFF, trong đó có 77 trường hợp bị từ chối ngay tại biên giới. Nguyên nhân chính là dư lượng thuốc thú y, thuốc diệt cỏ và kim loại nặng. Sau 4 năm liên tiếp duy trì mức xuất khẩu 1,7 tỷ USD, năm 2015, chỉ đạt 1,56 tỷ USD. Năm nay, dự báo khoảng 1,6 tỷ USD. Nghiên cứu của TS Nguyễn Tiến Thông cho thấy, hình ảnh sản phẩm cá tra trên thị trường các nước EU không tốt, thuộc phân khúc người thu nhập thấp, lao động phổ thông, gia đình đông con. Cá tra, dưới mắt người tiêu dùng các nước EU và Mỹ chỉ là sản phẩm cấp thấp, giá rẻ, đối diện nguy cơ bị các sản phẩm khác thay thế.

Cũng tại hội nghị này, ông Trần Thiện Hải, nguyên Chủ tịch VASEP, chua chát đặt câu hỏi, tại sao ngành hàng được đầu tư khá, thị trường có nhu cầu, nhà máy được xây dựng hiện đại, có mạng lưới bán hàng khá ổn định, từng vượt qua các rào cản như thuế chống bán phá giá của Mỹ hay rào cản kỹ thuật của các nước EU, nhưng hiệu quả mang lại ngày càng giảm? Khâu nào cũng than lỗ lã từ con giống, nuôi trồng, đến chế biến xuất khẩu.

Ông bà ta đã nói “buôn có bạn, bán có phường”; trong kinh doanh có phân công, có phối hợp, có liên kết để cùng đưa ngành hàng ngày càng phát triển. Thế nhưng, các DN cùng ngành lại cạnh tranh lẫn nhau, giảm giá bán để giành khách hàng, nên phải giảm chất lượng. Điều đáng ngại hơn, xu hướng hiện nay không chỉ “bán rẻ hơn DN khác mà còn sẵn sàng bán chịu để có khách hàng”, nên việc mở L/C trở nên xa xỉ! Việc lớn nhất hiện nay là VASEP với vai trò đầu mối cần giải quyết bài toán về mối quan hệ giữa các DN và xây dựng cho được mối quan hệ này. Xét cho cùng, cơ hội và nhu cầu của mặt hàng này vẫn còn. Nhưng cần sản phẩm giá trị cao hơn, an toàn hơn.

TS Nguyễn Tiến Thông cho biết, cần đa dạng hóa sản phẩm như xông khói, ướp giấm, chip & fish, thử nghiệm sản phẩm tươi cắt khúc, nâng cao chất lượng, đồng thời nâng cao hình ảnh cá tra, công nghệ nuôi sạch và sản phẩm sinh thái của Việt Nam, tìm kiếm các thị trường mới. Thị trường Nam Mỹ, Trung Âu, Nga, châu Á, Úc còn nhiều tiềm năng xuất khẩu.

CÔNG PHIÊN

– See more at: http://sggp.org.vn/kinhte/2016/8/429642/#sthash.yOhFAFlc.dpuf

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù sản lượng nuôi cá tra tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015 (525.000 tấn), nhưng do giá không ổn định, lúc tăng lúc giảm, trung bình giảm 1.000 – 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ, nên người dân chỉ nuôi cầm cự, diện tích nuôi bị thu hẹp.
Giá cả trồi sụt bất thường
Chưa đối tượng nuôi nào có sự phát triển nhanh như con cá tra, từ năm 1998 đến 2008, diện tích nuôi từ 1.200ha lên hơn 6.000ha, xuất khẩu từ dưới 70 triệu USD đến gần 1,5 tỷ USD. Bình quân 1ha nuôi đạt hơn 180 tấn, xuất khẩu trên 230.000USD. Không có ngành hàng nông nghiệp nào tạo ra năng suất cao và cũng không có ngành hàng xuất khẩu nào có mức tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm như vậy. Nhưng sự phát triển được xem là thần kỳ của con cá tra (bao gồm ba sa) lại dẫn đến nhiều khó khăn cho giai đoạn sau đó do phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, yếu trong liên kết giữa người nuôi với nhà máy và giữa nhà máy với nhà máy.

Chế biến mặt hàng cá tra xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TRÍ

Tình trạng này đến nay vẫn đang loay hoay xoay chuyển. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu nguyên liệu cá tra chế biến của doanh nghiệp (DN) không ổn định, khiến giá cá lúc tăng lúc giảm, người dân không dám thả nuôi nhiều, chủ yếu là cầm cự. So với cùng kỳ năm trước, giá cá trung bình giảm từ 1.000 – 4.000 đồng/kg. Theo các chuyên gia và DN xuất khẩu cá tra, lần đầu tiên trong 10 năm, ngành cá tra phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguyên liệu. Ông Nguyễn Bá Sơn, Tổng cục Thủy sản, cho rằng ngành hàng này gặp nhiều thách thức, thiếu quy hoạch và quản lý quy hoạch, do phát triển quá nhanh nên giá nguyên liệu không ổn định, giá xuất khẩu lại giảm. Giá thành cá nguyên liệu tăng do giá thức ăn tăng và tỷ lệ sống thấp. Chất lượng sản phẩm lại không ổn định. Người nuôi bị động trong khâu tiêu thụ, liên kết chuỗi còn yếu. Trong khi yêu cầu mỗi thị trường phải đáp ứng theo những giấy chứng nhận khác nhau như GlobalGAP, BAP, ASC…, vừa chồng chéo vừa làm chi phí nuôi tăng cao. Mấy năm nay, diện tích chỉ duy trì khoảng 5.100ha và sản lượng ở mức trên dưới 1,1 triệu tấn. Mặc dù Tổng cục Thủy sản cho biết mục tiêu đến năm 2020, diện tích nuôi khoảng 7.600ha – 7.800ha và sản lượng 1,8 – 1,9 triệu tấn nhưng ưu tiên giai đoạn hiện nay vẫn là ổn định diện tích và sản lượng, tăng chất lượng, hiệu quả. Sau đó, tùy thuộc thị trường sẽ tăng diện tích và sản lượng nuôi. Trong khi đó, theo một nghiên cứu dài hơi của TS Nguyễn Tiến Thông (giảng viên thỉnh giảng Đại học Nam Đan Mạch), thị trường mặt hàng cá tra của Việt Nam còn nhiều tiềm năng ở phân khúc cá da trơn giá rẻ nên có thể mở rộng, việc giảm sản lượng xuất khẩu có nhiều rủi ro khi để trống thị trường cho các sản phẩm khác và sản phẩm cùng loại từ các nước như Indonesia, Bangladesh…
Chuyển từ L/C đến bán chịu
Từ con cá bản địa vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành sản phẩm xuất khẩu đến hơn 140 nước, cạnh tranh với sản phẩm cá da trơn cùng loại ở những nước sở tại, nên việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2002 với mức thuế từ 36% – 64% hay một số nước châu Âu sử dụng phương tiện truyền thông nhằm “hạ bệ” sản phẩm cá tra, ba sa từ cuối những năm 2000 để bảo vệ sản phẩm trong nước là điều có thể hiểu. Nếu có gì để nói chính là “tiên trách kỷ” khi các DN cạnh tranh lẫn nhau để các nước khai thác sự yếu kém và tận dụng để nói xấu. Mới đây, tại hội nghị toàn thể hội viên VASEP, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cho rằng dù được tiêu thụ mạnh, ở tốp đầu các mặt hàng thủy sản nhưng nhận biết của người tiêu dùng các nước với sản phẩm cá tra phi lê Việt Nam là kém, thậm chí không biết hay chỉ biết ở góc độ xấu do truyền thông sai lệch.
Nghiên cứu của Đại học Nha Trang cho thấy, giai đoạn 2002-2015 có 203 trường hợp lô hàng cá tra xuất khẩu Việt Nam xuất hiện trên trang web của EU RASFF, trong đó có 77 trường hợp bị từ chối ngay tại biên giới. Nguyên nhân chính là dư lượng thuốc thú y, thuốc diệt cỏ và kim loại nặng. Sau 4 năm liên tiếp duy trì mức xuất khẩu 1,7 tỷ USD, năm 2015, chỉ đạt 1,56 tỷ USD. Năm nay, dự báo khoảng 1,6 tỷ USD. Nghiên cứu của TS Nguyễn Tiến Thông cho thấy, hình ảnh sản phẩm cá tra trên thị trường các nước EU không tốt, thuộc phân khúc người thu nhập thấp, lao động phổ thông, gia đình đông con. Cá tra, dưới mắt người tiêu dùng các nước EU và Mỹ chỉ là sản phẩm cấp thấp, giá rẻ, đối diện nguy cơ bị các sản phẩm khác thay thế.
Cũng tại hội nghị này, ông Trần Thiện Hải, nguyên Chủ tịch VASEP, chua chát đặt câu hỏi, tại sao ngành hàng được đầu tư khá, thị trường có nhu cầu, nhà máy được xây dựng hiện đại, có mạng lưới bán hàng khá ổn định, từng vượt qua các rào cản như thuế chống bán phá giá của Mỹ hay rào cản kỹ thuật của các nước EU, nhưng hiệu quả mang lại ngày càng giảm? Khâu nào cũng than lỗ lã từ con giống, nuôi trồng, đến chế biến xuất khẩu.
Ông bà ta đã nói “buôn có bạn, bán có phường”; trong kinh doanh có phân công, có phối hợp, có liên kết để cùng đưa ngành hàng ngày càng phát triển. Thế nhưng, các DN cùng ngành lại cạnh tranh lẫn nhau, giảm giá bán để giành khách hàng, nên phải giảm chất lượng. Điều đáng ngại hơn, xu hướng hiện nay không chỉ “bán rẻ hơn DN khác mà còn sẵn sàng bán chịu để có khách hàng”, nên việc mở L/C trở nên xa xỉ! Việc lớn nhất hiện nay là VASEP với vai trò đầu mối cần giải quyết bài toán về mối quan hệ giữa các DN và xây dựng cho được mối quan hệ này. Xét cho cùng, cơ hội và nhu cầu của mặt hàng này vẫn còn. Nhưng cần sản phẩm giá trị cao hơn, an toàn hơn.
TS Nguyễn Tiến Thông cho biết, cần đa dạng hóa sản phẩm như xông khói, ướp giấm, chip & fish, thử nghiệm sản phẩm tươi cắt khúc, nâng cao chất lượng, đồng thời nâng cao hình ảnh cá tra, công nghệ nuôi sạch và sản phẩm sinh thái của Việt Nam, tìm kiếm các thị trường mới. Thị trường Nam Mỹ, Trung Âu, Nga, châu Á, Úc còn nhiều tiềm năng xuất khẩu.

CÔNG PHIÊN (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)