Sau tai nạn giao thông, chị N.T.D (31 tuổi, TP.HCM) có nguy cơ phải đeo túi dẫn lưu nước tiểu suốt đời. “Có bệnh thì vái tứ phương”, chị D. được gia đình đưa đi nhiều nơi để điều trị nhưng đều thất bại. Mãi đến khi tìm đến Bệnh viện Bình Dân thì cuộc sống của chị mới trở lại bình thường…
Các bác sĩ Khoa Niệu B, Bệnh viện Bình Dân đang thực hiện một ca phẫu thuật
Gần nửa năm đeo túi nước tiểu bên người
Tháng 7-2019, chị D. không may bị tai nạn giao thông. Sau 2 tuần nằm viện, chị D. về nhà với ống thông tiểu và túi nước tiểu bên mình, vùng chậu chằng chịt vết thương rất đau đớn. Lúc đó, chị D. nghĩ chỉ ít lâu sau mình có thể trở lại với công việc và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, hy vọng của chị D. cứ tắt dần khi được gia đình đưa đến nhiều cơ sở y tế nhưng các bác sĩ đều lắc đầu vì tình trạng chấn thương của nạn nhân quá phức tạp.
Ở trong nhà, đối diện với 4 bức tường, người lúc nào cũng đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn, đã có lúc nạn nhân suy sụp đến mức có ý nghĩ chấm dứt cuộc sống.
Nhìn con đau khổ như vậy, gia đình chị D. đã có ý định đưa chị ra nước ngoài điều trị. Nhưng với hồ sơ bệnh án phức tạp, không một bệnh viện nào có thể khẳng định sẽ giúp cô gái trẻ có thể tự tiểu được. Qua tìm hiểu, chị D. được giới thiệu đến Bệnh viện Bình Dân và gặp PGS.BS Nguyễn Tuấn Vinh – một trong những chuyên gia đầu ngành về tiết niệu. Sau khi xem xét kỹ hồ sơ, BS Vinh đồng ý thực hiện phẫu thuật tạo hình niệu đạo cho chị D.
PGS.BS Nguyễn Tuấn Vinh đang tư vấn cho người bệnh
BS Vinh cho biết: “Bệnh nhân D. bị chấn thương nặng, gãy xương chậu làm biến dạng xương chậu, chèn ép mạch máu, xương di lệch làm đứt niệu đạo, chít hẹp âm đạo, đứt nhiều cơ thắt và dây thần kinh sàn chậu, vùng mặt trong đùi biến dạng với nhiều sẹo. Việc điều trị không thể tiến hành chỉ sau một lần phẫu thuật và đòi hỏi có sự phối hợp với các bác sĩ về chỉnh hình để vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh vừa đảm bảo khôi phục chức năng đường tiểu, đồng thời tạo hình lại âm đạo đang chít hẹp cho người bệnh. Ca phẫu thuật là một thách thức lớn vì ngay cả trên thế giới cũng không có nhiều báo cáo về các trường hợp phẫu thuật tạo hình niệu đạo cho nữ”.
Hành trình điều trị kéo dài
Cuối năm 2019, BS Vinh và các bác sĩ Khoa Niệu B, BV Bình Dân phối hợp với các bác sĩ Chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành phẫu thuật tạo hình niệu đạo đợt 1 cho chị D. Mục tiêu của phẫu thuật là tái tạo lại cổ bàng quang, tìm kiếm niệu đạo và nối niệu đạo vào cổ bàng quang mới.
BS Vinh chia sẻ: “Quá trình phẫu thuật phải tinh tế để không tổn thương niệu đạo, cố gắng bảo tồn các cơ đáy chậu giữa cho người bệnh để người bệnh có thể kiểm soát được việc đi tiểu sau phẫu thuật. Tiếp đến là tạo hình lại cổ bàng quang đã bị bít tắc, nối mỏm niệu đạo với cổ bàng quang mới tạo hình, đặt thông niệu đạo…”.
Hậu phẫu một tuần, người bệnh được rút thông niệu đạo. Thông bàng quang được rút sau phẫu thuật 2 tuần. Từ lúc này, chị D. chính thức thoát cảnh đeo túi nước tiểu.
Sau phẫu thuật thành công ban đầu, người bệnh bước vào giai đoạn tập cơ sàn chậu theo hướng dẫn của các bác sĩ tiết niệu. Dần dần, tình trạng són tiểu của chị D. được cải thiện hơn. Chị bắt đầu trở lại với công việc văn phòng.
Sáu tháng sau, người bệnh tiếp tục bước vào ca phẫu thuật thứ 2 nhằm loại bỏ các mô sẹo co rút và các can xương để giải phóng âm đạo. Một số phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục ngoài tiếp theo cũng diễn ra thuận lợi đã giúp hiệu quả điều trị được hoàn thiện hơn.
Hạnh phúc đã mỉm cười
Hơn 3 tháng sau đợt phẫu thuật cuối cùng của quá trình điều trị, chị D. đã đi bộ lên đỉnh Tà Xùa – một ngọn núi với nhiều dốc cao nhấp nhô ở vùng Tây Bắc, vốn là thách thức ngay cả với một người có sức khỏe bình thường. Đối với người bệnh vừa trải qua nhiều lần phẫu thuật vùng chậu và vẫn còn tình trạng són tiểu như chị D. thì đây là một thử thách đòi hỏi nhiều nỗ lực. Trong ba lô hành lý lên đỉnh núi cao của chị D. có cả… tã người lớn để chủ động cho tình trạng són tiểu.
Với từng bước đi kiên cường, chị D. đã chinh phục đỉnh núi 2.800 mét. Khi đứng trên đỉnh núi mây mù, chị D. thấy mình đã vượt qua được giới hạn của bản thân, bỏ lại sau lưng tất cả những tháng ngày kinh hoàng của bệnh tật.
Chị D. chia sẻ: “Khi đứng trên đỉnh núi, em mừng đến vỡ òa. Có thể tự do đi lại mà không vướng víu dây, vướng ống và túi nước tiểu là điều hạnh phúc vô biên đối với em”.
Niềm vui liên tục đến với chị D. khi chị tình cờ gặp người mà hơn một năm sau trở thành bạn đời của mình. Người có thể chia sẻ với chị những khát khao tuổi trẻ, tương đồng với chị về nhiều điểm trong quan niệm sống. Đặc biệt khi anh hiểu về bệnh tình và những khó khăn mà chị có thể phải đối mặt về sau. Đám cưới diễn ra trong sự chúc phúc của hai bên gia đình, niềm vui của rất nhiều bác sĩ và điều dưỡng Bệnh viện Bình Dân – những người chị D. xem như người trong gia đình.
Hiện tại, gia đình chị D. đang chờ đón đứa con đầu tiên. Do di chứng của tai nạn, mặc dù thụ thai tự nhiên nhưng chị D. cũng gặp một số khó khăn trong quá trình mang thai như dễ bị nhiễm trùng tiểu, tình trạng són tiểu nặng hơn. Tuy nhiên với chị, điều đó cũng chỉ là một thử thách nữa trong hành trình cuộc sống mà bản thân sẵn sàng vượt qua để nắm giữ hạnh phúc của mình.
Nhung Trần
Bình luận (0)