Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Các chương trình hài: Đìu hiu trên truyền hình, tưng bừng trên các nền tảng

Tạp Chí Giáo Dục

Sau gần 10 năm, các chương trình hài trên truyền hình rơi vào cảnh đìu hiu. Trong khi đó, hài trên mạng xã hội (TikTok, Facebook) thì bội thu người xem.

Cười xuyên việt cố gắng bám trụ

Chung kết Cười xuyên Việt 2024 vừa khép lại cách đây ít ngày trong sự im ắng, khác hẳn với không khí cách đây gần 10 năm khi chương trình lần đầu xuất hiện. Đây là cái nôi từng tạo ra nhiều tên tuổi nổi tiếng hiện tại như: Mạc Văn Khoa, Lê Dương Bảo Lâm, Nam Thư, Võ Tấn Phát…

Tiết mục Miền tây quê tôi của đội Hahaha tại chương trình Cười xuyên Việt 2024 (Ảnh: Nhà sản xuất)

Tiết mục Miền tây quê tôi của đội Hahaha tại chương trình Cười xuyên Việt 2024. Ảnh: Nhà sản xuất

Gần 10 năm trước, cùng với Cười xuyên Việt, một loạt chương trình hài khác cũng xuất hiện như: Làng hài mở hội, Tiếu lâm tứ trụ, Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm… Nhưng tới nay, chỉ Cười xuyên Việt còn trụ lại. Để một game show đi qua gần 10 năm, không phải chuyện dễ.

Khoảng 2 năm gần đây, Cười xuyên Việt đã cố gắng đổi mới đặc biệt trong mùa 2024 này. Tuy nhiên, không phải sự đổi mới nào cũng hiệu quả. Thay vì tập trung vào diễn xuất, chương trình bày ra thêm một số tập chơi trò chơi vận động gây cười, kéo dài phần chọn đội để tăng tương tác… Chính điều này lại khiến Cười xuyên Việt mất chất, biến thành một show tạp kỹ, không cần thiết.

Mãi đến tập 11, việc biểu diễn mới được nhấn mạnh. Chương trình tạo điều kiện cho nhiều gương mặt trẻ tham gia, trong đó có những nhân tố nổi bật trên mạng xã hội nhằm hút sự chú ý của khán giả. Nhưng khả năng diễn xuất hạn chế của họ cộng với kịch bản chưa tốt, mảng miếng chưa mới mẻ khiến chất lượng nhìn chung xuống thấp. Một nghệ sĩ nhận định, so với nhiều năm trước, chất lượng thí sinh hiện giảm hẳn. Việc tìm kiếm ý tưởng, kịch bản hay vẫn rất khó.

Đơn cử như tiết mục giúp đội Hahaha (gồm các thành viên Phan Thị Mơ, Lâm Thắng, Phú Quí và Dương Bảo Châu) giành chiến thắng chung cuộc, người xem chỉ thấy được sự cầu kỳ trong việc pha trộn nhiều thể loại: kịch, xiếc, cải lương… Còn yếu tố hài do chính thí sinh mang lại thì gần như nhạt nhòa, khó gây cười vì khiên cưỡng, dễ đoán. Thậm chí, đài từ của Phan Thị Mơ khá cứng. Nhiều tiết mục chỉ dựa vào sự ồn ào, làm lố, chưa cho thấy được sự hài hước sâu sắc, tình huống độc đáo. Phần hóa trang của một số nhân vật cũng chưa chỉn chu.

Video hài trên các nền tảng “hút” Khách

Trái ngược với sự đìu hiu của hài trên truyền hình, các video tạo tiếng cười cho người dùng mạng xã hội (TikTok, Facebook) lại rất tưng bừng, sôi động. Chúng thường do các nhà sáng tạo nội dung sản xuất. Có thể kể đến như: Út Tâm, Bé 7, Hoàng Anh Panda…

Các video hài trên mạng phát triển mạnh, thu hút lượng người xem rất lớn trên TikTok, YouTube - Ảnh chụp màn hình

Các video hài trên mạng phát triển mạnh, thu hút lượng người xem rất lớn trên TikTok, YouTube. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh những video ngắn (khoảng vài phút), nhiều người còn đầu tư sản xuất các series dài hơi, mỗi tập hơn chục phút với kết cấu khá chặt chẽ. Những nội dung họ hướng đến đều gắn liền với cuộc sống đời thực: chuyện dạy con cái, gia đình, đám cưới, tình yêu… Thậm chí, họ đón đầu các sự kiện khá tốt nhờ phương thức sản xuất đơn giản, nhanh gọn. Vì thế, các video cũng nhanh chóng lọt tốp được tìm kiếm, bội thu lượt xem.

Dĩ nhiên, khó thể đặt chúng ngang hàng với các tác phẩm hài được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp trong các chương trình truyền hình. Trong đó, chất lượng diễn xuất, sự chỉn chu… là những điều khác biệt có thể thấy rõ. Nhiều video trên mạng xã hội còn chứa những từ ngữ khá thô thiển, tình huống phản cảm hoặc bình dân quá mức. Nhưng sự tác động của chúng thì không thể xem nhẹ. Nhiều video đạt hàng triệu tới hàng chục triệu lượt xem, hàng ngàn lượt chia sẻ. Đó là những con số rất đáng mơ ước mà một sản phẩm chỉn chu khó đạt được trong thời buổi hiện tại.

Nghệ sĩ Cát Phượng cho biết, sự thay đổi, phát triển của hài trên môi trường mạng hiện tại rất rõ. Theo chị, xu hướng này là tất yếu, khó tránh khỏi khi phương tiện nghe, nhìn thay đổi. Điều chị lo lắng là chúng sẽ ảnh hưởng đến gu thưởng thức, sự nhìn nhận của khán giả, đặc biệt là giới trẻ về hài.

“Các sản phẩm trên mạng không có sự kiểm duyệt nên ai muốn làm sao thì làm. Dẫu biết khó, nhưng tôi mong các sản phẩm này có thể được kiểm duyệt tốt hơn, vì không chỉ khán giả xem mà nhiều bạn trẻ cũng nhìn đó học theo” – Cát Phượng bộc bạch.

Nghệ sĩ ưu tú Minh Nhí cho rằng, các nhà sáng tạo nội dung cũng tạo ra được những trào lưu nội dung hút khán giả. Điều đó buộc người làm nghề chuyên nghiệp cũng phải học hỏi, vận dụng một cách chọn lọc, phù hợp. Ông ủng hộ các nhà sáng tạo nội dung và mong khi đã có được công chúng cho riêng mình, họ nên tìm các sân chơi, trường lớp đào tạo chuyên nghiệp để nâng cao kỹ năng, từ đó có thể tạo ra các video chất lượng, mang tính thẩm mỹ cao hơn.

Khán giả vẫn mong được xem những tiết mục hài đúng chất, chỉn chu. Vì thế, theo nghệ sĩ Cát Phượng, đây là cơ hội cho các nhà sản xuất, nghệ sĩ tạo ra những sản phẩm giải trí đúng nghĩa. Đó cũng là lý do chị tổ chức Đêm của cười được vài lần, khán giả ủng hộ khá đông.

Theo Trung Sơn/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)