Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài: Bấp bênh giữa tiền và chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Lần đầu tiên, Hà Nội có đánh giá tổng quát (dù chưa thực sự đầy đủ) về thực trạng hoạt động và công tác quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài (CSGDCYTNN) trên địa bàn.

Sự gia tăng của số lượng CSGDCYTNN mở ra cơ hội cho HS Việt Nam trong việc tiếp cận với nhiều phương thức giáo dục tiên tiến, song cũng đặt ra cho các cấp quản lý yêu cầu phải sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý nhằm quản lý, phát triển loại hình này và bảo vệ quyền lợi cho người học. Đó là những vấn đề được đề cập tại hội thảo liên quan tới vấn đề trên diễn ra vào cuối tháng 10 tại Hà Nội.
Quản lý không theo kịp thực tế
Với nhiều dự án liên kết cùng các trường đại học trên thế giới, Trường ĐH FPT đã giúp các sinh viên có thêm điều kiện tiếp cận với những phương pháp giáo dục tiên tiến. Ảnh: Nguyệt Ánh
Theo thống kê sơ bộ, Sở GD-ĐT Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho 17 cơ sở giáo dục có 100% vốn đầu tư nước ngoài, 20 trường có dự án đào tạo liên kết với nước ngoài, 58 trung tâm ngoại ngữ, tin học có yếu tố nước ngoài và 110 trung tâm tư vấn du học tự túc.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là thống kê đối với những đơn vị có giấy xin đăng ký hoạt động, thực tế còn không ít những cơ sở hoặc chưa biết tới quy định phải đăng ký, hoặc cố tình hoạt động "chui" nên không có trong danh sách. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các cấp quản lý mà còn khiến không ít người dân lâm vào cảnh "tiền mất tật mang" do tin vào những lời quảng cáo sai sự thật.
Nhưng tại sao các đơn vị làm ăn bất chính vẫn tồn tại? Đó là khi nhà đầu tư lợi dụng được tâm lý "sính ngoại" của khá nhiều người Việt Nam, dùng nhãn quốc tế để thu hút học viên. Lại có người học không đủ trình độ, hoặc thiếu thông tin để đánh giá chất lượng của các cơ sở này, không hiểu rõ liệu với mức học phí theo giá "quốc tế" ấy có tương xứng với chất lượng đào tạo hay không?
Theo khảo sát, có tới hơn một nửa (52%) trong số những chương trình đào tạo tại các CSGDCYTNN ở Hà Nội hiện này là hoàn toàn của nước ngoài, tỷ lệ chương trình hoàn toàn của Việt Nam chỉ chiếm 5%, số còn lại là liên kết đào tạo. Cơ quan quản lý của Việt Nam chỉ kiểm soát được khoảng một nửa các chương trình giáo dục tại CSGDCYTNN. Việc tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam cũng chưa được nhiều cơ sở chấp hành tốt, cá biệt có cơ sở lấy cả "Tây ba lô" vào đứng lớp.
Thực trạng ấy có nguyên do từ những bất cập trong hệ thống văn bản pháp lý để quản lý các cơ sở này. Bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) thừa nhận: Việc xây dựng văn bản thay thế, bổ sung cho các Nghị định số 06/2000/NĐ-CP và Nghị định 18/2001/NĐ-CP về hoạt động của các cơ sở văn hóa giáo dục nước ngoài tại Việt Nam (hiện không phù hợp) của Bộ GD-ĐT còn chậm, ảnh hưởng tới việc quản lý tại địa phương. Dự thảo về vấn đề này đang được Bộ khẩn trương hoàn thiện, trong đó có yêu cầu các cơ sở dù hoạt động theo hình thức lợi nhuận hay phi lợi nhuận cũng phải bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và chương trình đào tạo. Đây là điều kiện quan trọng để tạo nên chất lượng đào tạo, cũng là yêu cầu để bảo đảm quyền lợi cho người học.
Đâu là giải pháp?
Trách nhiệm quản lý cùng sự gia tăng ngày một phức tạp của loại hình này đã khiến những người làm công tác quản lý giáo dục của Hà Nội không thể "ngồi yên". Lần đầu tiên, hai văn bản quy định đăng ký, quản lý hoạt động và quy định nhiệm vụ của các phòng, ban thuộc Sở GD-ĐT trong việc quản lý các CSGDCYTNN đã được hoàn thiện với mong muốn sớm đưa hoạt động của các đơn vị này vào nề nếp.
Với cái nhìn khá tổng quát về thực trạng của các CSGDCYTNN, Hà Nội đã đề ra 6 giải pháp, trong đó việc nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế, bồi dưỡng đội ngũ, tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, tăng cường kiểm tra, thanh tra… được kỳ vọng sẽ là những giải pháp hiệu quả. Theo GS-TS Đặng Quốc Bảo (nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý GD-ĐT, nay là Học viện Quản lý giáo dục) thì Hà Nội hiện là địa phương đi tiên phong trong việc đẩy mạnh quản lý các CSGDCYTNN. Theo ông, trong việc quản lý CSGDCYTNN, việc cần thiết là thực hiện kiểm định chất lượng và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng (giữa các sở, ngành, các địa bàn) và cả người học để họ phát huy vai trò làm chủ, giám sát quá trình đào tạo và kết quả đào tạo.
Muốn vậy, hệ thống văn bản pháp quy phải có yêu cầu các cơ sở công khai chương trình đào tạo; công khai năng lực, trình độ người dạy; công khai điều kiện cơ sở vật chất phục vụ học tập, thực hành… Chỉ có công khai, minh bạch mọi vấn đề liên quan đến cơ sở đào tạo thì người học mới có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình. Cơ quan quản lý từ đó cũng thuận tiện hơn trong kiểm tra, giám sát. Về công tác phối hợp, các văn bản pháp lý cũng cần phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp giữa các đơn vị. Minh chứng cho sự cần thiết này là khi xảy ra vụ "bốc hơi" của SITC cách đây vài năm, chúng ta đã không thể xác định rõ đâu là cơ quan quản lý trực tiếp, cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra thường xuyên hoạt động của cơ sở đó.
Trong giai đoạn "chạng vạng", khi mà sự quản lý của các cơ quan nhà nước còn bất cập, hệ thống văn bản pháp quy còn nhiều "lỗ hổng", để tránh việc HS phải mất "tiền tây mà chất lượng chẳng bằng ta", ngành GD-ĐT còn mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo TP cho phép thực hiện một số chính sách đặc thù. Đó là thí điểm chuyển đổi một số trường công lập sang mô hình trường công lập tự chủ toàn phần, đáp ứng nhu cầu của những phụ huynh muốn gửi con vào môi trường học tập tốt hơn. Môi trường cạnh tranh lành mạnh này sẽ buộc các CSGDCYTNN phải nỗ lực hơn nhằm thu hút, tạo uy tín với người học, tạo tiền đề phát triển bền vững.
Thống Nhất / HNM

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)