Chiều 18/4, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, có một trường hợp tử vong ở Ninh Bình nghi tả. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy, bệnh nhân dương tính với khuẩn tả.
Ông Nga cho biết thêm, bệnh nhân là một người nghiện rượu, gia đình không mấy quan tâm. Dù bị tiêu chảy nhưng bệnh nhân không được đưa đến cơ sở y tế ngay mà ở nhà nhiều ngày, khi bệnh tình rất nặng mới chuyển lên bệnh viện huyện. Sau đó, bệnh nhân tử vong vì bị mất nước nặng, trụy mạch.
BN tiêu chảy cấp nguy hiểm điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia (Ảnh: H.Hải)
Sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này tại Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ là dương tính với khuẩn tả, Cục Y tế dự phòng và môi trường đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Ninh Bình xử lý môi trường tại gia đình, các hộ dân sống xung quanh để khoanh vùng ổ dịch, không để khuẩn tả phát tán ra môi trường.
Trước đó, tại Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) cũng có trường hợp một cụ ông 79 tuổi tử vong sau tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, xét nghiệm bệnh phẩm cho thấy âm tính với khuẩn tả.
Cũng trong chiều nay, Cục Y tế dự phòng và Môi trường cũng cho biết đã có thêm hai tỉnh là Hà Nam và Hoà Bình ghi nhận có người mắc tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả. Như vậy, tính đến thời điểm này, đã có 11 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình và 2 địa phương mới là Hòa Bình và Hà Nam. Với tổng số 534 trường hợp, trong đó có 53 ca đã được Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ xét nghiệm dương tính với khuẩn tả.
Theo điều tra dịch tễ đối với những người mắc mới đều có liên quan đến thịt chó, mắm tôm, rau sống và thực phẩm không bảo đảm vệ sinh.
Ông Nguyễn Huy Nga nhận định, trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, dễ sinh ngập lụt là điều kiện để mầm bệnh phát triển và phát tán ra môi trường. Hơn nữa, sự giao lưu qua lại giữa các vùng, các khu vực ngày càng nhiều làm tăng nguy cơ phát tán bệnh. Để chủ động phòng chống dịch tiêu chảy cấp do khuẩn phẩy tả, Cục Y tế dự phòng và Môi trường khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt tốt 4 khuyến cáo phòng chống bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả tại cộng đồng.
Ngoài ra, trong vùng có dịch, các gia đình không nên tổ chức ăn uống đông người. TThực hiện “Ăn chín, uống sôi”; không sử dụng các thực phẩm như: thịt chó, rau sống, thức ăn tươi sống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh.
Cũng trong ngày 18/5, PGS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định số 1671/QĐ-BYT thành lập đoàn thanh tra liên ngành về chất lượng VSATTP tại tỉnh Thanh Hóa, bao gồm đại diện Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT. Theo đó, từ ngày 18/5 – 20/6, đoàn thanh tra liên ngành sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, nhập khẩu thực phẩm; chú trọng đến nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, việc chấp hành quy định của pháp luật về kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ, việc lưu thông thực phẩm, công tác đảm bảo chất lượng thức ăn đường phố… trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hồng Hải (dantri)
Bình luận (0)