Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành GD-ĐT TP.HCM
|
Tuần qua, Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM đã làm việc với Sở GD-ĐT TP về việc triển khai “Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành GD-ĐT TP.HCM giai đoạn 2013-2015”, do Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà ký quyết định ban hành…
Xây dựng hệ thống thông tin giáo dục toàn TP
Đó là một trong những mục tiêu chung của chương trình ứng dụng CNTT trong ngành GD-ĐT TP.HCM. Theo đó, UBND TP cho phép các cơ sở giáo dục kết nối và chuyển tải các thông tin giáo dục một cách thống nhất, toàn diện từ Sở GD-ĐT đến phòng GD-ĐT quận/ huyện và trường học (từ mầm non, tiểu học đến THPT); sử dụng phương tiện CNTT để thực hiện công tác quản lý ngành và phục vụ quá trình dạy – học của giáo viên, học sinh; góp phần hình thành cơ sở dữ liệu quản lý nguồn nhân lực của TP.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM, cho biết chương trình có 9 mục tiêu cụ thể, đó là: “Xây dựng các quy chế và quy định làm cơ sở pháp lý cho việc vận hành, khai thác các thông tin cho hệ thống thông tin giáo dục TP; xây dựng được một trung tâm dữ liệu giáo dục thống nhất làm cơ sở hạ tầng cho việc xây dựng các mạng thông tin quản lý ngành, mạng thông tin giáo dục học đường, mạng thông tin giáo dục cộng đồng; tất cả các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT quận/huyện và trường học các cấp được trang bị hệ thống mạng LAN, đường truyền internet, các trang thiết bị phục vụ cho việc kết nối với hệ thống thông tin giáo dục TP; tất cả các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT, trường học các cấp sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hỗ trợ công việc trong quá trình chỉ đạo điều hành và báo cáo kết quả thực hiện công việc cho lãnh đạo các cấp; 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục được quản lý trên phần mềm quản lý công nhân viên chức nhằm quản lý đầy đủ, chi tiết quá trình công tác của từng đối tượng; tất cả các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT, trường học các cấp kết nối với hệ thống thông tin giáo dục TP thông qua mạng thông tin giáo dục học đường; 100% các trường học và Sở GD-ĐT có hệ thống thông tin giáo dục, kết nối với hệ thống thông tin giáo dục TP thông qua mạng thông tin giáo dục học đường; 70% phụ huynh học sinh tương tác với nhà trường và các cơ sở giáo dục thông qua phương tiện truyền thông điện tử như mạng máy tính, các thiết bị di động (điện thoại di động, máy tính bảng…); xây dựng cổng thông tin tích hợp về giáo dục cộng đồng bao gồm hệ thống đào tạo từ xa và học trực tuyến (E-Learning), hệ thống thư viện điện tử, hệ thống bài giảng điện tử phục vụ người dân”.
Triển khai dịch vụ “Trường học điện tử”
Với những mục tiêu trên, chương trình ứng dụng CNTT trong ngành GD-ĐT TP.HCM có 7 nội dung mà hai sở Thông tin – Truyền thông và GD-ĐT cùng các đơn vị liên quan cần phải thực hiện từ nay đến năm 2015. Cụ thể là xây dựng kiến trúc tổng thể ngành GD-ĐT và quy chế vận hành, khai thác hệ thống thông tin giáo dục TP; xây dựng hạ tầng CNTT ngành giáo dục; xây dựng trung tâm dữ liệu giáo dục; triển khai các phần mềm chung; triển khai mạng thông tin giáo dục cộng đồng; triển khai mạng thông tin quản lý giáo dục – bao gồm các phần mềm quản lý nhà trường, quản lý đào tạo, tổng hợp số liệu thống kê và báo cáo về tình hình GD-ĐT TP cũng như các hệ thống phục vụ quản lý: Hệ thống họp trực tuyến, thẻ học sinh điện tử. Đặc biệt, trong năm 2013, tập trung xây dựng và triển khai các hệ thống phục vụ công tác dạy và học như: Cổng thông tin điện tử tích hợp dành cho giáo viên, học sinh và phụ huynh; hệ thống bài giảng điện tử, sách giáo khoa điện tử dành cho giáo viên và học sinh; kênh giao tiếp giữa nhà trường với giáo viên, học sinh và phụ huynh thông qua cổng thông tin, hệ thống thư điện tử và hệ thống tin nhắn trên các thiết bị di động.
Xung quanh 7 nội dung này, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Đối với cơ sở hạ tầng, đến nay hầu hết các trường đều có đầy đủ máy vi tính, kết nối đường truyền internet, nhân lực cũng ổn định. Vấn đề bây giờ là nâng cấp để có sự đồng bộ giữa các trường, các quận/huyện. Ngoài ra, từ nhiều năm nay ngành GD-ĐT đã tổ chức tuyển giáo viên qua mạng. Năm học vừa qua, ngành giáo dục cũng đã tổ chức họp giao ban trực tuyến. Trong đó 24 phòng GD-ĐT là 24 điểm cầu, hệ thống các trường THPT được chia thành 16 cụm tương đương 16 điểm cầu…”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT), cho biết thêm: “Hiện nay các đơn vị trực thuộc ngành GD-ĐT TP đang sử dụng hai phần mềm quản lý nhân sự là phần mềm PMIS của Bộ GD-ĐT và phần mềm của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, hai phần mềm này không hòa làm một được nên rất vất vả cho các trường. Hiện nay các trường mong muốn làm sao hai phần mềm này có thể hòa làm một”.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đang tích cực triển khai dịch vụ trang thông tin “Trường học điện tử” cho tất cả các trường tiểu học, THCS và THPT. Theo đó, trang thông tin “Trường học điện tử” được xây dựng và phát triển với cơ sở dữ liệu tập trung đặt tại server Sở GD-ĐT và là môi trường kết nối giữa ban giám hiệu nhà trường – giáo viên – học sinh – phụ huynh nhằm thực hiện một cách hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Trang thông tin “Trường học điện tử” được xây dựng trên nguyên lý sử dụng kết quả làm việc của từng cá nhân nhưng thành quả được tổng hợp để phục vụ cho nhiều đối tượng người sử dụng. Ban giám hiệu nhà trường tiếp nhận được thông tin về kết quả học tập, chuyên cần của học sinh; kết quả xếp loại học lực, hạnh kiểm của học sinh toàn trường; biểu đồ thống kê, biểu đồ kết quả học tập, học lực của từng khối lớp, từng bộ môn. Việc quản lý thông tin học sinh được thể hiện đến từng cá nhân trong trường. Đồng thời, ban giám hiệu nhà trường cũng quản lý được các hoạt động chuyên môn của giáo viên, tình hình biến động học sinh… Đặc biệt, trang thông tin “Trường học điện tử” còn là môi trường học tập tương tác qua mạng internet nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giảng dạy của nhà trường.
Bài, ảnh: Minh Anh
Đối với thẻ học sinh điện tử, hai sở đã thống nhất chọn Q.1 và huyện Củ Chi làm thí điểm trước trong năm 2013, sau đó nhân rộng ra toàn TP. |
Bình luận (0)