Cây mã đề, cam thảo, cỏ xạ hương hay tía tô đất… có thể làm dịu các cơn ho và đau họng khi trời lạnh.
Thời điểm giao mùa, nhiều người thường gặp những vấn đề về phế quản như đau họng, ho khan, viêm phế quản… Dược sĩ Christine Cieur-Tranquart và bác sĩ Pierre Théallet, tác giả sách Hướng dẫn chăm sóc gia đình bằng loại thảo dược tự nhiên, chia sẻ các bài thuốc từ thảo dược có thể chữa đau họng ho khan.
Chữa đau họng thông thường
Với những cơn đau họng thông thường, hai loại thảo dược chữa tốt nhất là cây mã đề và cam thảo. Cây mã đề có đặc tính chống ho, chứa chất histamine (chống dị ứng), đặc tính chống nhiễm trùng nhờ giải phóng một trong các phân tử của nó là aucuboside. Trong khi đó thành phần hoạt chất chính của cam thảo là glyccyrrhizin, có đặc tính chống viêm.
Có thể dùng bài thuốc này dưới dạng lỏng và dạng viên nén. Ở dạng chất lỏng, tức chiết xuất từ thực vật tươi, gồm 2,5 ml mã đề kết hợp 2,5 ml cam thảo pha loãng với nước, uống ba lần mỗi ngày trong 7 ngày liên tiếp. Ở dạng viên nang, sản phẩm được các công ty dược bào chế từ thực vật tươi, uống trực tiếp một viên chiết xuất mã đề và một viên chiết xuất cam thảo, ba lần một ngày trong 7 ngày.
Lưu ý, khuyến cáo người bị cao huyết áp không được dùng cam thảo vì có thể làm tăng huyết áp.
Đau họng kèm ho khan
Thảo dược có tác dụng trị ho khan, đau họng.
Bài thuốc gồm có cây mã đề, cam thảo và thảo dược từ cây thông. Cây thông chứa thành phần như một chất khử trùng đường hô hấp, giúp làm dịu cơn ho và cải thiện khả năng hô hấp. Bài thuốc này cũng có tác dụng chữa viêm phế quản mạn tính.
Ở dạng lỏng, sử dụng 2 ml thông, 2 ml chuối , 2 ml cam thảo pha loãng trong nước, uống ba lần một ngày trong 7 ngày. Dạng viên nén chiết xuất từ 3 loại thảo dược này, uống mỗi loại một viên ba lần một ngày trong 7 ngày.
Cảm lạnh, viêm thanh quản
Hai loại thảo dược chữa cảm lạnh rất tốt là cỏ xạ hương và cây thục quỳ. Trong cỏ xạ hương có thành phần hợp chất tác dụng chống ho kể cả ho có đờm và ho khan, ngoài ra còn có tính sát trùng, kháng virus và chống viêm. Cây thục quỳ giúp làm dịu sự kích thích ở cổ họng.
Cách sử dụng: Ngâm cỏ xạ hương trong nước lạnh tầm 10 phút, sau đó đun sôi với rễ cây thục quỳ, để nguội 10 phút rồi uống như trà. Uống 30-50 ml trong ngày, 3-4 lần mỗi ngày trong hơn một tuần.
Chú ý: Tránh uống cỏ xạ hương sau 5h chiều vì đây là loại thảo dược bổ dễ gây mất ngủ.
Làm dịu cơn ho do trào ngược dạ dày
Ho mãn tính (đặc biệt vào ban đêm, khi nằm) là một trong những triệu chứng của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, do trào ngược axit gây kích thích phế quản và cổ họng. Bạn có thể dùng bài thuốc từ cây tía tô đất và cúc la mã.
Tía tô đất có thành phần chống viêm, làm dịu sự kích thích. Cúc la mã được coi như một vị thuốc chống co thắt, hạn chế các cơn ho. Cả hai thảo dược này đều có tác dụng kháng axit giảm trào ngược.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)