“Phóng viên thử việc” , “Chàng trai đa cảm”, rồi “Vòng Nguyệt quế” đang phát sóng trên VTV 1, đều là sản phẩm của những nhà biên kịch trẻ. Xem chừng, những gì đạt được… còn chưa cao.
Những bộ phim truyền hình chưa hoàn hảo
Bài viết “Quả non khó chín” của Tuổi trẻ Thủ đô ngày 11/7, cho thấy nghề biên kịch phim truyền hình hiện nay đang dễ kiếm tiền, các biên kịch viên trẻ nhiều, nhưng quả lả có sự khác biệt giữa họ và các nhà biên kịch lâu năm.
Cô phóng viên thử việc của tác giả 8X Nguyễn Văn Vỹ trong “Phóng viên thử việc” quá cường điệu. Cô giống như một anh hùng hảo hán đá bay con dao của tên cướp hung hãn, rồi cứu một vị giám đốc cao to, trẻ khỏe trên cung đường vắng. Có lúc cô bạo gan đi “thực tế”, xâm nhập vào đường dây buôn người để suýt bị bán sang biên giới…
Nhân vật Tổng biên tập tờ báo Chân lí đáng lẽ phải dám đương đầu với các vấn đề gai góc trong xã hội, hóa ra lại chỉ biết mỗi “cầm tay chỉ việc”, không bộc lộ bản lĩnh. Nhiều nhân vật của Vỹ theo Tuổi trẻ Thủ đô “đều xây dựng một cách cẩu thả, cứng nhắc, gượng ép. Cánh làm báo chỉ biết lắc đầu cám cảnh khi xem những cảnh phim như thế”.
Nội dung phim của cả một nhóm biên kịch của các sinh viên tốt nghiệp Khoa Biên kịch trường Đại học sân khấu điện ảnh, lấy tên Nguyễn Quỳnh Trang đưa ra bộ phim “Chàng trai đa cảm”. Họ chỉ mới đưa ra được phần nổi như một chút sắc màu tình yêu, diễn viên trẻ đẹp, thay đổi góc quay, triết lí hạnh phúc gia đình, nhưng nội dung… vẫn cũ kĩ và nhàm chán.
Bài báo cũng cho thấy, câu thoại nhà văn Đông Bích trong “Vòng nguyệt quế” của tác giả Hà Thủy Nguyên đầy rẫy những thuật ngữ văn học, lí luận phê bình, rồi cả triết học. Đó chỉ là một mớ kiến thức mới vỡ vạc của cô sinh viên năm cuối Văn khoa, không học chuyên về sáng tác – Tuổi trẻ Thủ đô kết luận.
Sài gòn Giải phóng ngày 12/7 cũng đưa ra chi tiết: “Một nhà văn đi tìm thế giới riêng để bộc bạch cái nhìn về cuộc sống, quan tâm đến văn hóa, văn học nhưng cách đối xử và giọng điệu của cô nhà văn Đông Bích – tức Hân – khi nói chuyện với bố mẹ nghe cực kỳ xấc láo!”.
Phải chăng là do họ còn trẻ?
Sở dĩ vẫn có những bộ phim sống sượng, ngô nghê chiếu trên truyền hình, lỗi thuộc về các nhà biên kịch trẻ, chủ thể của những kịch bản phim “chưa chín”.
Họ là những người thiếu vốn sống, kinh nghiệm xử lí trong cuộc sống, nên khả năng phân tích tổng hợp các tình huống, cách hành xử chuyện con người thực vào tác phẩm chưa mang nét điển hình và chọn lọc.
Các biên kịch trẻ chưa hiểu được ngôn từ của điện ảnh là âm thanh, hình ảnh, chứ không phải là nghệ thuật của ngôn từ.
Lỗi thứ hai, thuộc về các nhà sản xuất phim. Các nhà làm phim chuyên nghiệp, có kinh nghiệm đã không nghiêm tay để gạt bỏ các kịch bản yếu kém, “lợn gợn”.
Giải pháp cho những bộ phim truyền hình có sức sống hơn
Các bộ phim trên đều được chiếu vào giờ vàng, không phải là không có khán giả. Người khen người che đều có, cũng không thể phủ nhận công của các nhà biên kịch trẻ. Nhưng quả là họ cần phải viết, nhưng cũng cần có thời gian để họ trải nghiệm.
Tuổi trẻ ngày 10/7, đưa ra giải pháp các nhà biên kịch cần được “thử lửa”. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn tán đồng cách làm việc theo nhóm, nhưng theo ông, hầu hết các nhóm viết hiện nay tay nghề không đồng đều, phong cách viết khác nhau, do đó họ cần có thời gian “thử lửa” để điều chỉnh những khác biệt này.
Một giải pháp nữa, các nhà đài cần mạnh dạn đặt hàng. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng trên Tuổi trẻ cho biết, cái quan trọng nhất, sau đó mới đến câu chuyện và ý tưởng.
Anh lý giải: “Điều đọng lại trong khán giả lâu nhất là nhân vật. Tuy nhiên, phim Việt chăm chú ý tưởng quá. Từ ý tưởng đến kịch bản xa lắm. Ai cũng có ý tưởng tốt nhưng khi bắt tay viết kịch bản không đơn giản chút nào.
Trong 100 kịch bản, chỉ có ba cái được xem là tốt. Thế nhưng những tác phẩm hay, tốt đôi khi không đến với mình. Nên tôi chọn cách tự viết kịch bản rồi làm phim”.
Cuối cùng, màu sắc chung của các bộ phim truyền hình đang né tránh vấn đề nóng bỏng xã hội. Nhiều đề tài nóng bỏng chỉ có hãng phim nhà nước đề cập, còn hãng tư nhân không làm vì sợ bất trắc.
Vì thế hầu hết phim hiện nay chỉ quanh đi quẩn lại môtip nói về lối sống giới trẻ, tình yêu tay ba, tư, năm, những cô gái chân dài… khiến nhiều người xem chán.
Hiện cũng có nhiều nhóm tác giả viết kịch bản phim ra đời nhưng theo đơn đặt hàng của nhà sản xuất, họ viết đề tài không sâu, làm nhanh để tranh sóng truyền hình. Thảm trạng kịch bản rất nguy kịch”.
Để giải quyết thực trạng buồn này, theo đạo diễn Khải Hưng: “Phải có sự đặt hàng từ chính các đài truyền hình. Các nhà đài hãy mạnh dạn nói tôi không mua kịch bản này. Chúng tôi cần đề tài a,b, c, d… chắc chắn sẽ có đề tài như vậy thôi”.
Như vậy, giải pháp nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt không phải là bế tắc. Vấn đề còn lại là từ các phía: biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất… phải biết lắng nghe nhiều hơn và thật sự nghiêm túc khi đưa sản phẩm của mình ra trước khán giả.
Minh Trang (tienphong.vn)
Bình luận (0)