Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các cơ sở dạy nghề: Tự bơi để tồn tại

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo thăm một cơ sở dạy nghềBà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP nói: “Học nghề là một nhu cầu bức thiết của xã hội. Bên cạnh những cơ sở dạy nghề được đầu tư với cơ sở vật chất rộng rãi, trang thiết bị hiện đại, nhưng vẫn còn một vài cơ sở dạy nghề việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn đội ngũ chưa đáp ứng kịp với nhu cầu. Nên việc thu hút các cháu đến với các cơ sở dạy nghề còn dừng lại ở số lượng khiêm tốn”.

Gồng mình… lấy ngắn nuôi dài

Không ít trung tâm dạy nghề (TTDN) chọn phương án đào tạo các nghề ngắn hạn làm chủ đạo cho đơn vị mình, thậm chí có TTDN tập trung tổ chức thi lấy bằng lái A1 hoặc xe ô tô. Giám đốc một TTDN đã không ngần ngại nói thẳng: “Với cái “mác” TTDN, việc chiêu sinh của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Muốn đầu tư máy móc hay trang thiết bị, TT phải lập kế hoạch đề xuất và chờ. Trong khi hàng chục trường trung cấp nghề (TCN), cao đẳng nghề (CĐN) mọc lên như nấm, còn chúng tôi lẹt đẹt với TTDN tất phải gặp muôn vàn khó khăn”. Trong lần theo chân đoàn HĐND TP.HCM do bà Phạm Phương Thảo dẫn đầu ngày 31-7, chúng tôi đã nghe phó hiệu trưởng một trường CĐN tên tuổi nói: “Nếu các anh đến trường vào buổi tối, học viên đông vô kể. Chúng tôi sống nhờ các học viên buổi tối. Ban ngày họ đi làm, tối sắp xếp học thêm để nâng cao trình độ. Đây cũng là một trong nhiều cách để tồn tại, chúng tôi phải gồng mình “lấy ngắn nuôi dài”. Còn tuyển sinh hệ cao đẳng chính quy cũng chỉ “vớt” những học sinh không vào được đại học. Hệ trung cấp còn tệ hơn, số lượng đăng ký còn rất khiêm tốn”.

Chỗ nào cho dạy nghề?

Thực trạng này diễn ra đã nhiều năm, do tâm lý của bản thân học sinh và cả phụ huynh nặng đích đến là giảng đường các trường đại học và xem nhẹ việc học các hệ dưới, đặc biệt là học nghề. Thêm vào đó, mấy năm gần đây một số trường đại học mở thêm việc đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng liên thông ngay chính trong trường mình và được phép tổ chức chiêu sinh. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay có khoảng 32 trường đại học còn chiêu sinh và đào tạo cả việc dạy nghề. Điều này vô hình trung bóp chết các cơ sở dạy nghề thấp cổ bé họng như TTDN, TCN… Ngoài ra, đối với hệ học nghề, nước ta chưa có trường đại học nghề, đó cũng là cản ngại trong việc thu hút học sinh đến với học nghề. Ông Trần Văn Hai, Hiệu trưởng Trường TCN Thủ Đức bức xúc: “Nhà nước quy định phân luồng 6-4, nghĩa là chỉ có 60% học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học phổ thông hoặc có thể lên đại học sau này, còn lại 40% học sinh sẽ được theo học các cơ sở giáo dục, trong đó có các TTDN, trường TCN hoặc CĐN. Nhưng hàng năm, khi đến mùa tuyển sinh lớp 10, một vài cơ quan truyền thông “chăm chú” xoáy vào nội dung tìm cách đưa hết học sinh vào phổ thông. Kiểu này thì các cơ sở dạy nghề làm sao có học viên. Với cách làm thiếu đồng bộ, trong đó có việc tuyên truyền lợi ích lẫn nhu cầu của học nghề, tôi e các cơ sở dạy nghề sẽ phải đóng cửa”. Để chiêu sinh, mỗi cơ sở tự tìm cho mình một cách, như TTDN quận 9 đã tổ chức mạng lưới tuyển sinh dạy nghề xuống tận 13 phường và TTDN này còn tổ chức mỗi 2 tuần “Sàn giới thiệu việc làm” để giúp cho học viên có nhu cầu công việc và các công ty, xí nghiệp cần lao động phù hợp, nhờ vậy mà trung tâm còn có học viên. Nhưng thực tế TTDN quận 9 đào tạo chủ yếu vẫn là những nghề ngắn hạn, còn các nghề có tính năng cao như: điện công nghiệp, điện tử công nghiệp… vẫn trong tình trạng vạch lá tìm học viên!

Nhiều nghịch lý tồn tại

Ông Nguyễn Văn Đăng, Phó giám đốc TTDN quận 9 nói: “Trung tâm thiếu mặt bằng, chúng tôi mong muốn mỗi khóa nghề có một cơ xưởng để thực hành. Bởi đây không chỉ giúp học viên tiến nhanh mà còn giúp học viên kiếm thêm thu nhập. Vì tôi nghĩ rằng các học viên chọn TTDN hầu hết đều con em gia đình lao động nghèo. Nhưng, khó quá!”. Theo ông Đăng, số học viên theo học tại đây khoảng 5.000 người/năm, trong đó chủ yếu là dân từ các tỉnh học các nghề: uốn tóc, trang điểm, sửa điện thoại. Trong khi đó TTDN huyện Bình

Chánh, nơi có một vài khu công nghiệp lớn như khu công nghiệp Lê Minh Xuân mà số lượng lại vô cùng khiêm tốn chỉ 124 học viên. Ông Đặng Đình Dũng, Phó giám đốc TTDN Bình Chánh đã gói ghém trong hai tiếng: “gian nan”. Phải chăng, trang thiết bị lạc hậu? Ngành nghề đào tạo chưa phù hợp? Hay thiếu đội ngũ thầy cô? Ông Trần Văn Hai, Hiệu trưởng Trường TCN Thủ Đức cho rằng: “Khó khăn lớn nhất của công tác dạy nghề hiện nay là Nhà nước chưa quan tâm nhiều. Cụ thể kinh phí cho dạy nghề quá ít ỏi. Theo quy định, mỗi học sinh của trường thuộc diện thường trú được trợ cấp 4 triệu đồng/năm, nhưng chúng tôi chỉ được nhận 2,8 triệu đồng, còn lại 1,2 triệu đồng nhà trường phải thu thêm qua học phí. Còn học sinh có hộ khẩu các tỉnh thì nhà trường phải chịu. Nhà trường thực hiện tự thu tự chi nên hầu như tập trung cho việc chi trả lương lấy gì còn dư mà tái đầu tư. Giáo viên của trường, bằng cử nhân, kỹ sư, lương mỗi tháng chỉ 1,6 triệu đồng. Trong khi một học sinh tốt nghiệp ra trường, chỉ bằng TCN lương của các em hơn 2 triệu đồng/tháng, quả là nghịch lý? “.

Đầu tư cho dạy nghề là một việc làm bức bách. Trong khi nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên hàng ngày, tất nhiên nhu cầu về nhân lực là rất lớn, việc đầu tư nếu có nhưng mang tính nhỏ giọt hoặc chưa tập trung đầu tư chắc chắn hệ quả là các TTDN, TCN hay CĐN sẽ có thể dần biến mất hoặc có chăng cũng chỉ là nơi đào tạo những người thợ thủ công làm các dịch vụ cho các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, những việc không phù hợp với nhu cầu từ các công ty hiện nay và cả ngày mai.

T.T.Q

Bình luận (0)